Mới đây, anh Khaled Ziad, nhiếp ảnh gia người Yemen đã chia sẻ bức ảnh chụp một phòng học tại làng Hays, tỉnh Hodeidah. Phơi bày khó khăn trong tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở Yemen, bức ảnh ghi lại cảnh khoảng 50 trẻ em ngồi san sát giữa một căn phòng không có mái che, bàn ghế hay sách vở.
Anh Ziad cho biết: Những đứa trẻ này vẫn tương đối may mắn vì còn có giáo viên và có phòng học. Một số trẻ em ở Yemen đã 10 tuổi nhưng chưa từng được đi học. Vì gia đình quá nghèo khó, không có tiền ăn uống hay thuốc men nên những đứa trẻ buộc phải nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ.
Theo anh Ziad, hầu hết trẻ em tại làng Hays được học đọc viết, làm toán cơ bản. Các em đến từ nhiều khu vực khác nhau khi gia đình cố gắng chạy trốn khỏi các cuộc xung đột.
Bảy năm sau cuộc chiến tranh thảm khốc dẫn đến khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, xung đột tại Yemen chưa có dấu hiệu kết thúc. Tương lai của thế hệ trẻ đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Theo Hội Chữ thập đỏ, khoảng 3 triệu trẻ em Yemen không thể đến trường. 8,1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp.
Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về nạn đói ở Yemen vì chưa đủ dữ liệu có căn cứ. Tuy nhiên, ước tính khoảng 50% dân số nước này, tương đương 16,2 triệu người, đang bị mất an ninh lương thực.
Tình trạng đói nghèo biến động khiến 2,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Hệ thống miễn dịch suy yếu cũng khiến trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh tả, sốt xuất huyết. Do đó, Covid-19 là căn bệnh mà họ ít quan tâm nhất hiện nay.
Tuổi thơ của trẻ em Yemen cũng ngày càng rút ngắn. Độ tuổi kết hôn trung bình của trẻ em gái ở một số vùng nông thôn là 14 tuổi trong khi trẻ em trai 11 tuổi đã phải nhập ngũ.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), các bên tham chiến đã tấn công trường học ít nhất 231 lần kể từ tháng 2/2015. Học sinh không cảm thấy an toàn trong lớp học, cũng không được tiếp cận những nguồn hỗ trợ cần thiết khi đến trường. Nhiều năm trôi qua, những ngôi trường, những lớp học bị phá hủy không được dựng lại khiến trẻ em không có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục chất lượng.
Đặc biệt, tại một số khu vực, nhiều giáo viên, bác sĩ đã không được trả lương nhiều năm nên họ vẫn tiếp tục làm việc miễn phí. Ước tính, Yemen có khoảng 170.000 giáo viên tại các trường tiểu học, trung học nhưng khoảng 2/3 số này không nhận lương thường xuyên.
Anh Ziad cho biết: “Giáo viên chia sẻ rằng dù không có lương, điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng họ nhận thấy trách nhiệm tiếp tục làm việc. Nếu họ bỏ cuộc, thảm họa đối với thế hệ trẻ sẽ là rất lớn”.
Sống ở thành phố Hodeidah gần làng Hays, anh Ziah hy vọng công việc nhiếp ảnh gia của mình sẽ giúp thế giới hiểu được những bi kịch đang diễn ra ở Yemen. Anh không ngừng lo lắng con trai hay những đứa trẻ khác ở Hodeidah không thể có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu cuộc sống vẫn tiếp diễn như hiện tại.