Yury Bondarev: “Cái đẹp luôn ở bên cạnh bạn”

Yury Bondarev: “Cái đẹp luôn ở bên cạnh bạn”

Ông nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh như: “Các tiểu đoàn xin chi viện” (1957), “Tuyết bỏng” (1969), “Bến bờ” (1975), “Lựa chọn” (1980), “Những khoảnh khắc” (1981)... Ngày 29/3/2020, Yury Bondarev qua đời tại Matxcơva, hưởng thọ 97 tuổi. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những quan điểm của ông về cuộc sống và văn học đương đại…

Về cái chết trong chiến tranh

Thời gian đầu ở chiến trường, đối với những cậu bé trạc tuổi tôi, không có cái chết. Chúng tôi là những con người vĩnh cửu. Còn nhớ, trong trận đánh đầu tiên, tôi đi dọc mép chiến hào để chứng minh tôi không sợ gì hết, giống như công tước Andrey Bolkonsky trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy. 

Dù sao, thế hệ chúng tôi được nuôi dưỡng bằng văn học, vì văn học là môn học đầu tiên ở nhà trường và cả trong thời học sinh của chúng tôi. Nhận thức về cái chết chỉ xuất hiện sau khi bạn chứng kiến nhiều người chết, và càng tiếp xúc với cái chết của người khác, bạn càng nhận ra rằng, cái chết có thể đến với bạn. 

Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Bao giờ cũng có bản năng tự vệ, ý thức về sự nguy hiểm. Ở đây thậm chí không có gì để nói. Chỉ những kẻ ngốc mới không sợ chết, còn trong chiến tranh, sự thận trọng quả là cần thiết. Nếu không có nó, rất nhiều chiến sĩ có thể đã hy sinh.

Về trận chiến Stalingrad

Trận chiến Stalingrad là sự kiện vô cùng to lớn trong cuộc đời tôi. Ở ngoại ô Stalingrad, chúng tôi phải bắn trực diện vào xe tăng Đức (800 - 1.200 mét). Nhưng để chắc chắn, chúng tôi chờ chúng tiến tới trong vòng 500 mét, đôi khi 200 mét. Lúc bấy giờ mọi thứ phụ thuộc vào chiến sĩ quan trắc. Trên chiến trường, người tôi thực sự kính trọng là chiến sĩ quan trắc. 

Họ là những người phụ trách máy ngắm. Nếu sau phát súng thứ nhất, thứ hai, đạn không trúng xe tăng thì phát súng thứ ba sẽ là của đối phương. Đó là một kết cục đáng buồn. Trong các trận đánh trên sông Myshkova ở ngoại ô Stalingrad, nhiều lần chúng tôi phải chống đỡ các cuộc tấn công của xe tăng Đức, khi chúng liên tục tràn vào trận địa.

Mặc dù là những cậu bé mới lớn, chúng tôi hiểu rằng, số phận của cuộc chiến tranh được quyết định tại ngoại ô Stalingrad. Mọi người đều hiểu điều này, kể cả bọn Đức. Nó được cảm nhận bởi hỏa lực dồn dập của bọn Đức, sự chống trả quyết liệt của chúng ta và bởi tâm trạng của các sĩ quan cao cấp tại các trận địa. 

Chúng tôi không còn tiếc đạn nữa, mặc dù trước đó chúng tôi đã đếm từng quả. Chúng tôi có những cỗ đại bác Grabin 76 mm tuyệt vời. Đó chính là loại đại bác mà I.V. Stalin đã nói với người chế tạo ra nó năm 1942, khi nó được đưa vào sử dụng: “Khẩu pháo của anh sẽ chiến thắng trong cuộc chiến”.

Về tình hình văn học đương đại

Văn học thời Xô Viết nhìn chung là một nền văn học trung thực. Và nó đã giáo dục nên những chàng trai 17 tuổi đi ra mặt trận, không làm ô nhục mảnh đất Nga và tình yêu đối với gia đình. Chúng tôi không phải là thánh nhân, nhưng vào những năm đó, người ta đã biết tác động vào chúng tôi bằng một tình cảm ái quốc lớn. 

Chúng tôi không xung trận với những câu khẩu hiệu trong tay. Chúng tôi là những người yêu nước không cần lời hoa mỹ. Hiện nay, người ta đã và đang cố tình xúc phạm uy tín của lòng yêu nước. 

