Thấm thoát từ ngày tấp tểnh làm phóng viên tập sự, đến giờ đã 14 năm gắn bó với báo Ngành. Mỗi ngày trôi qua lại thấy lựa chọn của mình thật đúng đắn, thấy mình hợp với nghề và cảm nhận nghề cho mình nhiều điều đáng quý!
Cú hattrick chào sân và lần viết thứ ba mới đạt!
Tôi chào sân báo Giáo dục và Thời đại bằng một cú hattrick: In 3 bài dịch trong một số báo. Nhưng để viết được tin, bài thì là cả một vấn đề.
Tôi còn nhớ, ngày ấy nung nấu ý tưởng, lên khung, dựng sườn cho một bài viết ngắn đến toát hết mồ hôi. Đến tối, trước khi đi ngủ còn ngẫm nghĩ mình sẽ đặt “mào đầu” thế nào, rồi kết ra sao. Nhưng khi viết thì thấy nó chệch hẳn những gì mình đã định sẵn.
Có lúc lại thấy nản, không điều khiển được câu chữ, có bao nhiêu suy nghĩ trong đầu, mà sao không thể viết ra được; có nhiều điều muốn nói nhưng chả biết “trải” ra trang giấy thế nào…
Để có được ngày hôm nay, khi cứ đặt tay lên bàn phím là viết, không dám nói chuyện hay – dở, nhưng tối thiểu cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi biết ơn nhiều người thầy trong nghề đã giúp tôi trưởng thành, có kỹ năng làm báo:
Anh Hà Trọng Nghĩa - Người thầy lớn chỉ cho tôi cách viết bài, chị Nguyễn Thị Trâm – Người dẫn tôi đi chuyến công tác đầu tiên ở Kinh Môn (Hải Dương), chị Chu Thị Thơm – Người biên tập cho tôi mẩu tin ngắn đầu tiên, anh Phí Quốc Thuyên – Người anh dẫn tôi học việc từ những cuộc phỏng vấn…
Tôi còn nhớ khi tôi vào báo được 1 tháng, có một cuộc seminar tại trường ĐH, chủ đề về kinh tế. Đến lúc về viết bài nộp tòa soạn, anh Hà Trọng Nghĩa – lúc đó là Trưởng Ban biên tập báo 3, 5, 7 - đã bỏ bài, nói tôi viết lại, bởi: “Viết thế này ai đọc? Nếu là cô, cô có đọc không?”.
Viết lần thứ hai, vẫn bị bỏ bài, thậm chí là còn vo bài ném vào đống giấy lộn. Tôi ức lắm, nghĩ trong bụng: Đã thế phải viết cho biết tay! Cay mũi mắt ngấn nước thì nghĩ thế, chứ còn non nghề như tôi ai cần biết làm gì!
Và tôi viết lần thứ ba, trong tâm thế tủi hờn, nhưng quyết phải làm cho nó khác hẳn, để nếu mình là bạn đọc, mình sẽ không lướt mắt qua nó ngay từ cái title.
May sao lần này tôi đã nhận được cái gật đầu từ vị trưởng ban khó tính họ Hà. Đây là bài học lớn cho tôi đến tận bây giờ, rằng khi viết bài, người viết phải đặt mình vào tâm thế bạn đọc.
Và còn rất nhiều những người cho tôi kiến thức, kỹ năng để nghề viết thêm nhuần nhuyễn, cách cảm nhận sự việc thêm tường minh…
Thật cảm động khi họ bỏ công sức, thời gian sửa sang, góp ý, động viên tôi mạnh dạn bước đi. Đến hôm nay, khi ở vị trí của người biên tập, tôi mới thấm được những vất vả của các thầy tôi ngày ấy, bởi sửa sang câu cú, chỉ bảo ý tứ… đôi lúc “xương xẩu” hơn là tự mình bắt tay viết rất nhiều!
