Qua 4 năm thực hiện cho thấy, chương trình đi đúng hướng, tạo nhiều chuyển biến tích cực và cả khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ thời gian tới.
Cùng thay đổi
Chia sẻ về kết quả triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Giáo dục và cơ sở GD-ĐT triển khai nghiêm túc Chương trình GDPT 2018 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về thực hiện chương trình phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Việc lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngành Giáo dục, cơ sở GDPT đã tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình GDPT 2018 tại địa phương, giúp học sinh, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, lộ trình thực hiện chương trình.
Chủ động tổ chức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghiên cứu, nắm bắt về Chương trình GDPT 2018, trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết để thực hiện hiệu quả. Hướng dẫn, điều động cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Tập trung huy động nhiều nguồn lực nhằm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phát triển, hoàn thiện quy mô mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng như xây dựng trường chuẩn quốc gia.
“Hiệu quả thấy rõ là chất lượng GDPT của tỉnh tiếp tục ổn định và từng bước nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 95%. Nhiều học sinh là thủ khoa, á khoa, đạt điểm cao trong các kỳ thi THPT quốc gia (từ năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT); đoạt giải cao các kỳ học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế.
Giáo viên chuyển từ vai trò người truyền đạt kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ hoạt động dựa theo chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên. Không khí học tập, các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nhà trường bước đầu cải thiện, hướng về người học và phát triển năng lực học sinh. Học sinh bước đầu thay đổi thói quen học tập. Tư duy sáng tạo, phẩm chất, năng lực và tính tích cực của các em ngày càng nâng cao…”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.
Ở góc độ cơ sở giáo dục, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường DTNT tỉnh Bắc Giang nhận định, triển khai nội dung giáo dục theo Chương trình GDPT năm 2018 khá thuận lợi. Chương trình đổi mới theo hướng mở, giáo viên chủ động bố trí nội dung kiến thức trong tiết dạy phù hợp học trò. Học sinh quen với phương pháp học mới, chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận kiến thức; phát triển kỹ năng đọc, tìm tòi ngữ liệu tương đương ngoài văn bản sách giáo khoa; rèn luyện phương pháp tự học. Học sinh cũng tiếp cận tốt nội dung chương trình, say mê hứng thú học tập.
Cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) nhấn mạnh kết quả đạt được ở khía cạnh nhà trường được trao quyền chủ động lựa chọn, bổ sung một số nội dung và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện địa phương, nhà trường. Học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học, vận dụng kiến thức).
Chương trình “mở” (chỉ quy định số tiết/năm học) đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học môn học. Một số nội dung giáo dục mới trong môn học đòi hỏi giáo viên cập nhật; có yêu cầu về vận dụng kiến thức vào thực tiễn địa phương giáo viên phải sáng tạo hơn so với những gì đã viết trong sách giáo khoa...
“Giáo viên đã thực hiện phương pháp dạy học tích cực, tích cực hóa hoạt động học tập; chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh, thực hiện phương châm “học qua làm”. Ngoài học theo nội dung, yêu cầu của chương trình GDPT, học sinh được khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng tri thức đã học vào thực tiễn”, cô Trần Thị Bích Hạnh chia sẻ.
Hình ảnh tại Trường DTNT tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC |
Điều kiện thực hiện khó khăn
Một trong những khó khăn cơ bản khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là điều kiện thực hiện, trong đó có đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến.
Đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên môn Tin học và 5.780 giáo viên môn Ngoại ngữ; cấp THCS thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên… Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên môn Âm nhạc, Nghệ thuật đạt chuẩn.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa kiên cố hóa lớn (59.514 phòng học), tập trung chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Còn thiếu nhiều phòng học nhất là khu vực đô thị, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, chế xuất. Tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%.
