(GD&TĐ) - Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1. Ngay trong ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đã đến Bắc Giang kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống bệnh cúm A/H7N9. Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật mức độ nguy hiểm của bệnh cúm A/H7N9, A/H5N1 cũng như tác hại của việc vận chuyển và tiêu thụ gia cầm lậu.
Ảnh MH |
Thông tin về số người thiệt mạng do bệnh cúm A/H7N9 từ Trung Quốc liên tục được cập nhật. Tân Hoa Xã vừa thông báo có thêm 2 trường hợp tử vong vì cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc, nâng tổng số người chết vì loại vi rút quái ác ở nước này lên 13 người; thêm 11 ca nhiễm vi rút A/H7N9, nâng tổng số người bị nhiễm bệnh lên 60. Thông tin từ Cơ quan thú y vùng 6 khẳng định tình trạng chim yến nuôi bị chết do nhiễm vi rút A/H5N1 ở Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã đủ điều kiện công bố dịch...
Ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh cúm A/H7N9 và A/H5N1, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội đang ra sức nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia kiểm tra chặt chẽ các nguồn gia cầm từ các nông trại, lò mổ, chợ búa..., nhằm chặn đứng dịch bệnh bảo vệ sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, trong lúc các nhà khoa học đang lo ngại khả năng phát tán của vi rút A/H7N9 rất cao do các loài chim di cư thì trên mặt đất, khả năng phát tán bệnh cúm gia cầm cũng đến hồi báo động bởi ý thức phòng bệnh của không ít người dân quá kém. Cách đây vài hôm, khán giả của Đài truyền hình Việt Nam được chứng kiến cảnh một cháu bé ở trần đang dầm mình trong chậu với những con gia cầm đang làm sạch tại một lò mổ mà kinh hãi.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là không ít người vì hám lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng - vận chuyển gà thải loại từ Trung Quốc về nước tiêu thụ. Chỉ riêng tỉnh Bắc Giang, theo thông tin từ Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ cuối năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ, xử lý 14 vụ vận chuyển kinh doanh gia cầm nhập lậu, phạt hành chính trên 29 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy gần 2.000 kg gà mái thải loại Trung Quốc, 23.600 con gà giống nhập lậu, 273 kg chim bồ câu đã sơ chế và 900 con chim bồ câu Trung Quốc. Ai cũng biết rằng số gia cầm nhập lậu bị các cơ quan chức năng bắt giữ là rất nhỏ so với số gia cầm nhập lậu được tiêu thụ ở nước ta. Để trục lợi, những kẻ buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc đã sử dụng đủ các chiêu trò từ khuân vác, chở xe máy, xe ô tô qua biên giới. Mới đây, cơ quan chức năng bắt giữ vụ chở gà loại thải Trung Quốc bằng cả xe ô tô hạng sang từ Lạng Sơn về Hà Nội. Thật khó có thể chấp nhận được.
Trong lúc cả nước đang phải gồng mình chống lại dịch bệnh quái ác, ý thức công dân của nhóm người này ở đâu?
Ngọc Duy