Tôi vẫn thường chia sẻ với đồng nghiệp, rằng trước kia, mình cũng đã từng viết lại bài nhiều lần. Mỗi lần viết lại, mỗi lần trưởng thành, thêm hiểu nghề hơn.
2 chữ cho kinh nghiệm nghề báo
Trụ được với nghề báo chắc chắn phải có đam mê. Làm việc ở tờ báo về giáo dục – lĩnh vực vốn được xếp vào danh sách “nghèo” trong xã hội (nhuận bút báo theo đó cũng khiêm tốn) - càng cần có điều này.
Nếu không yêu nghề, không thể làm việc bất kể giờ giấc. Nếu không yêu nghề, không thể đi công tác vùng sâu vùng xa ròng rã nhiều ngày trời, xa con vắng chồng.
Nếu không yêu nghề, không thể chịu được áp lực về thời gian nộp bài đúng kỳ, đúng hạn. Vì yêu nghề, vì đam mê nên lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng đi, sẵn sàng đến, sẵn sàng “lọc” thông tin, sẵn sàng chụp ảnh, sẵn sàng viết...
Tôi có người bạn cũng làm phóng viên, tâm sự rằng cô cảm thấy khi bài viết lên trang, ra báo, cô như đội một vòng nguyệt quế trên đầu, một thứ vinh quang mà chỉ có những người làm báo mới có. Tôi cũng cảm thấy như vậy.
Dường như chính cái vinh quang vô hình của việc được trải nghiệm, được viết về các thầy cô giáo giỏi, những ngôi trường đơn sơ mái lá, những con người hết lòng về giáo dục… là động lực giúp tôi tiến lên trong nghề, vừa là một sự thỏa mãn, vừa khiến tiêu tan đi bao chất chứa, dằn vặt suy tư về những gì cảm, thấy, nghe trên mỗi dặm đường.
Nói thì dông dài về nghề, nhưng tựu trung chỉ một chữ YÊU!
Đam mê nghề báo, nhưng cũng cần có sự tỉnh táo. Tôi không muốn nói về chuyện đao to búa lớn nhận hối lộ, viết cong queo. Đó là chuyện đạo đức của người làm báo rồi.
Chỉ xin kể trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu, bạn bè đồng nghiệp có thống kê vui, rằng hình như tỷ lệ nhà báo ly hôn tương đối cao, nhất là các nhà báo nữ. Trộm nghĩ, đây cũng là cám dỗ của nghề báo.
Mỗi ngày, hẹn phỏng vấn, gặp gỡ lấy thông tin bao nhiêu con người, mà toàn là những nhân vật ưu tú trong xã hội: Giám đốc, chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ… hỏi những vấn đề vĩ mô, nghe phân tích, phản biện, nói đùa duyên dăm ba câu, tự dưng thấy người mình gặp sao mà thông hiểu, giỏi giang, ga lăng, thời thượng, thầm so sánh với ông chồng đầu bù tóc rối quần áo lếch thếch, tự dưng thấy người mình gặp vụt sáng như thần tượng, tim khe khẽ rung rinh .
Nhưng khi chiều về, thấy chồng lật bật về sớm đón con, nấu cơm sẵn đó bởi vợ còn thay bài muộn ở cơ quan, lo lắng cằn nhằn vợ sao hôm qua thức khuya viết bài thế, liệu tối nay đi ngủ sớm không ốm, tim bỗng dưng mềm, mắt lại chớp ướt. Cám dỗ thoáng qua bỗng bay biến, để thấy mình trân trọng với gì đang có, dù là nhà báo “oách xà lách” ở đâu, thì về nhà vẫn là vợ, là mẹ.
Cũng lại “vòng vo tam quốc” về nghề, nhưng chỉ muốn nói về một chữ TỈNH!
Cứ thế, học hỏi từ nhiều người, học hỏi đồng nghiệp, chia sẻ, hòa đồng, tôi đã và luôn YÊU báo Giáo dục và Thời đại, đã và luôn nhắc mình TỈNH trong nghề nghiệp, mỗi ngày...