PGS.TS Nguyễn Ái Việt cho rằng đây chính là thời điểm để Việt Nam bứt tốc bằng khoa học công nghệ.
Chọn lối đi riêng
Sinh năm 1955 trong gia đình đậm chất văn chương với bố là nhà văn, mẹ là giáo viên dạy văn nhưng PGS.TS Nguyễn Ái Việt lại chọn cho mình con đường khoa học với một lý do rất “văn học”: Do quá say mê tác phẩm “Ba nhà vật lý”.
Tốt nghiệp đại học tại Hungary năm 1978 và được mời ở lại nhưng chàng sinh viên Nguyễn Ái Việt xin về với suy nghĩ đất nước đang cần người tài. Năm 1984, ông đi Nga làm luận án tiến sĩ. Trong quá trình học, ông luôn là người đứng đầu lớp, tham gia các cuộc thi dành cho các nhà vật lý trẻ tại nước bạn và giành nhiều phần thưởng.
Sau nhiều giải thưởng, ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm khoa học Hungary vinh danh là một trong những nhà khoa học tiên tiến của thế giới. Năm 1987, ông được mời vào chiếc ghế giáo sư của trường đại học cũ tại Hungary và đảm nhận công việc giảng viên trong 4 năm.
Đến năm cuối, thầy trưởng khoa gọi TS Việt nhắn nhủ: “Tôi nghĩ anh nên tiếp tục đi về hướng Tây thì sẽ tốt hơn”. Chính vì thế, ông nhận lời mời của một trường đại học ở Ý sang giảng dạy vào năm 1991 và năm sau, ông được mời sang Mỹ. Cả gia đình ông bắt đầu một cuộc sống mới.
Sau 3 năm ở Mỹ, ông đứng trước hai lựa chọn: Một là nhận vị trí tại Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương khi đó mới mở ở Hàn Quốc; hai là sang một trường đại học ở Ireland. Từ khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định rõ là sẽ không ở lại nước ngoài mà sẽ quay về, “vì tôi thấy quê nhà còn rất nhiều việc cần làm và tôi muốn góp phần vào đó”.
Năm 2000, ông được Công ty Siemens mời về làm kĩ sư trưởng với mức lương hàng năm lên đến 7 con số (USD). Nhưng lý do chính khiến ông đầu quân cho Siemens là vì kì nghỉ dành cho nhân viên ở đây kéo dài 5 tuần, ông sẽ có nhiều thời gian hơn để về Việt Nam (ở những công ty khác của Mỹ chỉ 2 tuần). Khoảng thời gian này, Việt Nam chưa đặt đại sứ quán ở Mỹ mà chỉ có phái đoàn đại diện cho Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

“Một lần tình cờ, tôi gặp Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và ông nói với tôi: “Cậu nên về hẳn để giúp đất nước”. Đến năm 2003, tôi quyết định về nước”, TS Việt nhớ lại.
Từng rất thành công trong lĩnh vực Toán - Lý với những công trình và những thành công quốc tế tại Mỹ, châu Âu,… Nguyễn Ái Việt trở về Việt Nam với mong muốn đóng góp công sức của mình phục vụ đất nước. PGS.TS Nguyễn Ái Việt còn là người theo đuổi phần mềm soát lỗi chính tả và dịch tự động “made in VietNam” với ước mong cạnh tranh với “gã khổng lồ” Google Translate.
Ông là chủ nhiệm dự án phát triển công nghệ cao quốc gia “Phát triển công nghệ dịch đa ngữ Anh - Trung - Việt”. Ông là cố vấn công nghệ và là tác giả của bằng sáng chế “Truy cập Internet và làm việc từ xa an toàn” trong một dự án quốc gia khác về an toàn an ninh mạng.
Đàm phán mua bản quyền Microsoft
PGS.TS Nguyễn Ái Việt từng đại diện Chính phủ Việt Nam đàm phán với Microsoft về bản quyền phần mềm dùng cho máy tính của bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Nói về lý do được chọn làm tổ trưởng tổ đàm phán, ông cho biết: Năm 2006, Bill Gates có chuyến thăm Việt Nam. Khi ấy, ông là Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin.
Nhờ khả năng tiếng Anh khá ổn, ông được giao nhiệm vụ trình bày kế hoạch phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam trước Bill Gates và vị tỷ phú công nghệ nghe có vẻ thích thú. Cuộc gặp đó có sự tham gia của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm - Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Trung Tá…
Trong chuyến thăm, Bill Gates cũng đã hội đàm với Thủ tướng Việt Nam và hai bên đề cập đến việc Việt Nam sẽ là đối tác chiến lược của Microsoft và sẽ thanh toán bản quyền phần mềm Office dùng cho cán bộ, công chức trên toàn quốc.
Vào năm 2006, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới (trên 90%). Theo ước tính của Viện Chiến lược Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin, với khoảng 2 triệu máy tính cá nhân thì để xóa bỏ vấn nạn này, chúng ta cần tới gần 1 tỷ USD. Trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán gia nhập WTO, nỗ lực giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền cũng để góp phần nâng cao vị thế.
“Tóm lại, Việt Nam muốn xóa tiếng ‘ăn trộm phần mềm’ khi hội nhập, còn Microsoft muốn một ví dụ điển hình về chính phủ cam kết giải quyết vấn đề này để làm gương cho thế giới. Cả hai bên đều có lợi ích chung. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu đàm phán trong 3 - 6 tháng, nhìn lại có thể nói chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”, PGS.TS Nguyễn Ái Việt nhớ lại.