Số lượng bộ thiết bị giáo dục cần bổ sung lớn, việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương khó khăn… Ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Hầu hết địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ ở cấp tiểu học, THCS. Công tác tuyển dụng giáo viên tại một số địa phương khó khăn. Một số vị trí việc làm khó tuyển dụng giáo viên như môn Ngoại ngữ, Tin học, giáo viên tiểu học; chưa có giáo viên dạy môn tích hợp, đào tạo chuẩn để dạy môn học, hoạt động giáo dục mới.
Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn lúng túng, thực hiện chưa hiệu quả khi được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, môn học, nội dung tích hợp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trường chưa đảm bảo, đặc biệt các trường vùng sâu, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, trường xây dựng từ lâu. Thiết bị dạy học chưa cung ứng kịp thời do nguồn lực không đáp ứng, thủ tục mua sắm chậm. Một số trường học nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cũ, hỏng không phù hợp với đổi mới giáo dục giai đoạn hiện nay.
Là giáo viên dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, cô Lê Na - Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nhận định, Chương trình GDPT 2018 được triển khai đồng bộ, nhanh và hiệu quả. Thay đổi căn bản là giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội phát triển năng lực bản thân do nội dung chương trình mang tính định hướng chứ không rập khuôn, máy móc.
Tuy nhiên, cô Lê Na cũng cho rằng, đối với chương trình mới, sự tiếp nhận của học sinh miền núi còn khó, để đạt hiệu quả là thách thức lớn. Lý do, nguồn tài liệu tham khảo khó khăn; kiến thức nặng, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên, trẻ miền núi bản tính rụt rè nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Từ thực tiễn triển khai tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ), cô Trần Thị Bích Hạnh nhắc đến khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu máy tính học tập cho học sinh… Học sinh chuyển trường chưa thuận tiện vì sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau.
Ảnh minh họa. |
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, cô Trần Thị Bích Hạnh cho rằng, cần đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng, trang thiết bị dạy học theo lộ trình phù hợp để thực hiện theo yêu cầu của chương trình, nhất là bảo đảm việc dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tạo động lực đổi mới trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Ngoài ra, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải tự bồi dưỡng và nhận thức được bản thân có vai trò quan trọng trong thực hiện thành công Chương trình GDPT mới. Với học sinh, cần tạo động cơ, phương pháp học tập đúng đắn, giúp các em, nhận thức mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng bằng cách giáo viên thực hiện tốt đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá…
Là người trong cuộc, cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Lương Tài (Lương Tài, Bắc Ninh), đại biểu Quốc hội khóa XV đánh giá cao việc triển khai Chương trình GDPT 2018 mang lại những đổi mới tích cực cho giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình còn tồn tại một số hạn chế về công tác chuẩn bị điều kiện thực hiện, cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục và nguồn nhân lực.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mới, cô Nguyễn Thị Hà cho rằng, giải pháp căn cơ trước hết chính là tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Chương trình GDPT 2018 để toàn xã hội hiểu, chia sẻ và đồng hành với Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện. Khi xã hội hiểu đúng, có cái nhìn toàn diện về Chương trình GDPT mới và chia sẻ với khó khăn trong quá trình triển khai thì những vướng mắc mới nhanh được tháo gỡ.
Về phía ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tham mưu với Chính phủ và Quốc hội trong hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển, hoàn thiện chương trình GDPT; rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng GDPT về cơ sở vật chất và tài chính dành cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Cùng đó, kiên trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, tham mưu, đề xuất bổ sung biên chế để khắc phục việc thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt đối với giáo viên giảng dạy các môn học mới chương trình cấp THCS và THPT như Mỹ thuật, Âm nhạc, các môn tích hợp. Đồng thời, công tác tập huấn giáo viên quản lý về triển khai chương trình đối với môn học, hoạt động mới (hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm) cần tăng cường hơn nữa.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 là nhiệm vụ lớn, triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, điều kiện bảo đảm để ngành Giáo dục triển khai chương trình, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có cách làm tốt, sáng tạo, phát huy tinh thần chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục, bài giảng, đổi mới phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo chương trình mới bước đầu có chuyển biến tích cực.