Những dấu ấn
Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với GD mầm non, GD phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái là dấu ấn lớn nhất 5 năm qua. Tổng kết Đề án giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã giảm 130 trường, giảm 478 điểm trường; giảm 90 lớp, tăng 20.482 HS, tăng 10.043 HS bán trú so với trước khi thực hiện Đề án.
Nói như đồng chí Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, việc hoàn thành Đề án đã giải quyết được những vấn đề bất cập trong việc tổ chức lớp học ở các điểm lẻ, sự bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục và chăm sóc trẻ. Thông qua việc thực hiện Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tinh giản đầu mối, biên chế và tiết kiệm chi phí chi thường xuyên bình quân khoảng 300 tỷ/năm, bố trí đầu tư trở lại cho GD.
Xác định nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia là nền tảng quan trọng thúc đẩy việc nâng cao chất lượng GD, Yên Bái đã nỗ lực thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020; đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Hiện nay, toàn tỉnh có 250 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 56,4% (trong đó: 94 trường MN, chiếm 52,5%; 31 trường tiểu học, chiếm 55,4%; 115 THCS, chiếm 63,2%; 10 trường THPT, chiếm 38,5%); Hoàn thành vượt chỉ tiêu (5 trường) Chương trình hành động số 190-CTr/TU của Tỉnh uỷ.
Chăm lo cho phát triển GD vùng dân tộc, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã cùng với ngành GD đề ra các quyết sách để không chỉ đáp ứng nhu cầu học của người dân mà còn nâng cao chất lượng GD.
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với 88 lớp, 2.997 học sinh. Năm học 2020-2021 quy mô 50 trường PTDTBT, 57 trường có HSBT; 25.705 HSBT, trong đó có 25.369 học sinh ở trong trường (đạt 98,8%) tăng 5,6% so với năm 2019. Có 4.279 học sinh THPT được hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP(tăng 222 HS), trong đó 775 em (tăng 462 HS) được ở bán trú trong trường (đạt 18,1%).
Đề cao tinh thần trách nhiệm
Nhà giáo Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&DT cho biết: "Qua công tác khảo sắt nắm tình hình thực tế địa phương, chúng tôi đã chủ động, tích cực tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển GD-ĐT. Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT, giai đoạn 2020-2025; HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển GD-ĐT, giai đoạn 2021-2025 và đề án phát triển GD-ĐT, giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí tạm thời về “trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái...
Từ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND cùng những nỗ lực cùa ngành GD, chất lượng GD đại trà của tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả tốt, tỷ lệ học sinh giỏi, khá - tăng so với năm học trước; chất lượng công tác GD dân tộc có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 tiếp tục đạt ở mức khá so với các đơn vị trong cụm thi đua số 5 và so với toàn quốc.
Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Năm 2020 có 27 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, tăng 3 giải so với năm trước. Yên Bái là tỉnh duy nhất trong 7 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc của Cụm thi đua số 5 - Bộ GD&ĐT có học sinh đoạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm 2020.