Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người bị bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm và tâm thần phân liệt - một tình trạng gây ra sự sai lệch trong suy nghĩ và nhận thức - có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn. Nhưng người ta không biết liệu các rối loạn tâm thần có liên quan đến nguy cơ tử vong do Covid-19 hay không?
Trong nghiên cứu mới này, các chuyên gia đã xem xét hồ sơ sức khỏe từ 260 phòng khám ngoại trú và bốn bệnh viện trên toàn thành phố New York, dựa trên dữ liệu được công bố bởi hồ sơ sức khỏe điện tử của Đại học New York; Trong số 26.540 bệnh nhân được xét nghiệm (khoảng 4.500 bệnh nhân bị loại trừ vì nhiều lý do khác nhau), 7.348 người trưởng thành có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Sau đó, họ chia những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần trong danh sách thành ba loại: Tâm thần phân liệt, rối loạn tâm trạng và rối loạn lo âu; so sánh họ với những bệnh nhân không được chẩn đoán mắc bất kỳ rối loạn tâm thần nào.
Trong số hơn 7.000 người trưởng thành có kết quả xét nghiệm dương tính với Corona virus trong thời gian đó, 75 bệnh nhân có tiền sử tâm thần phân liệt; 564 người có tiền sử rối loạn tâm trạng và 360 người có tiền sử rối loạn lo âu. Có 864 trong số các bệnh nhân Covid-19 đã chết hoặc được chuyển đến nơi an nghỉ cuối cùng trong vòng 45 ngày kể từ ngày chẩn đoán.
Mặc dù không tìm thấy mối liên hệ giữa lo lắng hay rối loạn tâm trạng với tử vong do Covid-19, nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người bị tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn khoảng 2,7 lần so với những người không mắc chứng rối loạn tâm thần.
Để so sánh, bệnh nhân trong độ tuổi từ 45 đến 54 có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn 3,9 lần so với bệnh nhân trẻ hơn (và nguy cơ đó tăng gấp đôi sau mỗi 10 tuổi sau 54), bất kể họ có bị rối loạn tâm thần hay không. Bệnh nhân suy tim hoặc tiểu đường có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao gấp 1,65 lần và 1,28 lần.
Theo TS Donald Goff, Giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa New York (NYU), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Đó là điều đã được dự kiến nhưng vẫn đáng ngạc nhiên”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tâm thần phân liệt có tuổi thọ trung bình bị rút ngắn khoảng 20 năm; và nhiều người chết sớm hơn vì viêm phổi và các bệnh do virus.
Nhưng sự sụt giảm tuổi thọ đó chủ yếu được cho là phản ánh của các hành vicũng như các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác thường đi kèm với bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm béo phì, bệnh tim và nghiện hút thuốc.
Norbert Müller, Giáo sư tâm thần học tại Đại học Ludwig Maximilian tại Munich (Đức) người không tham gia nghiên cứu nhận xét: “Đây là một nghiên cứu rất thú vị, đặc biệt là về vai trò của hệ thống miễn dịch”.
Một số nhà tâm thần học suy đoán rằng bệnh tâm thần phân liệt có liên quan đến sự kích hoạt của hệ thống miễn dịch và các phân tử tín hiệu tiền viêm được gọi là cytokine. Nguyên nhân phổ biến của các ca tử vong do Covid-19 là phản ứng quá mức của các cytokine đó, còn được gọi là bão cytokine.
Donald Goff và nhóm của ông hiện đang tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu liệu có lý do sinh học nào khiến bệnh nhân tâm thần phân liệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn không. Nhưng hiện tại, “điều quan trọng là phải thu hút sự chú ý của mọi người. Những người bị tâm thần phân liệt nên nằm trong số những người được ưu tiên tiêm vắc-xin” - Donald Goff nhấn mạnh.