10.000 tỷ "đắp chiếu" bên Lào: Đại dự án thất bại của tập đoàn Nhà nước

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang có dự án “rót” hàng nghìn tỷ bên Lào nằm đắp chiếu. Đó là dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào với số vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Thiết bị dự án chế biến muối mỏ kali tại Lào không được đưa vào sử dụng.
Thiết bị dự án chế biến muối mỏ kali tại Lào không được đưa vào sử dụng.

Một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến “số phận” của dự án này.

Hiện nay do giá muối kali giảm sâu, dự án không có hiệu quả kinh tế”, Bộ Công Thương tuyên bố dù trước đó dự án này được giới thiệu là có hiệu quả.

Bộ này cho hay: Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn dừng thực hiện dự án và xây dựng dự thảo phương án xử lý.

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong dự thảo phương án xử lý này (gồm Ủy ban quản lý vốn và Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan tới các nhà thầu tại dự án; giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh (nếu có); phối hợp với các bộ có liên quan để hỗ trợ giải quyết xử lý khi kết thúc dự án, thu hồi tài sản, giải quyết các vấn đề về truyền thông, đối ngoại, thanh tra làm rõ các vấn đề thiếu sót của dự án.

Bộ Công Thương hứa hẹn sẽ phối hợp với Ủy an cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề liên quan tới những nội dung Bộ Công Thương đã giải quyết, xử lý đối với dự án khi có yêu cầu.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành kết luận thanh tra về dự án hơn 10.000 tỷ này.

Tổng mức đầu tư của dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2013 là hơn 522 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có là 104 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 113 triệu USD, vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ là 262 triệu USD, vốn vay thương mại không bảo lãnh là hơn 43 triệu USD.

Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án vào năm 2012 chỉ là 377 triệu USD nhưng sau khi tính toán lại thì điều chỉnh tổng mức đầu tư lên con số 522 triệu USD.

Đáng chú ý, khi xác định tổng mức đầu tư, thì Vinachem đã tính đến việc vay thương mại có bảo lãnh Chính phủ với số tiền lên tới 262 triệu USD. Vậy nhưng kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho rằng, dù Bộ Tài chính chưa bảo lãnh để giải ngân nguồn vốn vay nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thực hiện ký hợp đồng là chưa đảm bảo chắc chắn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng.

Thực tế, tháng 11/2016 Bộ Tài chính đã ra văn bản thông báo không cấp bảo lãnh cho dự án này và yêu cầu Vinachem tự chủ động triển khai thực hiện dự án.

Khi đó, Vinachem mới thừa nhận do không được bảo lãnh vay vốn nên Tập đoàn không đủ khả năng để tự thu xếp nguồn vốn cho dự án nên đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương rằng “nếu đến 20/11/2016 Tập đoàn chưa có được bảo lãnh cho dự án thì Tập đoàn sẽ ra thông báo tạm dừng dự án tới các nhà thầu”.

Sau đó, Vinachem đã phải ra thông báo tạm dừng dự án lần 1.

Ngoài ra, khi tính toán hiệu quả kinh tế của dự án vào tháng 9/2015, thì giá bán KCl tiêu chuẩn là 340 USD/tấn, KCl dạng hạt là 365 USD/tấn. Với mức giá này dự án có hiệu quả kinh tế.

Nhưng cuối năm 2016, giá KCl tại thị trường Đông Nam Á giảm sâu còn 250 USD/tấn, giá KCl tại Việt Nam còn 270 USD/tấn nên ảnh hưởng hiệu quả của dự án. 

Kết quả là dự án được đánh giá là “không có hiệu quả kinh tế”.

Một điều cần nhấn mạnh, khi thẩm định dự án vào năm 2012, Bộ Tài chính đã đề nghị “đánh giá về giá sản phẩm của dự án nhập về Việt Nam so với giá sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại từ nguồn khác”. Nhưng Tập đoàn Hóa chất không thực hiện mà chỉ sử dụng đúng kết quả của tư vấn lập dự án để trình Bộ Công Thương phê duyệt dự án.

Sau khi ký hợp đồng tổng thầu EPC với liên danh nhà thầu TTCL-K.UTEC-CECO vào năm 2015, thì đến tháng 9/2015 dự án được khởi công. Tiến độ xây dựng dự kiến 40 tháng.

Thế nhưng do các khó khăn của dự án, tháng 7/2017 Tập đoàn hóa chất Việt Nam có văn bản thông báo tạm ngừng công việc của hợp đồng EPC.

Đến tháng 8/2017 dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng, đạt 22,32% kế hoạch ban đầu.

Tính đến hiện tại, chỉ một số gói thầu phụ trợ của dự án được hoàn thành như nhà điều hành quản lý dự án, trạm biến áp phục vụ thi công, tuyến đường vào nhà máy… Công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã được triển khai.

Ngày 15/5/2018, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Hóa chất thực hiện dừng, kết thúc các hợp đồng của dự án;đánh giá, xác định lại khối lượng, chi phí đã thực hiện và dự kiến chi phí phát sinh khi kết thúc các hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tết sum họp cũng là lúc mọi người đoàn viên, quây quần bên nhau, cùng nhau trao lời chúc yêu thương trọn vẹn nhất. Ảnh minh họa: INT.

Dạy con chúc Tết

GD&TĐ - Tết là dịp gia đình sum họp, trao cho nhau những lời chúc để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình yêu thương.

Quần đảo Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Tết đến rồi, Trường Sa!

GD&TĐ - 'Tết này con được ở Trường Sa,/Cùng bạn bè vui Tết đảo - nhà,/Biển cả - quê hương, vờn sóng biếc,/Phong ba đua nở, đón Xuân về!'…