(GD&TĐ) - Sáng nay (21/3), tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh và 2 năm thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT). Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Văn Chiến cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, cán bộ, GV các trường.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Yên Bái là tỉnh miền núi có trên 75 vạn dân với 30 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Do đặc thù GD vùng cao giao thông đi lại khó khăn, nhiều điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa nên ảnh hưởng tới chất lượng GD&ĐT. Nhiều diểm trường lẻ, GV thiếu, quan tâm về GD của nhân dân còn hạn chế nên nhiều xã vùng cao, vùng sâu tỷ lệ huy động HS ra lớp còn thấp, chất lượng GD vì thế không ổn định.
Tuy nhiên, kể từ khi triển khai Nghị quyết số 22 và Quyết định số 85, cùng với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương các cấp, hệ thống trường phổ thông DTBT tỉnh Yên Bái đã có bước tiến rõ rệt và là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT. Toàn tỉnh đến nay có 38 trường phổ thông dân tộc bán trú, đạt 52, 78% kế hoạch, thu hút trên 10.200 HS theo học bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong đó có hơn 7.000 em được ở bán trú tại trường, vượt mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2015. HS nữ người dân tộc được đi học năm sau cao hơn năm trước.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thăm trường Mầm non Hoa Ban xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu |
Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái Trần Xuân Hưng:- Nhà nước đã đầu tư cho Yên Bái trên 150 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chât và hỗ trợ cho HS bán trú. Nguồn XHH toàn tỉnh đạt gần 6 tỉ. - Toàn tỉnh hiện có 38 trường phổ thông DTBT với 10.200 HS. - Mục tiêu đến năm 2015 Yên Bái có tổng số 54 trường phổ thông DTBT, có nghĩa trong 2 năm tới chúng tôi cần phát triển thêm 22 trường |
Thực hiện đề án nhiều đơn vị, địa phương đã có những sáng kiến phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao, xã Trạm Tấu của huyện vùng cao Trạm Tấu đã đi đầu trong việc xây dựng “kho thóc khuyến học” bằng cách vận động cán bộ và người dân trong xã quyên góp, ủng hộ. Trung bình mỗi năm ủng hộ được 8 tấn thóc và trên 20 triệu đồng tiền mặt để giúp đỡ các em HS có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi chưa được hỗ trợ của Nhà nước.
Nhằm chăm lo và cải thiện đời sống cho HS, tất cả các trường đều có nhân viên cấp dưỡng, trong đó 32 trường đã tổ chức nấu cho học sinh ăn 3 bữa/ngày. Toàn tỉnh có 192 nhân viên cấp dưỡng đảm nhiệm công việc nấu ăn cho HS. Hầu hết các trường đều bố trí diện tích đất trồng rau và nhiều trường đã tổ chức cho HS chăn nuôi gà, lợn, thỏ để cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng lao động cho HS.
Trưởng phòng GD&ĐT Trạm Tấu Phạm Mạnh Tưởng cho biết: Sau 3 năm triển khai đề án, huyện Trạm Tấu đã có 10 trường phổ thông DTBT TH và THCS, thu hút trên 3.500 học sinh, tỷ lệ học HS đi học chuyên cần tăng cao, từ 80-85% đến nay là 99%. Bên cạnh nguồn hỗ trợ theo quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã vận động mỗi cán bộ công chức ủng hộ tối thiểu là 20 kg gạo, nhân dân mỗi hộ đóng 15 kg gạo trở lên vào “kho thóc khuyến học” để hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh khó khăn không được hưởng chế độ bán trú. Theo đó đã có trên 18 tấn thóc và trên 180 triệu đồng tiền mặt ủng hộ vào quỹ khuyến học này... nhờ đó số học sinh có phòng ở ngày một tăng, các chế độ chính sách đối với HS và GV dạy bán trú được đảm bảo và kịp thời...
|
... Và tặng quà cho HS Trường phổ thông DTBT (TH và THCS) |
Tuy nhiên, việc triển khai đề án này trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng gặp không ít khó khăn bởi trường DTBT trên địa bàn tỉnh không phải là trường mới được thành lập, mà là những trường được chuyển đổi từ các trường phổ thông, do đó cơ sở vật chất phục vụ cho HS bán trú như phòng ở, giường tầng, bếp nấu, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch …đều thiếu thốn. HS thuộc diện hộ nghèo toàn tỉnh chiếm gần 20%, chất lượng đầu vào thấp, công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú nhiều khó khăn... ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học và chăm nuôi.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận và biểu dương phong trào phát triển hệ thống trường phổ thông DTBT của tỉnh Yên Bái. Thứ trưởng mong muốn, ngoài việc dạy học và chăm nuôi tốt cho HS, các nhà trường cần tăng cường hoạt động TDTT, tạo điều kiện cho HS được giao lưu, tăng khả năng tiếng Việt, đặc biệt rèn kỹ năng sống.
Có thể nói sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông DTBT của tỉnh Yên Bái trong những năm qua là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng GD vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề xuất, kiến nghị: - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Văn Chiến: Cần tập huấn cho đội ngũ CB, GV, cán bộ quản lý có tâm thế và phương pháp dạy HS ở trường bán trú, tăng cường kỹ năng sống…cho HS. - Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT Trạm Tấu Nguyễn Duy Tiến: Đề nghị biên chế quản sinh, nhân viên cấp dưỡng và tăng mức chi trả cho nhân viên nấu ăn. - Trưởng phòng GD&ĐT Văn Chấn: Đề nghị hỗ trợ cho HS bán trú 10 tháng/năm thay vì 9 tháng như hiện nay vì học sinh miền núi thực học bắt đầu từ tháng 8. - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Giàng A Thào: Đề nghị đầu tư nhanh tiến độ xây dựng nhà ở HS cùng các công trình phục vụ khác…vv. |
Việt Hoa