Trong vòng 24h, từ 18h ngày 14 đến 18h ngày 15/2, Hà Nội ghi nhận 3.972 ca mắc Covid-19, cao nhất từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay và con số này đã được “cảnh báo” từ trước đó.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tổng số nhiễm tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 179.217 ca. Các quận, huyện "dẫn đầu" về số ca mắc gồm: Hoàng Mai (13.613 ca), Đống Đa (12.465 ca) và Nam Từ Liêm (9.751 ca). Tính đến ngày 14/2, Hà Nội có 95.916 bệnh nhân F0 đang được điều trị.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 582 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ và không triệu chứng; 2.193 ca ở mức độ trung bình; 598 ca ở mức nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 517 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 18 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 22 trường hợp thở máy không xâm lấn; 36 trường hợp thở máy xâm lấn; 4 trường hợp phải lọc máu và 1 người phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Trước đó, đánh giá cấp độ dịch ngày 11/2, Hà Nội không còn địa bàn ở cấp độ dịch 3 (nguy cơ cao) và 4 (nguy cơ rất cao).
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong Tết số ca mắc Covid-19 giảm nhẹ, tuy nhiên đây là mức giảm "giả tạo". Vì số ca mắc sẽ tăng cao sau kỳ nghỉ Tết do người dân di chuyển, giao thương từ nhiều nơi đổ về thành phố. Nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng và tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đối mặt nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập khi thời gian tới mở lại một số dịch vụ, ngành nghề như vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để phục hồi, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, Hà Nội còn nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu. Vì thế, các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, có giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: "Các địa phương phải chuẩn bị tốt mọi mặt để học sinh của các quận trở lại trường học theo lộ trình, trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu UBND thành phố về việc cho học sinh mầm non của các huyện trở lại trường. Đồng thời, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ với các nhà trường để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng khi trở lại trường học tập trung".
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan rà soát các đối tượng để hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2, mũi 3. Đồng thời, cho biết, thành phố sẽ tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng, tri ân lực lượng y tế tham gia tuyến đầu vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để hạn chế số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế đề nghị, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng dịch, người dân nên hạn chế tập trung nơi đông người, nhất là thời gian sau Tết.
Đối với các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao. Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai chăm sóc hiệu quả F0 điều trị tại nhà…
Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo người dân khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm Covid-19 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.
Khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-Covid, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.