Yêu con, đừng yêu cân nặng

GD&TĐ - Hãy cùng TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội bàn về một số chiêu khiến "con đói, con thích ăn" vừa đảm bảo sức khỏe lại đỡ công cha mẹ nhồi nhét gây tác dụng ngược.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không ít phụ huynh tự xác định con đã đói để nhồi con ăn bằng suy nghĩ chủ quan của mình. Điều mà các phụ huynh mong muốn nhất là con nuốt thật nhanh và tăng cân... Hệ lụy là tỷ lệ trẻ béo phì ở trẻ không ngừng tăng lên, khó kiểm soát.

Sau đây là một vài chiêu khiến "con đói, con thích ăn" mà TS. Vũ Thu Hương muốn chia sẻ cùng các bậc cha mẹ.

1. Lập thời gian biểu ăn hợp lý

Với người lớn, hệ thống tiêu hóa đã phát triển hoàn chỉnh cũng chỉ ăn 1 ngày 3 bữa. Lý do là thức ăn cần thời gian để tiêu hóa. Vì thế, bố mẹ đừng bắt con ăn 1 ngày 6 – 10 bữa. Điều đó sẽ khiến con luôn đầy bụng và hoảng sợ với việc ăn. Khi trẻ đã trên 1 tuổi, tốt nhất là chọn thực đơn 1 ngày từ 3 – 5 bữa cả chính lẫn phụ là đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

2. Thiết lập phản xạ có điều kiện

Với thời gian biểu đã xây dựng, cần cho con ăn đúng theo thời gian biểu để hình thành thói quen đói khi gần đến giờ ăn. Điều này vô cùng quan trọng. Tuân thủ đúng giờ cho ăn trong khoảng 1 tháng, chắc chắn trẻ sẽ bắt đầu có cảm giác đói khi gần đến giờ ăn.

3. Không cho con ăn vặt giữa các bữa ăn

Cha mẹ hãy nhớ rằng, những món ăn vặt đó chẳng mang lại lợi ích gì mà ngược lại sẽ làm con đầy bụng và chán ăn trong bữa ăn chính.

4. Cho con vận động, tập thể thao

Trẻ vận động nhiều để xả năng lượng và nhanh có cảm giác đói. Đừng cho con ngồi xem tivi hay những trò chơi tĩnh quá nhiều. Cha mẹ hãy hướng con vào các hoạt động nhảy nhót, chạy chơi. Các hoạt động đó sẽ khiến con chóng đói và ăn ngo miệng hơn.

5. Rủ con nấu ăn

Ngay cả khi con còn nhỏ, mỗi khi chuẩn bị bữa ăn, nếu cha mẹ cho con vào bếp để cùng ngửi mùi thơm thức ăn đang được chuẩn bị, con cũng sẽ được kích thích vị giác hơn là để con ở trên phòng ngủ hay phòng khách.

6. Chú trọng phần chế biến

Để con thèm ăn thực sự, cha mẹ hãy ra dáng một đầu bếp giỏi. Các mẹ nên tập trung vào phần việc này bởi vì chỉ có thức ăn vừa miệng và ngon thì mới làm con hào hứng ăn thôi. Nếu nấu một món con không ăn thì nên tìm cách đổi sang món khác. Kiên nhẫn đổi dù là nấu rất vất vả. Nhớ đừng cố "nhồi" con ăn món mà con ghét nhé.

7. Thay đổi thực đơn thường xuyên

Trẻ cũng "sành ăn" không khác gì người lớn. Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng tạo các hương vị khác nhau để kích thích con khám phá và thưởng thức món ăn mới.

8. Cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm

Con người muốn phát triển tốt cần đủ loại thực phẩm khác nhau. Các mẹ đừng tin có loại nào thay thế toàn bộ các loại khác. Hãy cho con ăn đủ theo đúng 5 nhóm: đạm, béo, bột, vitamin, chất xơ.

9. Cho con tập bốc thức ăn sớm

Tiếp xúc với thức ăn bằng đủ các giác quan sẽ giúp con cảm nhận thức ăn tốt và tiết ra nhiều dịch vị hơn. Các mẹ hãy rửa tay con thật sạch và cho con tập bốc ngay khi con mới vừa biết ngồi nhé. Tranh thủ lúc con tập bốc, các mẹ bón cho con ăn thì đảm bảo con sẽ ăn được nhiều hơn.

10. Hãy ngừng ngay khi con từ chối

Các mẹ đừng quá sốt ruột khi thấy con ăn ít. Thà ít mà chất còn hơn. Con lắc nghĩa là con đã chán rồi hoặc có thế món ăn đó không "khoái khẩu" với con. Đừng thấy con ốm, ăn kém mà hoảng sợ nhồi nhét con. Khỏi ốm con sẽ ăn trả bữa và lại tròn trịa như trước thôi.

11. Hãy bổ sung 1 chén sữa nhỏ

Nếu lượng ăn của con trong bữa ăn không nhiều, chén sữa sẽ làm dạ dày của con dãn dần ra. Vì thế, dần dần con sẽ ăn tốt hơn. Chú ý: sau khi bồi bổ sữa như vậy chừng vài tháng, các mẹ ngưng lại thì sẽ thấy con ăn được nhiều hơn.

12. Cho con uống nước đủ

Nước rất cần cho cơ thể. Khi con bài tiết dễ dàng, con sẽ khỏe mạnh và có nhu cầu ăn nhiều hơn. Đừng ép con uống cả cốc to, các mẹ cho con uống ít một thôi nhé.

13. Cho con ăn cùng cả nhà

Nhìn cả nhà ăn rất ngon miệng thì kích thích dịch vị của trẻ. Một cái ghế ăn đàng hoàng giống cả nhà và cùng ngồi ăn 1 lúc sẽ giúp con ăn ngon và nhiều hơn đấy.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, các mẹ trước nay thường chỉ quan tâm đến lượng thức ăn mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng bữa ăn. Một bữa con ăn ngon miệng dù ít cũng sẽ tăng cường sức khỏe hơn nhiều so với một bữa ăn bị nhồi nhét. Béo phì gây rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Các mẹ hãy ngừng lo lắng cho cân nặng!.

Kết quả điều tra mới nhất (2014-2015) về tình trạng trẻ thừa cân béo phì được tiến hành bởi TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố tại Hội thảo phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em, ngày 18/10/2017 cho thấy:

Tình trạng béo phì trẻ em từ tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tỷ lệ trẻ béo phì ở khu vực nội thành TP HCM hiện nay trên 50%, tại Hà Nội khoảng 41%.

Từ năm 1980-2013, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng hơn 27% ở người lớn và tăng đến 47% ở trẻ em. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%. 13 năm sau (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