Hai năm được trả về, cặp bé gái bị trao nhầm vẫn không nhận mẹ đẻ

GD&TĐ - Dù đã ở với bố mẹ đẻ 2 năm, hai bé gái ở Bình Phước vẫn coi mẹ nuôi mới là người thân yêu nhất. 

Hai năm được trả về, cặp bé gái bị trao nhầm vẫn không nhận mẹ đẻ

Đường vào khu ở của đồng bào Stieng ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An, huyện Hớn Quản, Bình Phước, ngoằn nghoèo, phải qua nhiều con dốc và khúc cua. Căn nhà cấp bốn rách toác của bà Ché (60 tuổi) nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn cao su, bên trong chẳng có gì giá trị. Ngoài vườn, hai bé Ngọc Yến, cháu ngoại bà Ché, con ruột của chị Liên, và bé Lan Anh, con đẻ anh Khiên cùng hái lá cây, dùng gạch, đá chơi trò xây nhà, lâu lâu lại chọc nhau cười khoái chí. 

Nhìn hai đứa cháu vui đùa, bà Ché nói buồn: "Muốn đón hai đưa về đây luôn mà bên tôi còn khó khăn quá. Tui già rồi, cứ gặp cháu vài hôm rồi phải ngồi trông nó xuống nhà cậu Khiên, buồn lắm".

Lan Anh và bé Ngọc Yến bị Bệnh viện đa khoa Phước Long trao nhầm hơn 5 năm trước. Lúc đó, chị Liên (26 tuổi) và và vợ anh Khiên (39 tuổi, thị xã Bình Long) sinh cùng ngày, ở cùng phòng chờ, chỉ cách nhau mấy tiếng. Ngày xuất viện, bệnh viện đã trao nhầm bé Lan Anh cho chị Liên, còn bé Ngọc Yến cho vợ chồng anh Khiên.

Anh Khiên và hai con gái, Lan Anh (trái) và Ngọc Yến (phải). Ảnh: NVCC

Anh Khiên và hai con gái, Lan Anh (trái) và Ngọc Yến (phải).

Chồng chị Liên là người miền Tây, da trắng, tóc thẳng. Còn chị là người dân tộc nên tóc xoăn, da ngăm đen. Bé Lan Anh cũng có nước da và mái tóc tương tự bố, nên vợ chồng chị chẳng mảy ngay nghi ngờ gì.

Nhà bên kia, thấy con gái thứ hai chẳng giống ai đằng nội ngoại, anh Khiên ban đầu nghĩ vợ ngoại tình với một người đàn ông dân tộc, vì bé Ngọc Yến có mái tóc xoăn, da ngăm đen. Hai vợ chồng họ liên tục lục đục. Cho đến khi, bố vợ anh đi bán bánh mỳ ở ấp Tổng Cui Lớn thì thấy bé Lan Anh, rất giống con gái mình, mọi chuyện mới ngã ngũ. 

Anh Khiên nhớ đến hôm đưa vợ đi đẻ, trong phòng cũng có một phụ nữ dân tộc chờ sinh với vợ. "Tôi nghĩ, vậy là bệnh viện họ trao nhầm rồi", anh Khiên nói và quyết tâm đi tìm sự thật.

Phải xa Lan Anh lâu ngày, bà Ché nhớ, nhưng đường đi lại khó khăn, bà phải nhờ anh Khiên chở hai cháu đến cho gặp vài hôm. Ảnh: Phan Thân.

Phải xa Lan Anh lâu ngày, bà Ché nhớ, nhưng đường đi lại khó khăn, bà phải nhờ anh Khiên chở hai cháu đến cho gặp vài hôm.

Với kết quả giám định chéo, bệnh viện đã thừa nhận việc trao nhầm, công khai xin lỗi và bồi thường tổn thất cho mỗi gia đình hơn 20 triệu đồng. Ngày 25/7/2016, sau hơn ba năm nuôi con người khác, anh Khiên được đón con gái ruột là bé Lan Anh về chăm sóc. 

Về nhà mới, mấy tháng liền hai đứa trẻ lạ chỗ nên cứ quấy khóc, chẳng chịu ăn, bệnh liên tục và nhất quyết đòi được về nhà kia. Ngọc Yến thích ăn thịt, cá, uống sữa, vì thế lúc vào bản ở với mẹ Liên, ăn kham khổ, em không chịu được. Còn Lan Anh, vốn chỉ thích ăn cơm với nước tương, ngồi lầm lì một chỗ, không muốn nói chuyện với ai. 

