Yêu thương vô bờ từ 'Món quà của cha'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ phim “Món quà của cha” đi đến hồi kết, luôn đem đến những giây phút xúc động về tình phụ tử được thể hiện qua những câu chuyện dung dị...

Yêu thương vô bờ từ 'Món quà của cha'

Bộ phim “Món quà của cha” đi đến hồi kết, luôn đem đến những giây phút xúc động về tình phụ tử được thể hiện qua những câu chuyện dung dị về tình thân, tình yêu thương...

Góc nhìn chân thực

“Món quà của cha” tái hiện bức tranh gia đình vắng bóng người mẹ. Đó là những câu chuyện bình dị về gia đình ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam) - làm nghề đóng quan tài, vớt xác chết đuối ở vùng quê, một mình nuôi 3 đứa con.

Những khó khăn của một ông bố “gà trống nuôi con”, dù yêu thương lo toan đến đâu, cũng không thể thay thế vị trí người mẹ; cũng không thể chu toàn mọi việc, khiến những đứa con có lúc nghĩ rằng mình không được yêu thương, quan tâm.

Bộ phim đưa ra góc nhìn chân thực và được đặt trong các mâu thuẫn rất đời thường khi đám trẻ lớn lên không được quan tâm đồng đều. Ông Nhân khiến Thảo (Ngọc Huyền) luôn cảm thấy vì mình là con gái nên không được bố ưu tiên như anh và em trai.

Có lúc cô so đo, ghen tị và thiếu chia sẻ với cha và anh em. Để rồi chỉ đến khi bước vào cuộc sống, gặp những khó khăn, toan tính Thảo mới hiểu rằng gia đình, tình thân và tình cha luôn là chỗ dựa bình yên nhất.

Với Nghĩa (Tuấn Tú), con trai lớn của ông Nhân, tưởng như có cuộc sống tốt đẹp, gia đình yên ấm ở thành phố với người vợ tên Quyên (Hương Giang), nhưng hóa ra mọi điều không như ý. Anh luôn mặc cảm, tự ti không kiếm được nhiều tiền bằng vợ, phụ thuộc và chịu sự soi xét quá đáng của mẹ vợ (NSND Minh Hòa).

Nghĩa cũng đã nỗ lực làm giàu, nhưng vì nóng vội mà sai lầm, gây nên bao sóng gió. Lúc gặp khó khăn nhất, ông Nhân giang tay chở che cho anh. Riêng với Hiếu (Duy Khánh), dù không phải con trai ruột, nhưng ông Nhân luôn yêu thương và đùm bọc, chở che...

Bộ phim đặt ông Nhân ở trung tâm các mối quan hệ, là trụ cột, điểm tựa, nơi để các con có thể “trở về” khi gặp bão giông nhưng cũng là nơi phát khởi những vấn đề khúc mắc trong cách hành xử của người cha với những đứa con.

Đồng thời, bộ phim đưa ra góc nhìn sát với đời sống hiện thực khi không chỉ khai thác mâu thuẫn thế hệ giữa cha - con, mà còn thẳng thắn nhìn nhận, phân tích mối quan hệ giữa anh - chị - em trong gia đình, khi mà, những đứa trẻ lớn lên trong sự quan tâm không đồng đều.

Một cảnh trong bộ phim 'Món quà của cha'. Ảnh chụp từ màn hình.

Một cảnh trong bộ phim 'Món quà của cha'. Ảnh chụp từ màn hình.

Tình yêu thương là…

Bộ phim “Món quà của cha” đặt ra không ít biến cố cho các nhân vật, từ đó gây ra không ít hiểu lầm, mâu thuẫn giữa bố - con, anh - chị - em. Mỗi người đều có những khó khăn, rắc rối riêng và phải đối mặt trực diện, có khi vượt qua nhưng cũng có khi phải trả giá đắt.

Có thể ban đầu họ không hiểu hết tấm lòng và sự hy sinh của người cha, nhưng qua hành trình trưởng thành, đối mặt với nhiều khó khăn, họ nhận ra tình yêu thương vô điều kiện từ cha để rồi đáp lại. Bởi vậy, sau dòng nước mắt tuôn rơi bởi đắng cay, xa xót là những nụ cười ấm áp, bao dung…

Không có nhiều tình huống bất ngờ hay điểm nhấn nhá, nhưng ngay từ ngày phát sóng những tập đầu tiên, bộ phim đã được khán giả yêu thích. Có lẽ, bởi cách dẫn dắt câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống đời thường. Các nhân vật trong phim đều có tính cách rõ ràng, ai cũng có những lỗi lầm, những chuyện khó nói và đều có những điểm đáng được trân trọng.

Đấy là sự cố gắng tập trung khai thác câu chuyện sinh hoạt đời thường, tâm tư tình cảm, mâu thuẫn, xung đột… để từ bộ phim, đâu đó khán giả thấy cuộc sống, tâm tư của mình và cả vướng mắc của mình trong từng tình huống, từ đó rút ra cách ứng xử cũng như bài học cho riêng mình.

Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ phim từ những câu chuyện nhẹ nhàng, mộc mạc, tươi sáng mà ăm ắp cảm xúc tình thân, đạo diễn còn muốn gửi đến khán giả thông điệp về tình yêu thương - chẳng bao giờ thiếu vắng trong gia đình song không phải lúc nào cũng đủ và công bằng.

Bởi thế, tên gọi “Món quà của cha” là trìu tượng, ẩn dụ chứ không phải gắn liền với món quà vật chất cụ thể. Khi đó, chỉ có thể là tình yêu thương, sự chăm lo, hy sinh hết mực của người cha dành cho các con.

Tuy nhiên, việc xây dựng các tình huống cho nhân vật ở bộ phim vẫn còn có “lỗ hổng”. Chẳng hạn, tình tiết rắc rối, tiêu cực xuất hiện quá dồn dập trong một tập gây cho khán giả cảm giác mệt mỏi, ức chế.

Gần đây, đề tài gia đình luôn là mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim. Nó là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức bởi chất liệu thì nhiều nhưng để làm hay, lấy được sự đồng cảm, chạm đến trái tim khán giả lại là câu chuyện không hề đơn giản.

Dẫu vậy, “Món quà của cha” đã vượt qua được thách thức đó khi đủ sức lôi cuốn khán giả đến những tập cuối. Và cũng thật khéo khi bộ phim khép lại đúng mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, góp thêm lời tri ân xúc động đến các bậc sinh thành.

Bộ phim nối sóng “Món quà của cha” là “Biệt dược đen” của bộ đôi đạo diễn Phạm Gia Phương và Trần Trọng Khôi. Thuộc series phim cảnh sát hình sự nên bộ phim sẽ kể câu chuyện điều tra, phá án, xoay quanh Tuấn - một cảnh sát thông minh, dũng cảm dám đối đầu trực diện với tội phạm nguy hiểm…

Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên: NSND Trần Đức, Bảo Anh, Huỳnh Anh, Lương Thanh, Hoàng Long, Huyền Trang, Bình An… “Biệt dược đen” được phát sóng lúc 21 giờ 40 phút các ngày thứ Hai, Ba, Tư hàng tuần trên VTV3, bắt đầu từ ngày 4/9.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