Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng thông tin cho biết, khi điều trị F0 tại nhà, cần chú ý thực hiện 10 lưu ý dưới đây:
1. Cách ly người nhiễm khỏi những người khác
Bố trí phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng (nếu không có phòng vệ sinh riêng thì F0 không được sử dụng cùng thời điểm với những người khác)
Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa F0 và những người khác.
2. Đảm bảo nhà ở thông thoáng
Luôn mở cửa sổ (nếu có);
Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm; sử dụng quạt, máy lọc không khí.
Không để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung.
3. Rửa tay thường xuyên
Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây.
Thời điểm rửa tay: trước và sau khi nấu ăn, trước và sau khi ăn uống, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác.
4. Đeo khẩu trang
Người chăm sóc phải đeo khẩu trang khi ở cùng phòng hoặc không gian với F0 và những người khác.
F0 phải đeo khẩu trang thường xuyên, ngay cả khi đã được cách ly, để giảm nguy cơ lây truyền vi rút cho những người khác.
Người ở/cách ly cùng nhà phải đeo khẩu trang khi ở cùng phòng hoặc không gian với người khác.
5. Vệ sinh hô hấp
Không khạc nhổ trong không gian chung.
Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi.
Vứt bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác kín.
Rửa tay bằng nước/xà phòng/dung dịch sát khuẩn sau khi ho, hắt hơi.
6. Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm
Bố trí bộ đồ ăn riêng cho người nhiễm Covid-19; nên sử dụng dụng cụ có thể tái sử dụng để hạn chế rác thải lây nhiễm.
Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng.
Rửa bát đĩa bằng nước nóng (nên làm) và xà phòng.
F0 tự rửa dụng cụ ăn uống trong phòng riêng, nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng tay khi dọn đồ ăn và rửa dụng cụ ăn uống.
Dụng cụ ăn uống của F0 sau khi rửa để ở vị trí riêng trong phòng của F0.
7. Xử lý đồ vải an toàn
Tốt nhất là F0 có thể tự giặt quần áo.
Nếu người chăm sóc xử lý đồ vải của F0 thì phải mang găng tay.
Trước khi giặt, phải ngâm đồ vải với xà phòng giặt trong tối thiểu 20 phút.
Giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ.
Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể.
Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn.
Tháo găng tay, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của F0.
Giặt riêng đồ của F0 với đồ của người khác.
Không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán vi rút.
8. Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ
Tốt nhất là F0 tự vệ sinh.
Làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn, lau lại bằng nước sạch.
Thường xuyên sử dụng cồn 70 độ để lau các bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điện thoại…Bọc thiết bị điện tử bằng màng nilon và vệ sinh, khử trùng bên ngoài.
Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng tay trước khi vệ sinh.
Sử dụng dụng cụ riêng để vệ sinh cho khu vực của F0.
Thực hiện vệ sinh bề mặt ít nhất 2 lần/ngày.
Tháo găng tay, rửa tay sau khi vệ sinh bề mặt.
9. Thu gom và xử lý rác thải đúng cách
Đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilon bên trong phòng của người nhiễm. Lót sẵn bao màu vàng hoặc bỏ vào bao màu vàng khi thu gom để phân biệt với rác thải khác.
Phân loại: Tất cả các chất thải rắn thải bỏ tại phòng cách ly đều được bỏ vào thùng và bao rác đã được chuẩn bị.
Thu gom: Xịt cồn 70 độ để khử khuẩn bên trong và bên ngoài túi và buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có lót bao rác màu vàng có nắp đậy kín. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Thu gom, xử lý rác thải hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy.
Đeo găng tay khi xử lý chất thải, rác thải, bỏ găng tay ngay khi xử lý xong.
Rửa tay sau khi xử lý chất thải.
10. Sử dụng găng tay
Không sử dụng lại găng tay. Mỗi đôi găng tay chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ.
Không chặm vào vùng đầu, mặt, cổ khi đang đeo găng tay.