10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2010

10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2010
(GD&TĐ)- Năm 2010 tiếp tục là một trong những năm có "thăng", có "trầm" của TTCK với rất nhiều sự kiện đáng chú ý trên các lĩnh vực, khía cạnh của thị trường, từ việc xây dựng và thực thi hành lang pháp lý đến hành động, hành vi cụ thể của các chủ thể tham gia.
Mỗi lệnh mua - bán của NĐT, mỗi bước lên - xuống của các chỉ số thị trường đều là sự phản ánh tổng hợp của rất nhiều nhân tố, từ khách quan đến chủ quan, từ vĩ mô đến vi mô, từ thế giới đến trong nước, từ quá khứ đến tương lai…
Ảnh, internet
Ảnh, internet
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật nhất xét trên tiêu chí mức độ ảnh hưởng tới thị trường hoặc phản ánh diễn biến đặc biệt của thị trường.
1. Kỷ niệm 10 năm TTCK Việt Nam
Ngày 28/7/2010, TTCK Việt Nam tròn 10 năm tuổi. Đây là dịp để cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và NĐT nhìn nhận và đánh giá mức độ trưởng thành của TTCK, được đo bằng những gì mà TTCK đã làm được và chưa làm được cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, từ đó tiến hành những điều chỉnh cần thiết, hợp lý để thị trường hoạt động hiệu quả hơn, lớn mạnh hơn.
Có thể hình dung hình ảnh TTCK tròn 10 năm tuổi qua các "số đo" như: 2 Sở GDCK; 105 CTCK, 46 công ty quản lý quỹ, gần 550 công ty niêm yết, hơn 1 triệu tài khoản giao dịch…
2. Lần đầu tiên khởi tố hành vi thao túng giá
Ngày 26/11/2010, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược Viễn Đông (DVD) về hành vi thao túng giá chứng khoán theo điều 181C Bộ luật Hình sự (đây là điều luật mới được bổ sung vào Bộ luật và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010). Đã có nhiều vụ làm giá trước đó bị phát hiện và xử lý, nhưng hình thức xử lý bằng phạt hành chính dù đã được nâng lên vài lần vẫn không đủ sức răn đe. Vụ khởi tố nói trên được các cơ quan chức năng coi là "án điểm" đối với loại tội phạm về chứng khoán.
Trong năm, đã có nhiều văn bản pháp lý ra đời, từ luật cho đến các văn bản cấp thấp hơn, nhằm tạo hiệu quả lớn hơn cho hoạt động của thị trường. Song, dường như hành lang pháp lý của thị trường vẫn còn quá nhiều khe hở và không đủ "sức mạnh" để át chế những hành vi đi ngược lại mục tiêu của thị trường. "Án điểm" nói trên là một "tín hiệu mạnh" thể hiện quyết tâm cứng rắn của các cơ quan chức năng cho mục tiêu làm trong sạch thị trường.
3. Sự ra đời của Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung
Ngày 24/11/2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã được  Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Các nội dung được sửa đổi tập trung vào một số hoạt động như chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào mua công khai, công bố thông tin...
Sửa đổi Luật Chứng khoán là một trong những sự kiện được giới trong nghề chờ đợi và kỳ vọng nhiều nhất. Tuy nhiên, Luật sửa đổi ra đời chưa làm thoả mãn nhiều người. Một trong những vấn đề "lấn cấn" lớn nhất mà Luật sửa đổi để lại là vị thế của UBCK. Thị trường mong muốn một vị thế độc lập hơn của cơ quan này trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK.
4. HNX thực hiện giao dịch trực tuyến
Ngày 8/2/2010, Sở GDCK Hà Nội (HNX) chính thức thực hiện giao dịch trực tuyến, cho phép NĐT nhập lệnh trực tiếp vào hệ thống. Ngoài việc nhập lệnh, khớp lệnh và trả kết quả nhanh, giao dịch "thông sàn" này còn đảm bảo tính ổn định, an toàn dữ liệu, tránh nhầm lẫn, giảm thiểu sai sót trong quá trình nhập lệnh. Thời gian nhập lệnh được rút ngắn từ 7 - 10 lần. Đây là một bước hoàn thiện quan trọng về mặt hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cho TTCK, qua đó, hỗ trợ năng lực khớp lệnh của hệ thống, giúp cải thiện mạnh về thanh khoản cho thị trường.
Trong năm, thị trường cũng đã rất phấp phỏng chờ đợi việc rút ngắn thời gian trễ T+ trong thanh toán các lệnh giao dịch đã khớp, một vấn đề mang tính kỹ thuật khác, liên quan đến sự phối kết hợp giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), các Sở giao dịch và các thành viên thị trường. Tuy nhiên, "lời hứa" của các cơ quan chức năng về việc này vẫn chưa được thực hiện.
5. HNX-Index xuống dưới ngưỡng 100 điểm
Ngày 15/11/2010, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội lần đầu tiên trong năm 2010 giảm xuống dưới mức 100 điểm khi đóng cửa với 98,48 điểm. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, chỉ số này về dưới điểm khởi đầu, lần đầu xảy ra vào đầu năm 2009.
