Ngành giáo dục và các đoàn thể chung tay
Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa vừa đánh giá tình hình thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn này, Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10491/KH-UBND ngày 19/10/2021 triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Khánh Hòa đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể về công tác xóa mù chữ trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2025-2030.
Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra, nhất là ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện, thị xã.
Giáo viên Trường Tiểu học Sơn Thái (Khánh Vĩnh) bọc sách vở cho các em học sinh. Ảnh: Báo Khánh Hòa |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Khánh Hòa, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người mù chữ, tái mù chữ tại các xã thuộc 2 huyện miền núi (Khánh Sơn và Khánh Vĩnh) và một số xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Đồng thời, ngành giáo dục và địa phương tuyên truyền, vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường, vận động học sinh bỏ học tiếp tục đến trường.
Các lớp xóa mù chữ được mở theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người học với các tiêu chí: gần nhà, thời gian học phù hợp với tập quán lao động sản xuất, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho học viên có hoàn cảnh khó khăn và tình nguyện viên trực tiếp tham gia dạy xóa mù chữ.
Các cấp chính quyền huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, lớp học, bàn ghế và hỗ trợ sách vở, giấy bút, đồ dùng học tập,... cho người học xóa mù chữ.
Không chỉ ngành giáo dục và chính quyền địa phương, công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học...
Tăng cường đầu tư nguồn lực
Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Hoàn Hải cho biết, tính đến thời điểm năm học 2022-2023, công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, 2 huyện miền núi (huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Có 39/39 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ, tỷ lệ 100%. Trong đó, 22 xã thuộc 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; 17 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện, thị xã, thành phố khác.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở độ tuổi 15-60 biết chữ (mức độ 2) đạt 86,21%.
Chương trình “Tiếp sức các em đến trường” tại Trường Tiểu học Sơn Thái, Khánh Vĩnh. Ảnh: Báo Khánh Hòa |
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Khánh Hòa, công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh có nhiều khó khăn.
Nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về lợi ích của công tác xóa mù chữ vẫn còn hạn chế. Lãnh đạo ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác xóa mù chữ cho người lớn tuổi, nhất là việc huy động ra các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Công tác tuyên truyền về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở vẫn còn hạn chế cả nội dung và hình thức.
Cơ sở vật chất trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy được tăng cường đầu tư nhưng vẫn còn thiếu chưa đáp ứng đủ. Chất lượng giáo dục ở một số trường, một số địa bàn ở các huyện miền núi, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế và hiệu quả chưa cao.
Hầu hết người học chương trình xóa mù chữ là nhân lực lao động chính trong gia đình; một số nơi số lượng người học ít, khoảng cách giữa các thôn, bản xa nhau; thời gian học phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết và một số tập quán của người dân tộc thiểu số.
Sở GD&ĐT Khánh Hòa đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện và chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, các hạng mục cần đầu tư gồm: xây dựng phòng học kiên cố; nhà công vụ cho giáo viên; phòng chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn, cấp bổ sung bộ đồ dùng, đồ chơi thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi...
Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã vùng đồng bằng có người dân tộc thiểu số sinh sống để củng cố và duy trì tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi qua các năm.
Sở cũng đề xuất giao biên chế giáo viên hàng năm đảm bảo đủ số lượng để thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục đã phê duyệt và thực hiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách bền vững.
Khánh Hòa là tỉnh nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Nha Trang và Cam Ranh); 1 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa).
Dân số Khánh Hòa hiện nay phân bố không đều. Dân cư tập trung đông nhất ở thành phố Nha Trang. Các huyện miền núi có mật độ dân số tương đối thấp: Khánh Sơn (62 người/km2) và Khánh Vĩnh (29 người/km2).