Khi bước vào bàn đàm phán, Microsoft đưa ra con số nợ khổng lồ, tính toán dựa trên 10 năm sử dụng phần mềm Office trước đó. Họ bảo: “Các anh có bao nhiêu công chức, nhân lên số người dùng, thì nợ bấy nhiêu”. Nhưng tôi đặt nguyên tắc đầu tiên: Không hồi tố nợ cũ. Phải mất vài buổi họ mới đồng ý. Sau đó, chúng tôi đàm phán hợp đồng cho tương lai.
Ban đầu, họ đưa ra số tiền bản quyền rất lớn cho 5 năm sử dụng phần mềm ở tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Ông đề nghị không chỉ cán bộ, công chức mà toàn bộ giáo viên cũng được dùng phần mềm có bản quyền.
Cuối cùng, Lễ ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược và hợp đồng mua bản quyền sử dụng phần mềm Office giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Microsoft diễn ra vào ngày 21/5/2007 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft Steve Ballmer.
Ông cho biết, phía Microsoft đưa ra con số ban đầu rất lớn, nhưng mức giá cuối cùng chỉ bằng khoảng 1/5 mức 100 triệu USD họ đưa ra. Microsoft còn hào phóng tặng lại 5 triệu USD để phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam, nên thực tế chúng ta chỉ trả số tiền khá nhỏ (so với mức giá ban đầu).

Công nghệ tạo áp lực lớn cho đổi mới giáo dục
Theo TS Nguyễn Ái Việt, trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mục tiêu giáo dục. Hiểu biết mới về ý thức sẽ tạo điều kiện thay đổi phương thức giáo dục. Đổi mới giáo dục, để hướng tới con người độc lập về tư duy, tự do về tư tưởng và hạnh phúc trong cuộc sống, nhiều thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội phát triển.
Cần thiết có mô hình giáo dục tinh hoa loại bỏ cách học thụ động để tập trung vào những nội dung cấp bách mà nền giáo dục chưa thể đáp ứng ngay.
PGS.TS Nguyễn Ái Việt tham gia soạn thảo nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và chính sách quốc gia về công nghệ thông tin. Ông cho rằng, ở Việt Nam, phụ huynh có cái hay, cái dở. Cái hay là các bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình được học tập, nâng cao kiến thức.
Tuy nhiên trong quá trình đó, phụ huynh lại muốn con em làm theo ý mình. Lâu dần, điều đó có thể làm cho người học học một cách thụ động, không nhìn thấy khả năng của mình để có hướng phát triển phù hợp.
“Theo tôi, sinh viên Việt Nam cũng đa phần chưa chủ động suy nghĩ, tìm tòi, tham gia bàn luận, thực hiện những vấn đề mà xã hội đang gặp phải. Bài toán đặt ra hiện nay là phải đào tạo được lớp sinh viên có suy nghĩ mang sứ mệnh để thay đổi cuộc sống, dẫn dắt sự sáng tạo của xã hội”, ông nói.
Các thành tích thi cử, giáo sư, tiến sĩ, những cá nhân thành danh là các chỉ số thể hiện của nền giáo dục chứ không phải mục tiêu của nền giáo dục. Đối với cá nhân, nền giáo dục phải đào tạo ra những cá thể hạnh phúc, có suy nghĩ độc lập, khát vọng tự do sáng tạo.
Đối với cộng đồng phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đám đông phải lành nghề, tinh hoa phải dám nghĩ vấn đề lớn của cộng đồng, có tư tưởng khai phóng. Giáo dục phải hướng tới đám đông lành nghề, tạo ra những con người có năng lực tự chủ, tự sáng tạo thay vì rập khuôn theo một mô hình, mô típ giáo dục nào đó.
Cách học mới phải là dựa trên giáo trình, học viên phải biết cách nắm bắt thông điệp, đặt câu hỏi, sắp xếp vào kho tri thức của mình. Sau đó, lại biết vận dụng kiến thức đã biết, sử dụng các tài liệu tham khảo, máy tìm kiếm để viết các tài liệu hoặc bản trình chiếu mới, khác với giáo trình ban đầu.
Điểm đánh giá chính là mức độ sáng tạo, chứ không phải mức độ giống của tài liệu hoặc bản trình chiếu mới. Học viên phải được học để sáng tạo ra tri thức mới chứ không phải để học vẹt các tri thức đã biết rồi bắt bẻ đến từng dấu phẩy, lỗi chính tả, cho rằng đó là cơ bản.
TS Nguyễn Ái Việt là một nhà vật lý lý thuyết, có 23 năm giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại Hoa Kỳ và châu Âu. Trong lĩnh vực công nghệ, ông đã tư vấn và phát triển các hệ thống Chính phủ Điện tử, tác giả Kiến trúc Tương hợp Chính phủ Điện tử ITI, các giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng trí tuệ nhân tạo, an toàn an ninh mạng và các hệ thống quản lý viễn thông. Ông là đồng tác giả cuốn sách “Việt Nam thời chuyển đổi số”, tác giả của “Kế hoạch Ba Đình về phát triển Khoa học Công nghệ Việt Nam đến năm 2045”.