Những thách thức
Việc đổi mới chương trình GDPT đặt ra các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, phong cách, phẩm chất nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả dạy học theo năng lực, hướng tới phát triển năng lực người học. Chương trình GDPT tổng thể là cơ sở để phát triển chương trình các môn học và triển khai thực hiện chương trình giáo dục.
Vấn đề đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học là thách thức lớn khi chúng ta triển khai Chương trình GDPT mới. Căn cứ vào lộ trình triển khai, mỗi năm sẽ phải tuyển 2.000 giáo viên Tiếng Anh và 2.000 giáo viên Tin học. Một số môn học mới đưa vào chương trình, bắt buộc phải tuyển mới giáo viên.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 28.177 cơ sở GDPT với gần 15 triệu học sinh. Tuy nhiên, số phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, vùng sâu, vùng xa, miền núi, cơ sở vật chất lại càng thiếu thốn. Cả nước có gần 420.000 phòng học, phòng học kiên cố đạt 77,1% lại chủ yếu rơi vào thành phố hoặc địa phương KT-XH phát triển. Trung bình ở cấp tiểu học cứ 2,1 trường có 1 phòng máy tính, THCS là 1,3 và THPT 1,9. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu dạy và học thì riêng cấp THPT cần 2 phòng máy tính/trường, bậc tiểu học và THCS là mỗi trường một phòng máy.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cũng thừa nhận: Một yêu cầu quan trọng để triển khai Chương trình GDPT mới đó là cơ sở vật chất. Điều kiện tối thiểu là HS tiểu học học 2 buổi/ngày và 6 ngày/tuần, sĩ số 35 em/lớp. Quy định này tưởng chỉ trường học ở vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn, nhưng thực tế ngay cả Hà Nội, TPHCM cũng là thách thức, bởi mật độ dân cư đông, sĩ số tăng, trong khi quỹ đất trường hạn chế.
Ảnh minh họa |
Thay đổi để thích ứng với nghề
Rõ ràng, Chương trình GDPT mới yêu cầu đội ngũ thầy cô giáo phải tự đổi mới mình để thích nghi với đổi mới toàn diện của ngành. TS Nguyễn Phú Tuấn, Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển giáo dục cho rằng: “Trong thời đại hiện nay, trước yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triền năng lực, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục. Giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Người giáo viên không chỉ thường xuyên học hỏi, tiếp cận, nắm bắt để mở mang kiến thức, năng lực nghề nghiệp, mà còn đòi hỏi họ phải nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm nghề nghiệp chuyên môn, nâng cao trình độ về mọi mặt. Người giáo viên tiếp xúc, làm việc với đối tượng học sinh ở nhiều góc độ, vị trí khác nhau nên phải có năng lực quản lí, điều hành phù hợp. Người giáo viên còn tiếp xúc, làm việc với môi trường xã hội, kỹ năng và năng lực hoạt động xã hội cũng là một yếu tố giúp họ hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Đỗ Đức Trị, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nhận định: “Để tiến hành đổi mới Chương trình GDPT mới thì khâu quan trọng và quyết định là đổi mới giáo viên. Một số giáo viên chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, dạy học theo nhóm còn mang tính hình thức.
Có thể nói, khi triển khai đổi mới giáo dục, điều khiến nhiều người lo ngại nhất là đội ngũ giáo viên hiện nay đã chuẩn bị những gì, liệu có đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục? Bởi, một trong những điểm mới của chương trình các môn học trong Chương trình GDPT tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp HS giảm tải, nay nhiều giáo viên còn lúng túng. Chính vì vậy khi thực hiện chính sách mới, sách giáo khoa phổ thông mới sẽ tạo áp lực không nhỏ buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục”.
Dạy học nhằm phát triển năng lực người học
Trong nền giáo dục hiện đại, vai trò, chức năng của người giáo viên đã có sự thay đổi lớn. Thầy cô đảm nhận nhiều chức năng hơn so với trước đây. Họ có trách nhiệm nặng nề hơn trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, giáo dục, trong đó có cả ứng dụng CNTT, dạy học liên môn, tích hợp, chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức, sang việc tổ chức cho học sinh học tập, hoạt động rèn luyện. Người giáo viên phải huy động tối đa nguồn tri thức xã hội của bản thân để đáp ứng yêu cầu của người học. Yêu cầu sử dụng rộng rãi hơn phương tiện dạy học hiện đại, phương tiện truyền tin, do đó người giáo viên phải trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Cô giáo Nguyễn Thy Hường, Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự: Sự phát triển của kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật, những đổi mới của giáo dục đã tạo ra những yêu cầu mới đối với lao động sư phạm, đó là những áp lực từ nhiều phía đến người giáo viên. Một trong những định hướng quan trọng nhất của công cuộc “đổi mới toàn diện triệt để” giáo dục hiện nay là chuyển từ cách dạy nhằm truyền thụ kiến thức cho người học sang cách dạy nhằm phát triển năng lực của người học. Để phát triển năng lực cho người học thì phải đổi mới một cách cơ bản phương pháp dạy học.