Tính chất kỳ thi là quan trọng, bởi nó không đơn thuần là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; mà còn làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Kết quả dạy và học qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đáng tin cậy để chúng ta điều chỉnh chương trình cho phù hợp, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chưa kể, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học cũng tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Vì quan trọng, nên ngoài tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, tiêu chí an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu khi tổ chức kỳ thi. Hai chủ thể quyết định điều này chính là thí sinh và những người tham gia làm công tác tổ chức thi.
Với thí sinh, ngoài chuẩn bị kiến thức vững vàng, tâm thế tốt, khi bước vào kỳ thi, 2 hành trang phải nằm lòng chính là nắm vững, tuân thủ quy chế thi và ý thức phòng chống dịch.
Nắm vững quy chế để không quên giấy tờ, thủ tục; tránh được những nhầm lẫn đáng tiếc có thể ảnh hưởng đến kết quả thi. Nắm vững quy chế để bước vào phòng thi với tâm thế “sạch”, loại bỏ mọi ý định vi phạm, gian lận. Ý đồ gian lận khiến thí sinh phân tâm khỏi mục tiêu quan trọng nhất là huy động kiến thức cho bài làm; và khi hành vi xảy ra, hình thức kỷ luật rất nặng nề.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, mỗi thí sinh không thể xao nhãng ý thức phòng chống dịch. Một phút vui vẻ vì gặp lại bạn bè, một phút nóng lòng trao đổi bài với bạn sau giờ thi cũng sẽ khiến thí sinh quên đi khuyến cáo 5K của ngành Y tế vốn được thầy cô nhiều lần nhắc nhở.
Với chủ trương tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, những thầy cô làm công tác thi luôn gánh phần vất vả về mình. Chỉ 2 ngày thi chính thức, nhưng công sức chuẩn bị là quá trình dài hơi, với nỗ lực của nhiều lực lượng. Mỗi thầy cô làm thi, dù ở vị trí nào cũng gánh một trách nhiệm rất lớn để làm sao phải thật tròn vai, không sai sót.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, hơn 100 thí sinh ở 3 tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, Bình Phước phải làm lại bài thi vì lỗi nghiệp vụ của cán bộ coi thi. Cụ thể, ở Điện Biên, cán bộ coi thi phát đề chậm. Tại Bắc Ninh, giám thị của một phòng thi ký nhầm vào ô dành cho cán bộ chấm thi; Bình Phước, cán bộ coi thi không kiểm tra lại danh sách thí sinh phải dự thi nên không kịp thời phát hiện 1 thí sinh không được miễn thi môn Địa lý.
Bài học của năm 2020 còn nóng hổi. Tuy nhiên, thực tiễn thường đa dạng và những sai sót nảy sinh cũng vậy. Hiện mọi hướng dẫn với thầy cô đã được lưu ý rõ đến từng vị trí, từng việc, từng bước. Cách duy nhất tránh được sai sót là mỗi thầy cô cần nắm thật vững quy chế, hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến phần việc của mình; phát huy tinh thần trách nhiệm và đặc biệt bình tĩnh trong xử lý tình huống.
Khi mỗi người, từ thí sinh đến cán bộ làm thi nghiêm túc, trách nhiệm với phần việc của mình, chắc chắn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thành công, dù trong khó khăn vì dịch bệnh.