Công điện của Bộ Y tế cho biết trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/8/2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 6202/BYT-DP gửi các địa phương về việc tiêm chủng vắc xin trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, đồng thời ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để triển khai tiêm chủng chống dịch.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vắc xin đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.
Theo đó, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Thành phố Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao.
Các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành,...; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và bố trí nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị,...
Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy tối đa năng lực tiêm của các điểm tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Trong công điện, Bộ Y tế đề nghị 5 địa phương này hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế trước khi tham gia tiêm chủng; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.
Đối với những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng, tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.
Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
Tại các khu vực phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức triển khai tiêm chủng phù hợp với tình hình dịch bệnh và coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong tình hình hiện nay.
Tối 5/9, Bộ Y tế cập nhật cho biết, trong ngày 4/9, cả nước có 336.381 liều vắc xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm đến nay trên cả nước là 21.445.181 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 18.246.636 liều, tiêm mũi 2 là 3.198.545 liều.
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng cho biết, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai là 5 địa phương nằm trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp nhất tính theo số mũi tiêm/số vắc xin phân bổ theo quyết định