Yêu cầu cấp bách rà soát, bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục

GD&TĐ - Tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 - 2017 diễn ra tại Hà Nội ngày 14/1, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&DT) đã có báo cáo cụ thể về công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp.

Yêu cầu cấp bách rà soát, bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục

Báo cáo nhấn mạnh, yêu cầu về rà soát, bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là cấp bách theo phân cấp trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ sở giáo dục do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Mạng lưới cơ sở giáo dục trong năm 2016 tăng nhẹ

Báo cáo này cho biết, năm 2016, số lượng cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là 45.306 cơ sở, tăng 367 cơ sở so với năm 2015 (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh có đào tạo sinh viên hệ dân sự).

Mạng lưới cơ sở giáo dục trong năm 2016 tăng nhẹ về số lượng so với năm 2015 đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân (cụ thể tăng 0,8%), trong đó số lượng cơ sở giáo dục tăng tập trung vào giáo dục mầm non với mức tăng là 1,8% do nhiều địa phương tăng cường cơ sở trường lớp học đáp ứng việc phổ cập 5 tuổi. Giáo dục phổ thông tiếp tục giữ vững về số lượng và đi vào ổn định.

Đối với các bậc học khác, năm 2016 không có sự khác biệt về số lượng cơ sở đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đây là năm đầu tiên số lượng cơ sở đào tạo được giữ ổn định phù hợp với định hướng hạn chế thành lập mới cơ sở đào tạo của Bộ.

Mạng lưới cơ sở phổ thông dân tộc nội trú có sự tăng nhẹ nhằm nâng cao trình độ đào tạo và phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số thông qua thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường dự bị đại học; mạng lưới cơ sở đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tính đến nay, cả nước có 22 trường đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Mạng lưới trường lớp hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi học, từng bước tạo điều kiện cho người dân trong các độ tuổi có cơ hội tiếp cận giáo dục.

Một số khó khăn, bất cập

Khó khăn, bất cập trong công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp cũng được báo cáo này nêu rõ.

Theo đó, đối với giáo dục mầm non, phổ thông, do giảm tỷ lệ phát triển dân số, những năm gần đây quy mô học sinh ở các cấp học giảm, dẫn đến giảm quy mô học sinh/trường học; một số tỉnh chưa có dự báo lâu dài về dân số nên đã có những quyết định sáp nhập, cắt giảm trường, có nơi không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Về nguyên tắc, ở các thời kỳ sau quy mô học sinh sẽ tăng tương ứng với tỷ lệ tăng dân số; việc giảm chỉ là tạm thời do nhiều yếu tố tác động, vì vậy cần được cân nhắc kỹ.

Việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường ở các địa phương chưa dựa trên cơ sở các nguyên tắc, định hướng nhất quán; vì vậy, còn có sự tiếp cận khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, đã xảy ra một số bất cập: nhập các trường mầm non vào trường tiểu học và trường trung học cơ sở không đúng với quy định của Điều lệ các nhà trường; xóa các điểm trường lẻ đưa tất cả học sinh lớp 1, lớp 2 đến ở nội trú trong trường là không phù hợp và ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý học sinh; chưa đảm bảo cơ sở vật chất, đặc biệt là nơi ăn, ở của học sinh bán trú dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho học sinh.

Vẫn còn thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Quy mô lớp/trường ở một số vùng nông thôn, miền núi còn nhỏ, ảnh hưởng đến công tác quản lý và hiệu quả đầu tư; trường mầm non, tiểu học khu vực miền núi nhiều điểm trường.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được quy hoạch hoàn chỉnh, nhiều nơi vẫn còn biến động; một số địa phương chưa thực sự quan tâm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, gây bức xúc ở một số nơi.

Mạng lưới cơ sở giáo dục công lập là chủ yếu (chiếm 93,6%); tỷ lệ các trường ngoài công lập có xu hướng giảm dần trong 10 năm trở lại đây, làm tăng nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.

Tình trạng thiếu đất cho xây dựng, mở rộng trường học tại các đô thị; trong khi đó một số chính sách khuyến khích về đất đai không được thực hiện trong thực tế, do quy hoạch giáo dục không được gắn với các quy hoạch khác.

Đối với khối đào tạo: Hệ thống cơ sở giáo dục đại học đang được phân bố theo vùng miền và địa phương; việc đầu tư cho giáo dục đại học dàn trải chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao.

Trong giai đoạn trước, hệ thống giáo dục đại học phát triển nhanh về số lượng cơ sở giáo dục đại học, quy mô đào tạo tăng nhanh nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được đầu tư phát triển tương xứng với quy mô đào tạo (điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu...), điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của giáo dục đại học, là một trong số các nguyên nhân khiến cho sản phẩm của giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Hệ thống giáo dục đại học mở và từ xa chưa được khai thác và tận dụng như một công cụ để đại chúng hóa giáo dục đại học, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập và đảm bảo học tập suốt đời.

Hệ thống giáo dục đại học chưa được phân tầng theo các định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng để xác định tỷ trọng giữa đào tạo/nghiên cứu khoa học/dịch vụ, làm căn cứ xác định trọng tâm đầu tư để có sản phẩm chất lượng cao; hệ thống giáo dục đại học chưa được phân loại về chất lượng giáo dục, do đó chưa có chính sách ưu tiên đối với nhóm cơ sở giáo dục đại học hoạt động hiệu quả hoặc chưa có đầu tư trọng điểm đối với cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên có đóng góp với tỷ trọng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ của đất nước.

Một số trường đại học ngoài công lập quy mô nhỏ, khó phát triển; nhiều trường cao đẳng, trung cấp không tuyển sinh được nên quy mô giảm.

Định hướng thời gian tới

Từ thực trạng trên, yêu cầu về rà soát, bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là cấp bách theo phân cấp trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ sở giáo dục do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai rà soát xây dựng bộ chuẩn, quy chuẩn quy hoạch cơ sở giáo dục cấp tỉnh, thành phố để hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương.

Xuất phát từ định hướng quan điểm, mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục đại học có hiệu quả, trong đó có phân loại các cơ sở giáo dục đại học theo chất lượng đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo, chức năng và sứ mạng, hình thức sở hữu, đảm bảo tập trung đầu tư để có các đại học đẳng cấp khu vực và quốc tế, hiện nay Bộ GD&ĐT đang triển khai rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sơ sở giáo dục đại học (trong đó có hệ thống các trường sư phạm) để thống nhất quan điểm, tầm nhìn và nâng cao hiệu quả của toàn hệ thống giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