1. 2017-Năm “Đền ơn đáp nghĩa”
Năm 2017, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bộ LĐTBXH đã chọn chủ đề “Năm đền ơn đáp nghĩa” để triển khai các nhiệm vụ của ngành.
Với tinh thần đó, Bộ LĐTBXH đã phối hợp cùng các ban, bộ, nghình, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, thiết thực tri ơn các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công số 2 (Hà Nội) dịp 27/7, đã phát biểu: “Bộ LĐTBXH đã phối hợp cùng các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh-liệt sĩ đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công, trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng đến từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình”.
Khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi".
Tới thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Long Đất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo: “Dịp 27/7, tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trong phạm vi quốc gia đều được sáng đèn, thắp nến, phụng cúng một cách chu đáo, trách nhiệm, để vong linh những người đã khuất, luôn đượcc những người đang sống nhớ ơn mãi mãi...”
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ LĐTBXH đã nghiên cứu đã trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 14/CT-TW về tiếp tục “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng với mức chuẩn các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được tăng từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng. Tính đến cuối năm 2017, cả nước cũng đã hỗ trợ được trên 310 ngàn hộ từ nguồn kinh phí gần 9.000 tỷ đồng, thực hiện trong hai năm 2017-2018.
2. Giải quyết hàng ngàn hồ sơ người có công còn tồn đọng
Theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công nhằm bảo đảm giải quyết kịp thời quyền lợi cho đối tượng với tinh thần "không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân" và tuân thủ nguyên tắc “minh bạch, công khai, đúng đối tượng”.
Kết quả đến cuối năm 2017, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công làm cơ sở để giải quyết chính sách; toàn quốc đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp bằng Tổ Quốc ghi công đối với với 1250 liệt sĩ.
Tại Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công ngày 26/12 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, sáng tạo của Bộ LĐTBXH và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xác nhận tồn đọng sau chiến tranh…”
3. Bộ LĐTBXH hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản pháp luật năm 2017
Năm 2017 là năm Bộ LĐ-TBXH hoàn thành 100% đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được Tổ công tác của Thủ tướng chính phủ đánh giá là một trong số ít các Bộ có tốc độ xử lý nhanh, hoàn thành đúng hạn nhiệm vụ xây dựng thể chế.
Cụ thể, Bộ đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 28 đề án. Trong đó, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định và 1 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định và 4 Chỉ thị; Bộ ban hành theo thẩm quyền 32 thông tư hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
Với nhiều chính sách được ban hành sát với tình hình thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phục vụ an sinh xã hội, giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế và những nỗ lực trong triển khai thực hiện, Bộ LĐTBXH là một trong số các bộ ở tốp đầu theo khảo sát, đánh giá về mức độ hài lòng trong thực thi pháp luật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện vừa qua.
4. Xuất khẩu lao động đạt kỷ lục từ trước đến nay
Năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 130.000 người, vượt gần 24% so với kế hoạch đề ra và đạt có số kỷ lục từ trước đến nay trong lĩnh vực này.
Kết quả trên có được nhờ hàng loạt nỗ lực, chủ động của Bộ như: Tổ chức hội nghị đối thoại đầu năm với 280 doanh nghiệp hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với đó là việc chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…
Ngày 6/6/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam và các Bộ trưởng: Bộ Tư pháp, Ngoại giao, Lao động-Y tế-Phúc lợi Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC). Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký Bản thỏa thuận với các nước đưa thực tập sinh đến quốc gia này, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.
Với xu hướng ổn định và mở rộng đưa lao động vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước tăng dần qua các năm, tiếp tục góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
5. APEC Việt Nam 2017 và những đóng góp của ngành LĐTBXH
Đóng góp vào thành công chung của Năm APEC Việt Nam 2017 phải kể đến những nỗ lực của Bộ LĐTBXH trong việc chủ trì một số hội nghị, đối thoại, diễn đàn quan trọng, bổ sung cho các sáng kiến, chương trình hành động của APEC hướng tới bảo đảm việc làm bền vững và bao trùm cho tất cả mọi người. Đó là:
Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ 19 nền kinh tế thành viên APEC diễn ra trong các ngày từ 11-16/5/2017, tại Hà Nội.Tại Đối thoại, “Khuôn khổ hợp tác APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” đã được nhất trí thông qua và trở thành một trong hai phụ lục trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, ngày 11/11/2017.
