10 dấu hiệu về thảm họa khí hậu

GD&TĐ - Khí hậu Trái đất đang nóng lên một cách đáng kể. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới động, thực vật và con người.

1/3 sông băng Di sản Thế giới sẽ biến mất sau 30 năm nữa.
1/3 sông băng Di sản Thế giới sẽ biến mất sau 30 năm nữa.

Theo các nhà khoa học, nếu không hạn chế phát thải khí nhà kính một cách đáng kể và nhanh chóng, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một tương lai thậm chí còn đáng sợ hơn. Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy, khí hậu Trái đất đang mất kiểm soát.

Virus zombie thức tỉnh

Virus zombie đang hồi sinh từ lớp băng vĩnh cửu. Những vi khuẩn cổ đại này đã bị nhốt trong lòng đất đóng băng ở Siberia hàng chục nghìn năm. Tuy nhiên, giờ đây, những virus này đang thức dậy do sự tan chảy ở Bắc Cực. Các nhà nghiên cứu đã khai quật được 13 loại virus từ Siberia. Chúng vẫn tồn tại sau nhiều thế kỷ bị đóng băng sâu.

Câu hỏi được đặt ra là: Những virus cổ đại này có thể lây nhiễm cho con người? Các nhà khoa học cho biết, những virus này chỉ lây nhiễm sang amoeba. Đây là một chi động vật nguyên sinh bao gồm các sinh vật đơn bào không có hình dạng nhất định.

Tuy nhiên, sự tồn tại của những virus cổ đại này làm tăng nguy cơ khi lớp băng vĩnh cửu tiếp tục tan chảy. Các nhà khoa học cảnh báo, một trong những con quái vật cổ đại này có thể gây ra mối đe dọa cho con người.

Mực nước biển dâng cao

Mực nước biển dâng cao là một trong những dấu hiệu rõ nhất về biến đổi khí hậu. Đồng thời, là một trong những dấu hiệu đáng sợ nhất. Các nhà khoa học cho biết, những đường bờ biển dọc Mỹ có thể tăng trung bình 12inch (30 cm) vào năm 2050. Mực nước biển dâng trung bình ở Bờ Đông sẽ lớn hơn ở Bờ Tây. Trong khi đó, các thành phố ở vùng trũng phía Đông có thể gặp rắc rối đặc biệt lớn.

Sông băng biến mất

Yellowstone và Yosemite - hai trong số những công viên quốc gia mang tính biểu tượng nhất ở Mỹ, có thể mất hoàn toàn các sông băng vào năm 2050. Kết quả này được công bố trong một báo cáo của Liên Hợp Quốc. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp thiên nhiên.

Thực tế, những vùng băng giá này cung cấp nước ngọt quan trọng cho cộng đồng địa phương. Báo cáo cho thấy, vào cuối thế kỷ này, một nửa lớp băng bao phủ trên thế giới có thể biến mất nếu chúng ta không giảm lượng khí thải. Ngay cả khi chúng ta giảm lượng khí thải một cách đáng kể, gần 1/3 số sông băng này vẫn có thể biến mất.

Khí hậu hỗn loạn

Các nhà vật lý dự đoán, khí hậu Trái đất có thể trở nên hỗn loạn. Tình trạng mất kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính sẽ khiến hành tinh ấm lên. Đồng thời, khiến thời tiết trở nên thất thường và khó lường hơn. Trong kịch bản tốt nhất, Trái đất sẽ ổn định ở nhiệt độ mới ấm hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, các mùa dao động dữ dội từ năm này sang năm khác. Ngoài ra, các giai đoạn nóng và lạnh sẽ nối tiếp nhau nhanh hơn nhiều so với hiện tại.

Gấu Bắc cực ăn rác

Gấu Bắc cực đang phải ăn rác, do mất đi một nguồn thực phẩm chính. Đó là băng biển. Tình trạng băng biển kém ổn định hơn khiến gấu Bắc cực khó có thể săn bắt hải cẩu. Vì vậy, loài động vật này đang phải tìm kiếm thức ăn ở những bãi chôn lấp và bãi rác ở rìa các thị trấn.

