Yêu cầu cao với công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại địa phương

GD&TĐ - Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia 2017. Trên tinh thần thực hiện nghiêm Quy chế thi của Bộ GD&ĐT, mỗi địa phương đều có những điểm nhấn riêng với mục đích chung: Tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Yêu cầu cao với công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại địa phương

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường nhân lực cho bộ phận thu nhận, kiểm tra hồ sơ, nhập dữ liệu ĐKDT

Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị lãnh đạo các đơn vị triển khai gấp tăng cường hướng dẫn đăng ký tuyến sinh và nhập thông tin thí sinh lên hệ thống thi THPT quốc gia năm 2017.

Theo đó, cùng với việc tăng cường nhân lực cho bộ phận thu nhận, kiểm tra hồ sơ và nhập dữ liệu đăng ký dự thi lên hệ thống, Sở yêu cầu thực hiện kiểm tra dữ liệu đã nhập với hồ sơ đăng ký dự thi hàng ngày (ít nhất 1 ngày/1 lần) để bảo đảm không sai sót và không bị tồn đọng hồ sơ.

Tổ chức cho học sinh kiểm tra ngay kết quả đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển (đã cập nhật lên hệ thống) để kịp thời điều chỉnh ngay các sai sót (nếu có).

Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn học sinh kê khai các thông tin đăng ký xét tuyển: các nguyện vọng (mã ngành, tên ngành, tổ hợp môn xét tuyển,…) đúng với thông tin tuyển sinh đã được các trường ĐH, CĐ công bố tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: thituyensinh.vn và trang thông tin điện tử của cơ sơ sở đào tạo; khắc phục tình trạng thí sinh khai sai bị hệ thống từ chối quyền đăng ký xét tuyển do sử dụng các tài liệu hướng dẫn tuyển sinh không chính thống.

Ninh Bình: Bố trí điểm chờ cho thí sinh vào phòng thi

Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu các trường THPT/Trung tâm GDTX là nơi đặt điểm thi hoặc được giao chủ trì trong việc lựa chọn, chuẩn bị địa điểm coi thi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, trang thiết bị phục vụ cho kỳ thi; chọn nơi đặt điểm thi dự phòng đúng quy định, đặc biệt chú ý các điều kiện làm việc, điều kiện an toàn (phòng để bài thi, đề thi, hồ sơ thi...) của kỳ thi kể cả đối với điểm thi dự phòng.

Đặc biệt, Sở này yêu cầu bố trí 1 địa điểm cho thí sinh chờ đến giờ vào trường thi (gọi là điểm chờ). Căn cứ số lượng thí sinh dự thi (không phải là môn thi đầu tiên) của các bài thi tổ hợp, điểm chờ phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu: Gần nơi đặt điểm thi; dễ quản lý thí sinh ngồi chờ; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của điểm thi; đủ chỗ ngồi cho thí sinh, tránh được nắng, mưa và đủ các điều kiện để đảm bảo an toàn về người, tài sản của thí sinh; có biển chỉ dẫn, lịch thi, sơ đồ phòng thi, hiệu lệnh trống; bố trí nước uống, quạt mát cho thí sinh; bố trí 1 giáo viên làm nhiệm vụ quản lý học sinh.

Thủ trưởng các đơn vị nơi đặt các điểm thi hoặc được giao chủ trì trong việc lựa chọn, chuẩn bị địa điểm coi thi liên hệ với chính quyền, công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự của điểm chờ, khu vực thi, không để hiện tượng người dân, học sinh,… tụ tập quanh điểm thi, người không có nhiệm vụ không vào điểm chờ khi các buổi thi đang diễn ra. Đặc biệt thời điểm ngay trước và sau mỗi buổi thi.

Các phòng GD&ĐT cũng được yêu cầu chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất để các trường THCS là nơi đặt điểm thi (chính thức, dự phòng), nơi làm việc của các ban thuộc Hội đồng thi Sở GD&ĐT, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho kỳ thi.

Sở GD&ĐT lưu ý niêm phong các phòng học, phòng làm việc,... không sử dụng cho việc tổ chức thi; các phương tiện thiết bị in, liên lạc như máy vi tính kết nối mạng internet, máy photocopy, máy scanner (máy quét ảnh),... trong thời gian thi. Trước mỗi buổi thi, Trưởng điểm thi tổ chức cho kiểm tra toàn bộ trang thiết bị, phòng học, phòng làm việc không sử dụng đến.

Nhân viên bảo vệ, phục vụ, y tế (trừ công an, trật tự viên), tại mỗi điểm thi có tối đa 12 người. Ngoài các yêu cầu theo Quy chế thi, giáo viên đã, đang giảng dạy môn thi không được tham gia làm nhiệm vụ phục vụ. Mỗi điểm thi phải bố trí 1 phòng làm việc cho bộ phận phục vụ. Với mỗi buổi thi, kể từ khi bắt đầu làm việc cho đến khi kết thúc, nhân viên bảo vệ, phục vụ, y tế thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, vị trí được phân công, không được tụ tập, làm ảnh hưởng đến nội vụ, tổ chức, hoạt động của điểm thi.

Ngay sau mỗi buổi thi, Lãnh đạo trường phổ thông nơi đặt Điểm thi bố trí học sinh dọn vệ sinh trong các phòng thi, hành lang, sân trường,... đảm bảo cảnh quan sạch, đẹp.

Thái Nguyên: Nhất thiết phải bố trí công an tại các điểm thi

Hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia 2017 của Sở GD&ĐT Thái Nguyên giao hiệu trưởng các trường đặt địa điểm thi chủ động liên hệ với các đơn vị thi ghép để bàn bạc các công việc chuẩn bị cho kỳ thi như cơ sở vật chất, kinh phí, các điều kiện đảm bảo cho thi...

Đối với các đơn vị có học sinh đến thi ghép tại các trường THPT có trách nhiệm chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ, chính xác hồ sơ, thông tin tới học sinh về địa điểm thi và phối hợp với trường đặt địa điểm thi để chuẩn bị cho kỳ thi.

Các điểm thi cần có phương án để đảm bảo không ách tắc giao thông, nhất là ở khu vực cổng trường. Nhất thiết phải bố trí công an ở khu vực này để hướng dẫn học sinh tham gia giao thông và đảm bảo an ninh trật tự không để xảy ra tình trạng muộn thi.

Đặc biệt, Sở này nhấn mạnh yêu cầu các điểm thi cần có phương án bố trí các phòng thi theo bài thi hợp ký và dán hồ sơ phòng thi để học sinh, cán bộ coi thi dễ tìm. Trước cửa phòng thi, phải niêm yết danh sách thí sinh trong phòng thi của từng bài/môn thi và quy định trách nhiệm thí sinh theo quy định của Quy chế thi.

Phòng thi được sắp xếp theo bài thi, mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thi ssinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.

Riêng phòng thi cuối cùng của buổi thi ngoại ngữ, ở mỗi điểm thi được xếp các thí sinh dự thi ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo từng bài thi ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