"Để giúp Lan Anh thích nghi môi trường mới, vợ chồng tôi thay phiên nhau nghỉ làm để ở nhà với con bé mà chẳng được. Đêm nào con bé cũng khóc, đòi về với mẹ Liên. Ở bên kia, bé Ngọc Yến cũng vậy", anh Khiên nhớ lại. Nhìn các con ốm đi trông thấy, lòng chị Liên như thắt lại. Chẳng còn cách nào khác, hai gia đình họ quyết định cho hai đứa trẻ ở luân phiên, mỗi nhà một tuần.

Mỗi khi được về nhà mẹ Liên, Lan Anh rất vui, chạy ra vườn hái lá chơi, bày trò sắp gạch, đá xây nhà. Ảnh: Phan Thân

Trong hai bé, Lan Anh lưu luyến muốn được ở mẹ nuôi hơn nhiều.Mỗi lần được về với mẹ Liên là em rất vui, chạy ra vườn hái lá chơi, bày trò sắp gạch. 

Từ ngày ly hôn chồng, kinh tế chị Liên trở nên khó khăn hơn. Nhìn chị vất vả nuôi hai con nhỏ, vợ chồng anh Khiên quyết định nhận trách nhiệm nuôi cả hai bé ăn học. "Vợ chồng tôi khó khăn nhưng có hai người. Còn cô ấy phải một mình nuôi hai con thì cực trăm bề. Đón cả hai bé về cho ăn học cũng là cách giúp hai con hòa đồng, gần gũi, vợ chồng tôi được yêu thương cả hai", anh Khiên nói.

Hiện Lan Anh và Ngọc Yến vào học lớp một. Lan Anh nhỏ con nhưng cá tính, thích vẽ tranh, tô tượng. Còn Ngọc Yến cao lớn nhưng nhút nhát, nhường nhịn, thích ca hát, nhảy múa.

Được trả về đúng nhà từ lâu, nhưng đến nay các em vẫn chỉ coi mẹ nuôi là mẹ, nhất là Lan Anh. Ở bên nhà ba Khiên hơi lâu, Lan Anh lại đòi về với mẹ Liên để được ôm ngủ cùng. Em thủ thỉ: "Mẹ Liên mới là mẹ của con. Con thương mẹ rất nhiều". Còn Ngọc Yến chỉ xem mẹ Liên là người quen. 

Nhìn hai con vui vẻ chơi đùa cùng đất cát, chị Liên nói buồn: "Có lẽ công sinh không bằng công nuôi dưỡng. Tôi chỉ mong hai con khỏe, yêu thương nhau", chị nói và cho biết, hiện hai gia đình không phân biệt con nuôi con đẻ mà xem hai đứa nhỏ như chị em sinh đôi. Bé Lan Anh sinh trước thì làm chị. Bé Ngọc Yến sinh sau là em. Cứ mỗi cuối tuần hai con nghỉ học hay lễ tết chị Liên lại qua đón về nhà mình hoặc vợ chồng anh Khiên sẽ chở các con sang.

Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, Giảng viên khoa tâm lý Đại học Sư phạm TP HCM, thế giới quan và nhân cách của trẻ đến 10 tuổi mới dần dần hoàn chỉnh. Lúc đó, trẻ mới nhận thức được đầy đủ và phản ứng phù hợp với những gì diễn ra xung quanh. Bé Lan Anh và Ngọc Yến từ lúc sinh ra đã được yêu thương, chăm sóc và mến hơi của mẹ nuôi, khi đột ngột phải thay đổi môi trường, trẻ sẽ bỡ ngỡ, khó thích nghi, thậm chí lo lắng hoặc sốc tâm lý, dễ cảm thấy lạc lõng hoặc bị bỏ rơi.

Để các bé thích nghi được với môi trường mới, cả gia đình chị Liên và anh Khiên nên nhẹ nhàng, từ từ, khéo léo phân tích và dành thật nhiều tình cảm cho các con, tránh quát mắng, dọa nạt hay có những lời nói, hành động không hay làm trẻ lo sợ, suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, cha mẹ nuôi nên tìm những câu chuyện tốt về bố mẹ đẻ kể cho trẻ nghe, từ đó làm cầu nối giúp trẻ thích được ở gần người sinh ra mình.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.