(GD&TĐ)- Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đã cận kề. Như bao trường THPT khác trên cả nước, học sinh các trường nội trú trên địa bàn TP.Hà Nội đang chạy đua cùng thời gian, ôn tập bài với khí thế khẩn trương.
Trên địa bàn TP.Hà Nội có 3 trường có học sinh nội trú. Hai trong số đó là đơn vị giáo dục đặc thù trực thuộc Bộ GD-ĐT có khối dân tộc nội trú (DTNT): trường Hữu Nghị 80 và trường Hữu Nghị T78. Còn lại là trường Phổ thông DTNT Hà Nội (huyện Ba Vì), trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội. Tại đây, học sinh chủ yếu là con em các đồng bào dân tộc Mường và Dao ở 13 xã miền núi của Hà Nội. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú cho biết, năm nay nhà trường có tổng số 102 học sinh thi tốt nghiệp THPT.
“Vá” lỗ hổng kiến thức, kĩ năng
Một tiết ôn tập của lớp 12A1 trường Phổ thông DTNT Hà Nội. Ảnh, gdtd.vn |
Từ đầu học kì 2, trường đã bố trí ôn tập 3 buổi/tuần nhằm củng cố kiến thức, kĩ năng 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh cho học sinh lớp 12 vào các buổi chiều. Tiếp đó, cuối tháng 3, khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp, nhà trường tiếp tục tăng số buổi ôn tập lên 5 buổi/tuần để ôn tập kiến thức 3 môn: Hóa học, Lịch sử, Địa lý cho học sinh.
Đến cuối tháng 4, thi học kì xong, trường đã dành 4 tuần cho học sinh ôn thi tốt nghiệp. Thời gian biểu ôn tập mỗi ngày trong tuần được bố trí hết sức gắt gao: học sinh học ngày 3 buổi, sáng ôn tập chính khóa trên lớp, chiều học ôn tăng cường như chính khóa, tối tự học. Giáo viên đứng lớp những buổi ôn tập tăng thêm từ đầu học kì 2 được thanh toán thù lao đứng lớp, kinh phí lấy từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường.
Về học lực chung, ông Phú đánh giá, tỉ lệ học sinh yếu của chỉ có 1,5%, số còn lại có học lực xếp loại từ trung bình trở lên. Trong thời gian này, nhà trường tập trung phân loại học lực theo từng nhóm đối tượng và theo từng môn để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Em Trịnh Thị Nhung, dân tộc Mường, học sinh lớp 12A1 cho biết, trong 6 môn thi tốt nghiệp, em học yếu nhất là môn Địa lý. Cụ thể là kỹ năng vẽ biểu đồ của em kém và chưa khai thác được nhiều nội dung trong Atlas Địa lý. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, được giáo viên bộ môn rà soát, hệ thống lại kiến thức và tăng cường kĩ năng sử dụng Atlas, vẽ biểu đồ nên kiến thức môn Địa lý của em được củng cố thêm rõ rệt.
Học cùng lớp 12A1, Bạch Trung Kiên, dân tộc Mường chia sẻ: nhận thấy kiến thức môn Lịch sử của mình còn có nhiều lỗ hổng, chưa nhớ được sự kiện; trong quá trình ôn tập, em tập trung nhiều thời gian hơn cho môn học này. Thêm vào đó, được giáo viên dạy Sử tận tình kèm cặp, hướng dẫn ôn tập nên khả năng ghi nhớ sự kiện của em được cải thiện rõ rệt.
Được củng cố kiến thức và ngày càng tiến bộ ở các môn học yếu nên cả Nhung và Kiên đều tự tin sẽ thi đỗ kì thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Chạy đua cùng thời gian
Trường Hữu Nghị 80 (Thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) năm nay có 272 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Thành Long, Phó trưởng phòng công tác học sinh-sinh viên cho biết, học sinh khối nội trú ở đây chủ yếu là con em các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, còn lại là con em của các gia đình huyện đảo Cát Hải - TP.Hải Phòng.
Em Hoàng Thị Hường và các bạn cùng phòng ở nội trú ôn bài buổi trưa. Ảnh, gdtd.vn |
Do đặc thù là học sinh nội trú nên các em phải tuân thủ khá nghiêm ngặt về giờ giấc của khu nội trú. Tuy nhiên, đây cũng chính là thuận lợi cho các em trong nền nếp học tập. Hàng ngày, ngoài thời gian học bồi dưỡng sáng và chiều; buổi tối, học sinh phải lên khu nhà lớp học để tự ôn tập. Tại đây có người trông nom các em học tập. Nhiều em ôn thi rất ráo riết, có khi học đến 1, 2 giờ sáng hôm sau. Có em ngủ gật ngay trên bàn học. “Do các em học khuya nên nhà trường phải bố trí đưa đón các em từ khu nhà lớp học về khu nội trú để đảm bảo an toàn”, Ông Long cho biết.
Trong thời gian này, nhà trường còn ưu tiên dành các điều kiện sinh hoạt và cơ sở vật chất tốt nhất cho học sinh ôn thi tốt nghiệp. Như nâng khẩu phần ăn, dành những phòng đảm bảo ánh sáng, đầy đủ quạt gió; trong nhà ở nội trú thì ưu tiên điện, nước đầy đủ cho phòng ở của học sinh lớp 12.
Em Lý Phùng Ngọc Vũ, dân tộc Tày, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, em học yếu môn Lịch sử, nhất là khả năng ghi nhớ các sự kiện. Do vậy ngoài thời gian ôn tập các môn khác, em tập trung vào học thuộc lòng các sự kiện trong các giai đoạn lịch sử; để chắc chắn nắm vững kiến thức môn này, em học khá khuya, đến 12 giờ đêm.
Em Hoàng Thị Hường học sinh lớp 12A2, dân tộc Thái, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, em học đuối các môn tự nhiên như Toán, Hóa học và Tiếng Anh. Trong thời gian ôn thi nước rút, được thầy cô hướng dẫn, Hường đã tranh thủ học ngày học đêm. Trên lớp, buổi sáng ôn tập kiến thức cơ bản, buổi chiều tập trung vào giải quyết các dạng thức bài tập môn Toán, Hóa học; buổi tối, em học ngữ pháp, từ vựng Tiếng Anh và ôn tập kiến thức các môn còn lại. Em học rất muộn vào buổi tối, từ 8 giờ đến 12 giờ, có khi học đến 1 giờ sáng hôm sau.
100% tốt nghiệp không phải là bệnh thành tích
Từ nhiều năm nay, trường Hữu nghị 80 đã duy trì nền nếp học tập nghiêm túc. Học sinh được ôn tập kĩ lưỡng và bài bản dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo nên trong các năm 2008 đến 2011 tỉ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100%.
Ông Nguyễn Văn Phú cho biết: “năm học 2009-2010 tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường Phổ thông DTNT Hà Nội đạt 100%, năm nay cũng phấn đấu đạt 100%”. Cho rằng: “học sinh là con em đồng bào các dân tộc được Đảng, Nhà nước ưu đãi, đưa vào học tập trung tại trường; các em được chu cấp kinh phí, thời gian học tập nhiều hơn học sinh tất cả các trường khác; do vậy, nhiệm vụ của giáo viên học sinh nhà trường là tập trung hoàn toàn cho việc dạy và học. Đây chính là cơ sở quan trọng có thể nói rằng học sinh ở đây đủ lực học để vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT 2012 với tỉ lệ đỗ 100%”; nên ông Phú khẳng định. “Đây là nhiệm vụ được giao chứ không phải là bệnh thành tích”.
Bá Hải