1. Đặt ví tiền vào túi quần phía sau
Chỉ cần ngồi lên trên chiếc ví trong 15 phút đã ảnh hưởng đến cột sống, khiến dây chằng cột sống bắt đầu thay đổi. Còn nếu hành động này diễn ra trong thời gian dài, bạn sẽ có thể bị đau lưng mãn tính, đau thần kinh tọa và vẹo cột sống.
2. Ngồi cả ngày
Ngồi cứng đờ một chỗ khiến bạn không tiêu thụ được lượng calo cần thiết, sau này dễ mắc bệnh tiểu đường type 2, tim mạch và béo phì. Nếu bạn làm công việc bàn giấy, hãy cố gắng đứng dậy vươn vai sau mỗi 30 phút, hoặc đứng lên khi nói chuyện điện thoại và thỉnh thoảng đi dạo một chút.
3. Dỗ dành giấc ngủ bằng các món đồ công nghệ
Theo một khảo sát của tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ), khoảng 89% người lớn và 75% trẻ em thường sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ. Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, ngoài ra có thể gây tăng cân và cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Nó cũng khiến hiệu quả lao động giảm sút, khả năng tiếp thu kém và dễ stress hơn. Vậy nên tốt hơn hết là bạn nên "tự cách ly" bản thân với các món đồ điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ.
4. Ngủ quá nhiều
Đừng lầm tưởng ngủ càng nhiều thì cơ thể càng được nghỉ ngơi. Nghiên cứu cho thấy ngủ quá nhiều sẽ có tác động tiêu cực, bao gồm làm tăng tỷ lệ tử vong, trầm cảm, mắc bệnh tim mạch, béo phì và suy yếu chức năng não. Chỉ nên ngủ khoảng 7-9 tiếng mỗi ngày.
5. Uống nước từ chai nhựa
Không phải tất cả thành phần trong chai nhựa dùng 1 lần đều an toàn cho cơ thể. Đặc biệt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các chất trong chai nhựa có thể xảy ra phản ứng hóa học.
Ví dụ như nếu để chai nước trong xe hơi vào ngày nắng nóng, phần nhựa trên bề mặt có thể thải ra chất bisphenol A. Đây là một độc tố gây ảnh hưởng đến nội tiết tố, làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung và ung thư vú.
6. Ăn mặn
Hấp thụ quá nhiều muối có thể gây ra cao huyết áp, bệnh tim mạch và ung thư dạ dày. Muối vốn cần thiết cho sức khỏe, nhưng nó cũng khiến cơ thể tích nước và ảnh hưởng đến tim, động mạch và thận.
7. Ăn quá vội
Thói quen ăn quá nhanh sẽ khiến bạn dễ tăng cân, thậm chí tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ.
Những người ăn nhanh còn dễ tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn cần thiết, vì bộ não cần tới khoảng 20 phút để "bắn tín hiệu" cho bạn biết là no rồi, ngừng lại đi. Còn nếu "miệng nhanh hơn não", bộ máy trong cơ thể sẽ bị lỗi nhịp, khiến bạn không thể nhận ra mình đã ăn đủ và dừng lại đúng lúc.
8. Đánh răng ngay sau khi ăn
Theo nhiều nghiên cứu, bạn nên chờ khoảng 30 phút sau khi ăn rồi mới đánh răng. Bởi vì khi ăn uống, axit trong các loại thức ăn khác nhau có thể mài mòn men răng, khiến răng ở trong trạng thái phòng vệ yếu nhất.
Điều may mắn là cơ thể của chúng ta vẫn có cách để cân bằng khi nồng độ axit quá cao, với sự giúp sức của nước bọt, tuy nhiên bạn cần bình tĩnh chờ quá trình đó xảy ra.
9. Uống quá nhiều nước ép
Ai cũng biết nước ép cam giàu vitamin C, B và nhiều chất chống oxy hóa. Uống nước ép cũng là thói quen tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu hấp thụ quá nhiều sẽ phản tác dụng, ví dụ gây ra sâu răng, tiểu đường type 2 và béo phì. Lí do là vì trong nước ép có hàm lượng cao fructose (hay còn gọi là đường fructô/đường hoa quả).
10. Ngoáy tai
Theo một báo cáo năm 2017 của Viện tai mũi họng Hoa Kỳ, ngoáy tai là việc làm "lợi bất cập hại" vì nó có thể đẩy chất bẩn vào sâu hơn trong ống tai. Trong trường hợp nghiêm trọng, ngoáy tai có thể gây nhiễm trùng, thủng màng nhĩ, ù tai...
Thực chất, ráy tai không hề vô dụng mà nó có chức năng giống như một bộ lọc, giúp chặn đứng các bụi bẩn xâm nhập vào sâu bên trong. Từng có khảo sát cho thấy 2/3 người Mỹ được hỏi đều nói rằng họ thường lấy ráy tai.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên nên để ráy tai rơi ra tự nhiên. Còn nếu bạn muốn làm sạch, hãy dùng khăn lau là đủ.
11. Dùng máy sấy tay
Một nghiên cứu cho biết máy sấy tay trong nhà vệ sinh có thể làm khuếch tán vi khuẩn trên tay. Cơ chế thổi khí mạnh của máy sấy rất dễ khiến vi khuẩn trong không khí xung quanh "bay tứ tung". Tốt nhất là cứ lau tay bằng khăn giấy thôi nhé.