Với số mắc không ngừng gia tăng, trong đó có bà bầu, tại điểm nóng của dịch bệnh, ngành Y tế TPHCM chính thức đưa ra quy trình thu dung, điều trị thai phụ không may nhiễm bệnh.
Lan rộng
Trường hợp nhiễm virus Zika gần đây nhất là tại Tây Ninh. Bệnh nhân là nữ giới ở huyện Bến Cầu và đang nghi ngờ có thai. Bệnh nhân trước đó bị sốt, phát ban nhiều ngày, được người thân đưa đi khám, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhân dương tính với virus Zika.
Sau khi có thông tin, ngành Y tế tỉnh đã giám sát chặt chẽ ca bệnh và thực hiện các biện pháp khẩn như khoanh vùng nơi có dịch, phun thuốc diệt trừ mầm bệnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về các biện pháp phòng bệnh, diệt loăng quăng.
Tuyên truyền người dân, nhất là phụ nữ mang thai phải hết sức cảnh giác, không để bị muỗi đốt để tránh nhiễm bệnh và truyền sang con.
Tại TPHCM, số ca nhiễm mới liên tục được phát hiện. Theo ông Nguyễn Đức Khoa - Phó Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), phía Nam có số người mắc Zika tăng cao là do khu vực này lưu hành và có mật độ muỗi vằn (muỗi Aedes) truyền virus Zika và bệnh sốt xuất huyết ở mức cao.
Tác nhân truyền bệnh có mặt ở khắp mọi nơi trong khi việc phòng chống dịch gặp khó khăn do địa bàn rộng, nhiều ao hồ tù động, khu công nghiệp, nhà trọ ẩm thấp và ý thức phòng dịch của người dân chưa đồng đều.
Nhiều người không biết đến thông tin về dịch bệnh hay cách phòng chống. Cùng với sự gia tăng của sốt xuất huyết của các tỉnh phía Nam, dự báo, thời gian tới, Zika vẫn tiếp tục hoành hành và diễn biến phức tạp.
Đối với khu vực miền Bắc đang ở thời tiết mùa đông với nhiệt độ xuống thấp, đây là yếu tố cản trở nguy cơ lây lan virus Zika nói riêng và các bệnh do muỗi gây ra nói chung.
Bởi lẽ muỗi vằn sẽ không hoạt động được khi nhiệt độ thời tiết xuống dưới 16oC. Vì thế người dân miền Bắc sẽ ít có nguy cơ phải đối mặt với dịch do virus Zika vào mùa đông.
Nhưng, khi xuân tới, mưa phùn, nồm ẩm là cơ hội tốt để muỗi phát sinh, phát triển. Do vậy, các tỉnh miền Bắc sẽ lại đối mặt với nhiều dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết và Zika.
Tìm cách bảo vệ bà bầu
Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã tuyên bố dịch bệnh do virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh ở nước ta hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của Bộ Y tế chính là phòng bệnh do virus Zika đối với phụ nữ, đặc biệt là các thai phụ.
Là địa phương có nhiều người mắc, kể cả phụ nữ mang thai, TPHCM đã ban hành Quy trình thu dung điều trị thai phụ nhiễm virus Zika nhằm thống nhất cách phát hiện, chăm sóc và theo dõi thai phụ nhiễm virus này.
Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận thai phụ nghi ngờ nhiễm Zika trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm virus Zika.
Kết quả sẽ được trả sau 48 giờ kể từ khi nhận mẫu bệnh phẩm. Đối với những trường hợp kết quả dương tính, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thông báo ngay kết quả bệnh nhân cho bệnh viện gửi mẫu.
Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận kết quả, cơ sở khám chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh phải báo cáo ca bệnh về Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Sở Y tế theo quy định; đồng thời thông báo, tư vấn ngay cho người bệnh.
Với thai phụ nghi ngờ nhiễm virus Zika, xét nghiệm Zika âm tính, thai phụ được chẩn đoán xác định dương tính nhiễm Zika, đều được tư vấn điều trị theo đúng quy định, phác đồ cũng như các biện pháp để phòng chống lây nhiễm Zika cho người khác.
Đối với những trường hợp xác định nhiễm Zika, sẽ được theo dõi thai kỳ và siêu âm định kỳ theo quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, siêu âm đánh giá hình thái học thai nhi để kịp thời phát hiện những dấu hiệu của hội chứng Zika bẩm sinh (đầu nhỏ, nốt calci hóa nội sọ, các bất thường não, mắt và khớp; siêu âm tiền sản mỗi 2 – 4 tuần để đánh giá cấu trúc giải phẫu và tăng trưởng thai).
Đối với các trường hợp siêu âm thai phát hiện hội chứng Zika bẩm sinh, bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến Bệnh viện Từ Dũ hoặc Hùng Vương để được thực hiện các xét nghiệm thăm dò, chẩn đoán trước sinh khác.
Thiết nghĩ, việc công bố quy trình thu dung, điều trị thai phụ nghi nhiễm hoặc nhiễm Zika là cần thiết. Nó giúp thai phụ theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Đồng thời cũng giảm được lo lắng thái quá, dẫn tới việc phá thai khi không cần thiết như cơn bão rubella nhiều năm trước đây.
Vấn đề còn lại là bà bầu phải chủ động đến cơ sở y tế theo dõi sức khỏe, tìm hiểu thông tin về dịch bệnh, sự phát triển của thai để nhờ bác sĩ tư vấn…