Việc HNX-Index giảm sâu như trên phản ánh giai đoạn tồi tệ nhất của TTCK trong năm khi thị trường tích hợp hàng loạt yếu tố bất lợi từ cả vĩ mô đến vi mô như tỷ giá, lạm phát tăng cao, giá vàng lên cơn sốt, lãi suất leo thang, tín dụng bị thắt chặt, vấn đề Vinashin…
Sau khi xuyên thủng ngưỡng 100 điểm, ngay phiên liền sau, HNX-Index đã tạo đáy tại mức 96,77 điểm (mức đóng cửa phiên này là 97,44 điểm).
6. Bong bóng giá cổ phiếu AAA
Ngày 28/9/2010, lần đầu tiên, một cổ phiếu bị đặt lệnh bán gần 50% số lượng đang lưu hành. Sự kiện bất thường này chứa đựng nhiều "vấn đề" khác nhau của TTCK Việt Nam, trong đó có vấn nạn làm giá và tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính. Trước khi cổ phiếu AAA bị đặt bán hàng loạt như trên, giá cổ phiếu này đã có chuỗi phiên tăng giá ngoạn mục rồi lao dốc với "ấn tượng" không kém. Đây cũng là cổ phiếu được một số CTCK lạm dụng cung cấp đòn bẩy tài chính cho NĐT... Các CTCK này đã bị ép trở thành NĐT "bất đắc dĩ" của AAA khi các hợp đồng đòn bẩy "gẫy ván". Số cổ phiếu AAA bị đặt bán kỷ lục trong ngày 28/9 phần lớn do các CTCK này "phát mại".
7. Đã có cơ chế cho NĐT kiện lãnh đạo DN
Ngày 1/10/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2010/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2010, trong đó lần đầu tiên có nội dung: "Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc (TGĐ)”.
Nhiều người có lý do để băn khoăn về hiệu quả tư pháp của cơ chế mới này. Song, phải khẳng định, các cổ đông nhỏ lẻ của mỗi công ty đã có thêm một công cụ giúp khẳng định "chủ quyền" của mình đối với DN. Nhìn lại năm 2010, những vụ ban điều hành, lãnh đạo DN tìm cách "phớt lờ" ý kiến của các cổ đông nhỏ, lẻ là không hiếm, mà sự kiện tổ chức ĐHCĐ của VEC là một trong số đó.
8. NĐT nước ngoài mua ròng trên 16.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 30/12/2010, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường hơn 16.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn mức kỷ lục của năm 2007. Năm 2009, khối ngoại chỉ mua ròng bằng 1/4 con số này. Các lệnh mua của khối ngoại chủ yếu được đặt trên HOSE, đó là lý do chính giúp VN-Index không bị giảm sâu như HNX-Index trong tháng 11. Điều đặc biệt là năm 2010 cũng như nhiều năm trước, giá trị tài sản ròng của hầu hết các khoản đầu tư của khối ngoại đều giảm, đến nỗi ngay cả một số quỹ của Dragon Capital cũng phải chịu sóng gió trước sức ép thanh lý từ cổ đông. Việc các NĐT nước ngoài vẫn đổ vốn vào Việt Nam bất chấp những khó khăn trước mắt của thị trường cho thấy niềm tin của họ vào nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, năm 2011, vốn ngoại sẽ còn đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong "làn sóng đầu tư thứ 3".
9. Vụ chào mua công khai cổ phiếu VTV “đình đám”
Ngày 3/2/2010, Sở GDCK Hà Nội đăng thông báo chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV của CTCP Vật tư vận tải xi măng của bà Nguyễn Kim Phượng, cổ đông lớn của Công ty. Tuy nhiên, bất ngờ, ngày 24/3/2010, bà Phượng đã bán toàn bộ 557.800 cổ phiếu VTV đang sở hữu mà không hề có đăng ký bán trước đó.
Sau đó, bà Phượng đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính tổng cộng 170 triệu đồng về các lỗi cấu kết làm giá và vi phạm quy định về công bố thông tin. Số tiền này so với những "khoản lời" mà bà Phượng "kiếm" được sau phi vụ trên là rất nhỏ.
Đây là một trong những trường hợp điển hình về vi phạm công bố thông tin và làm giá trên TTCK trong năm 2010, cũng là vụ việc cho thấy rõ ràng nhất sự bất cập của các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán: hình phạt không đủ sức răn đe.
10. UPCoM khớp lệnh liên tục
Ngày 19/7/2010, sàn UPCoM kéo dài thời gian giao dịch và thay đổi phương thức giao dịch từ thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường sang khớp lệnh liên tục, giúp tăng tính thanh khoản của sàn này. Trước đó, các cổ phiếu trên UPCoM từng tăng giá rất mạnh nhằm đón đầu "làn gió mới" này.
Tuy nhiên, sau đó, sàn UPCoM đã trở lại với trạng thái "đìu hiu" vốn có, bởi ngay cả hai sàn niêm yết là HNX và HOSE cũng ảm đạm. Hơn nữa, các cổ phiếu trên UPCoM luôn thất thế trong cạnh tranh với các cổ phiếu trên HNX và HOSE. Nhiều DN cố gắng “một bước lên sàn” niêm yết chứ không muốn bước "đệm" qua sàn UPCoM.
Theo ĐTCK

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