Thời tiết xấu hơn

Không chỉ có nguy cơ xảy ra tình trạng khí hậu hỗn loạn trong tương lai, thực tế, thời tiết đã trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những nơi nóng sẽ nóng hơn. Trong khi đó, những nơi lạnh sẽ lạnh hơn. Tình trạng hạn hán và lũ lụt cũng sẽ nghiêm trọng hơn.

Những cơn bão cũng sẽ có tốc độ gió và độ ẩm cao hơn. Song, đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Sự thay đổi giữa các kiểu thời tiết sẽ kịch tính và khó đoán hơn. Cách duy nhất để hạn chế tình trạng này đó là giảm lượng khí thải carbon.

Quần thể chim cánh cụt trên đà tuyệt chủng

Chim cánh cụt hoàng đế đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Những con chim này đã được đưa vào danh sách “các loài bị đe dọa”. Cục hoang dã và cá Hoa Kỳ đã đề xuất bảo vệ chim cánh cụt hoàng đế theo Đạo luật của các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Loài chim cánh cụt lớn nhất đang gặp rủi ro do sự mất mát nghiêm trọng của băng biển. Các nhà khoa học cảnh báo, 70% đàn chim cánh cụt hoàng đế có thể biến mất vào năm 2050, nếu băng biển tiếp tục bị mất với tốc độ hiện tại.

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu

Trái đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu. Các loài trên hành tinh của chúng ta vẫn chưa chết với tốc độ để xảy ra một cuộc tuyệt chủng hàng loạt. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, chúng ta đang tiến dần đến sự kiện đó.

Trung bình, “tốc độ nền” của sự tuyệt chủng chứng kiến 5 - 10% các loài động vật biến mất sau mỗi triệu năm. Một cuộc đại tuyệt chủng xảy ra khi 60% số loài và 35% số giống biến mất.

Tốc độ tuyệt chủng hiện nay đang tăng, nhưng vẫn ở mức bình thường. Tuy nhiên, một khi nhiệt độ cao hơn 16,2 độ F (9 độ C) trên mức trung bình hiện tại, sự kiện tuyệt chủng mà các nhà khoa học ước tính sẽ xảy ra vào khoảng năm 2500.

Điểm không thể quay lại

Chúng ta có thể đang ở gần “điểm không thể quay lại” của khí hậu hơn suy nghĩ trước đây. Các điểm tới hạn trong hệ thống khí hậu được cho là không thể phục hồi và có thể đạt được ở nhiệt độ thấp hơn nhiều so với các mô hình trước đây đề xuất.

Có 16 điểm tới hạn chính. Trong đó, một số điểm bao gồm sự tan chảy của các dải băng ở Greenland và Tây Nam Cực, sự giảm băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, cái chết của rạn san hô nhiệt đới và sự thay đổi của dòng hải lưu quan trọng ở Biển Labrador - nằm trong “khu vực nguy hiểm”.

Tất cả các điểm tới hạn sẽ đạt được nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2,7 độ F (1,5 độ C) trên mức thời tiền công nghiệp. Trái đất đã cao hơn 2 độ F (1,1 độ C) so với đường cơ sở đó và có khả năng đạt 3,6 đến 5,4 độ F (2 đến 3 độ C) trên mức tiền công nghiệp trước khi ổn định.

Sông băng Ngày tận thế

Sông băng Thwaites, còn có biệt danh đáng ngại hơn là “Sông băng Ngày tận thế”, đang tiến gần hơn với sự sụp đổ. Thwaites là một tảng băng có kích thước bằng Florida ở Tây Nam Cực. Sự tan chảy của sông băng này có thể khiến mực nước biển tăng từ 3 đến 10 feet (0,9 đến 3 m).

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