Trong khuôn khổ nhóm công tác APEC về phụ nữ và kinh tế, trong các ngày từ 26-29/11/2017, tại Thừa Thiên-Huế, Bộ LĐTBXH cũng đã chủ trì Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” với gần 800 đại biểu tham dự. Kết quả, các thành viên đến từ 21 nền kinh tế APEC đã thống nhất đưa ra Tuyên bố của Diễn đàn và thông qua Hướng dẫn bao trùm giới trong APEC, bổ sung cho các sáng kiến, chương trình hành động của APEC trong tương lai.
6. An sinh xã hội góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân
Với nỗ lực của toàn ngành, năm 2017, cả 3/3 chỉ tiêu bao gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo được Quốc hội, Chính phủ giao đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13/13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội giao. Cụ thể:
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%, đạt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 giảm xuống còn khoảng 6,9%, giảm khoảng 1,33% so với cuối năm 2016 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm còn dưới 40%, giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016).
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai thực hiệu quả các chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều.
Đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội, cùng với việc tham mưu ban hành chính sách, ngành đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chính trợ giúp xã hội cho gần 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí ước tính gần 15 nghìn tỷ đồng. Trong năm, Bộ đã trình Chính phủ đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn gạo cho các địa phương để thực hiện cứu đói, cứu đói giáp hạt và hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và huy động nguồn lực gần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
7. Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới
Tại Khóa họp lần thứ 61 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW-61) diễn ra tại New York (Mỹ), với chủ đề “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã thay mặt Chính phủ Việt Nam, khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, Việt Nam đứng thứ 65/144 nước về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ/nam là 0,92 – gần tiệm cận mức bình đẳng.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên nội dung bình đẳng giới được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, đã nhận được sự nhất trí, đánh giá cao của các đại biểu và cử tri cả nước về những nỗ lực nhằm đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
8. Năm đầu triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tuyển sinh theo Luật Giáo dục nghề nghiệp
Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ LĐTBXH thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và cũng là năm đầu hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính thức tuyển sinh và hoạt động theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Ngay từ khi nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước, quy hoạch lại mạng lưới đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoạt động tuyển sinh và các hoạt động khác của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tính đến hết năm 2017, mạng lưới 1974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đạt trên 2 triệu người. Nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và các em học sinh đã có chuyển biến tích cực khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp.
Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều mô hình tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt hiệu quả cao như: Trường Cao đẳng kỹ nghệ II (TP.HCM), Cao đẳng nghề Lilama2 (Đồng Nai), Cao đẳng nghề Quy Nhơn (Bình Định)…
9. Luật Trẻ em có hiệu lực, khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111
Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, để đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống, Bộ LĐTBXH đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, tuyên truyền và tổ chức thực hiện đến các địa phương, cơ sở.
Cùng với đó, nhằm tăng cường năng lực phản ứng, đối phó với các vấn đề bạo lực, xâm hại, ngược đãi trẻ em, ngày 6/12/2017, Bộ đã tổ chức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có đầu số 111. Đây là dãy số đặc biệt, dãy số ngắn hoạt động 24/7 với mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Đây cũng là dịch vụ công đặc biệt có chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn và các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
10. Đẩy mạnh chống tiêu cực, trục lợi chính sách đối với người có công
Năm 2017 là năm kết thúc Chương trình phối hợp giữa Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng về việc thanh tra liên nghình công tác xác lập hồ sơ thương binh do các cơ quan quân đội thực hiện từ năm 2013 đến năm 2017.
Kết quả, qua kiểm tra hơn 66 nghìn hồ sơ, đã phát hiện 1.596 trường hợp khai man, giả mạo tài liệu để lập hồ sơ hưởng chế độ phải thu hồi quyết định công nhận thương binh và trợ cấp thương tật, yêu cầu nộp trả ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
Cũng trong năm, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã trao tặng bằng khen cho hai ông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng (Thuận Thành, Bắc Ninh) có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần giúp các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, phát hiện nhiều hồ sơ thương binh giả, đảm bảo công bằng, minh bạch trong thực hiện chính sách.