Thị hiếu của bạn đọc và trước hết là ngôn ngữ trong các tác phẩm của lớp người “Nga mới” đã hỏng đến mức không thể chịu nổi. Dòng thác sách xa lạ với văn học nghiêm túc đổ ập xuống đầu độc giả. Liệu có thể ngăn chặn điều đó không? Có thể! 

Theo tôi, cần phải xây dựng hệ thống kiểm duyệt sáng suốt. Không một cuốn tiểu thuyết nào của tôi được in mà không có sự kiểm duyệt. Hàng đêm liền chúng tôi ngồi với kiểm duyệt, uống cà phê, hút thuốc và tranh luận. Tôi sửa chữa vài ba câu, một số từ mà vẫn giữ lại nội dung đó. Hiện nay cái gì cũng được đem in.

Về tình hình xã hội hiện nay

Tất cả những cuộc cải cách đẹp đẽ đầy hứa hẹn đã không mang lại sự tiến bộ như trên lời nói. Cuộc sống không trở nên tốt đẹp và vui vẻ hơn. Mặc dù, nhìn bề ngoài niềm vui không giảm đi. Màn ảnh truyền hình, báo chí, các chương trình, radio tràn ngập những “show”, những chuyện phiếm hời hợt. 

Dường như bằng cách đó có thể làm cho nhân dân lãng quên những vấn đề bức thiết của mình: Lấy gì nuôi con, chọn trường nào cho con học? Nhân tiện cũng xin nói, trong những thập kỷ gần đây đã có 10.000 trường phổ thông bị đóng cửa. Và mỗi năm có 600 trường phổ thông ở nông thôn bị giải thể. Tôi đã từng chiến đấu bên cạnh những đồng đội được gọi nhập ngũ từ nông thôn. Tất cả họ đều đọc thông viết thạo, tất cả đều tốt nghiệp lớp 7 hay lớp 10. 

Hiện nay, là giáo sư danh dự Trường Đại học Nhân văn mang tên Sholokhov, tôi được gặp gỡ với các cán bộ giảng dạy và sinh viên. Tôi thấy mọi người tỏ thái độ rất tiêu cực đối với các cuộc cải cách giáo dục. Đơn giản là các cuộc cải cách không đem lại gì cho nhân dân. Làng quê bị phá sản, nền kinh tế trượt dốc, văn hóa xuống cấp, các phương tiện thông tin đại chúng không làm sao tiếp cận những vấn đề bức thiết… đó là điều đáng lo ngại.

Về ý nghĩa cuộc sống

Mặc dù hiện nay có một sự suy thoái nào đấy, nhưng tôi nghĩ rằng một trào lưu tư tưởng và năng lượng mới nhất định sẽ lại bắt đầu, sẽ xuất hiện những giá trị khác thay thế những tờ giấy bạc kêu sột soạt trong các kẽ tay. Người ta sẽ bắt đầu nghĩ đến những vấn đề chính của cuộc sống và cái chết. Rằng chúng ta sống trên Trái đất này rất ngắn ngủi, chỉ một giây trong vũ trụ thời gian, và tiêu phí cái thời hạn sống này trong một giây để kiếm những đồng USD là một điều xuẩn ngốc. 

Cần phải coi giây phút đó là một niềm hạnh phúc. Sự thành công, may mắn, giàu sang, khoái lạc - tất cả là phù du. Hôm nay con người tắm trong lạc thú, nhưng ngày mai anh ta có thể ngập trong bùn nhơ.

Cái đẹp là cái luôn luôn ở bên cạnh bạn. Cái đẹp đang ngồi với bạn trong một toa tàu, trên cùng một chiếc ghế. Và không phải bằng lời nói, hay sự va chạm, mà một nụ cười nhẹ nhàng khẽ khàng bảo bạn xích gần lại bên cửa sổ. 

Bây giờ bạn nhìn qua cửa sổ và thấy cuộc sống lướt qua bên ngoài, với tất cả những phi lý và tai họa của nó… Nhưng đồng thời bạn cảm thấy bên cạnh một sự ấm áp, một cái gì đấy không thể diễn tả bằng lời. Đấy không phải là sự gần gũi thể xác, mà là tâm hồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