11 câu nói “triết lý nhân sinh” kinh điển nhất trong tiểu thuyết Kim Dung

Kim Dung mất đi nhưng những câu nói kinh điển này của ông thì vẫn còn mãi.

11 câu nói “triết lý nhân sinh” kinh điển nhất trong tiểu thuyết Kim Dung

1. “Có nỗi khổ không nói ra được, đó mới là khổ thực sự”. (Thiên long bát bộ)

Nỗi khổ có thể nói ra được thì không được coi là khổ, nỗi khổ không nói ra được mới là khổ thực sự. Khi nỗi khổ đè nặng trong lòng, nếu như có người tâm đầu ý hợp, hay có người tri kỷ tri âm để nghe ta thổ lộ tâm tư, thì nỗi lòng ấy đã nguôi ngoai đi rất nhiều rồi.

Khổ nhất là không biết thổ lộ cùng ai, đó mới là khổ thực sự, lâu dài, dai dẳng. Không ai hiểu, chỉ mình ta hết lần này đến lần khác nếm trọn nỗi cay đắng trong lòng.

2. “Làm người có thể lơ mơ thì cứ lơ mơ, cuộc sống hãy buông lỏng hết cỡ”. (Lộc đỉnh ký)

Nhân thế hỗn độn, sự đời rối ren, lòng người đen trắng nào ai sáng tỏ? Nếu cầu toàn trách bị quá, truy cầu hoàn mỹ quá, hay xét nét người quá, thì sẽ chỉ thấy căng thẳng, bất hạnh và khổ đau.

Thế giới quá rộng lớn, sao cứ phải ngụp lặn mãi trong những chuyện thị thị phi phi? Cho nên, cứ lơ mơ một chút, buông xả một chút, rất có thể con đường phía trước sẽ là một chân trời bát ngát hương hoa.

photo-4-15391476573751259294454

3. “Thông minh quá ắt tổn thương, tình sâu quá ắt tổn thọ, mạnh mẽ quá ắt chịu nhục, vậy nên, hãy là người quân tử khiêm nhường, ấm áp như ngọc sáng”. (Thư kiếm ân cừu lục)

Thông minh quá sẽ có lúc bị trí tuệ làm cho thương tổn, si tình quá sẽ có lúc bị ái tình làm cho đau khổ, giàu có quá sẽ có lúc bị tiền bạc làm cho khánh kiệt, mà kiêu ngạo quá lại có lúc bị danh lợi làm cho ê chề…

Vì sao Phật gia giảng ‘Thủ Trung’, Nho gia giảng ‘Trung Dung’, Đạo gia giảng ‘Âm Dương cân bằng’? Bởi vì các bậc Thánh nhân, Giác Giả đã thấu hiểu một chân lý rằng “chỉ có ở giữa là Đại Đạo”, hễ vượt quá giới hạn đều bước sang cực đoan, mà xưa nay trạng thái cân bằng mới là bền vững nhất.

4. “Lửa thiêu thân xác, lửa thiêng rừng rực, sống có gì vui, chết có gì khổ? Hành thiện trừ ác, còn mãi sáng soi. Hoan lạc sầu bi, đều về cát bụi. Thương thay thế nhân, lo nghĩ ưu sầu”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Con người đến thế gian dạo chơi vùng vẫy một phen, rồi sau cùng tất cả lại rời đi. Khi đến là tấm thân trần trụi, khi đi là hai bàn tay trắng, dẫu cả đời phú quý vinh hoa thì cuối cùng lại chẳng thể mang theo được thứ gì.

Thế nên, người thấu hiểu đạo lý sẽ coi nhẹ danh vọng, coi thường tiền tài, coi khinh sắc dục; họ sống là để tu dưỡng bản thân, trở nên ngày càng chân thành, chất phác, giản đơn, thanh tịnh.

5. “Nam nhi đại trượng phu, thứ nhất luận nhân phẩm tấm lòng, thứ nhì luận tài năng sự nghiệp, thứ ba luận văn học võ công”. (Thiên long bát bộ)

Tự cổ chí kim, thiên thượng vẫn luôn coi trọng người có đức. Lịch sử nhân loại ghi nhận biết bao anh hùng hào kiệt, bao đấng quân vương minh chủ, bao danh sĩ lẫy lừng lưu danh thiên cổ… đều bởi một chữ “Đức” đứng đầu.

Thế nên người xưa tu đức, lại khuyên răn con cháu trước phải tu nhân tích đức, rồi sau mới là rèn rũa tài năng. Vì đức nâng đỡ tài năng, còn tài năng lại dựa vào đức mà thi triển. Hữu đức bất tài, dẫu không thể giúp đời thì vẫn là một tấm thân trong sạch. Hữu tài vô đức, càng thi triển tài năng thì chỉ càng gây họa cho xã hội mà thôi.

6. “Họ mạnh mặc họ mạnh, gió mát phẩy núi đồi. Họ ngang mặc họ ngang, trăng sáng soi sông lớn”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Những người có chí hướng sẽ chuyên tâm thành tựu bản thân, đâu để ý đến thành bại, tốt xấu, khen chê của người đời. Trong tâm có Đạo thì lúc nào cũng vui – Đó là điều mà Nho gia vẫn giảng: “An bần lạc Đạo” (yên lòng với cảnh nghèo mà vui với Đạo), hay: “Triêu văn Đạo tịch khả tử” (sáng nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng).

7. "Bậc đại trượng phu muốn làm thế nào thì cứ thế mà làm, tựa hồ nước chảy mây trôi muốn đi về phương nào thì đi. Hết thảy quy củ võ lâm, giáo điều môn phái vứt hết cả đi". (Nhân vật Phong Thanh Dương)

8. "Trước mặt cũng có mưa lớn, chạy đi đâu mà không ướt như nhau?", Quách Tĩnh – Anh Hùng Xạ Điêu. 

Câu nói tưởng có phần ngô nghê của Quách Tĩnh nhưng trong đó lại hàm chứa một triết lý vô cùng sâu xa. Nếu là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh được. 

Vì vậy, hãy bình thản và điềm tĩnh để đối đầu với mọi việc.

9. "Hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai", Nhậm Doanh Doanh – Tiếu Ngọa Giang Hồ. 

Một quan điểm tình yêu hết sức độc đáo và khúc triết của Nhậm Doanh Doanh (và có thể là của cả Kim Dung nữa).

Chính vì suy nghĩ như vậy nên Nhậm Doanh Doanh luôn có một lòng vị tha hết mực với Lệnh Hồ Xung (dẫu trong lòng anh ta luôn phảng phất hình bóng của người thanh mai trúc mã Nhạc Linh San).

10. "Đạo trời là lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, bởi vậy hư có thể thắng thực, không đủ thắng được có thừa", Cửu Âm Chân Kinh. 

Quan điểm này là sự hòa trộn hoàn hảo giữa triết lý Phật gia và Đạo gia. Kim Dung luôn cho rằng không có gì là tuyệt đối cả. Mọi vật trên thế gian đều có điểm yếu và cách khắc trị.

11. "Ta không tin thứ lễ giáo ăn thịt người không nhả xương ấy thì người ta bảo ta là tà ma ngoại đạo", Hoàng Dược Sư – Anh Hùng Xạ Điêu. 

Câu nói thể hiện sự căm phẫn của Hoàng đảo chủ với những thứ lễ giáo phong kiến lạc hậu.

Là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong tiểu thuyết Kim Dung, chất chính hay tà trong con người của Hoàng Dược Sư thật sự vẫn còn là điều bí ẩn.

Theo Phunutoday.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.