Y học và những điều kỳ diệu

GD&TĐ -Tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu và với bất kỳ ai. Tai nạn thương tích đôi khi chỉ để lại vết xước nhẹ nhàng, vết thương phần mềm nhưng cũng có thể lấy đi một bộ phận cơ thể.Trước kia, những trường hợp trên thường nhận được cái lắc đầu của bác sĩ bởi kỹ thuật kinh điển chỉ có thể gắn kết nhưng không làm những bộ phận bị đứt rời sống lại. Nhưng nay, khi kỹ thuật vi phẫu ra đời, mọi chuyện đã khác.

Bàn tay đứt rời của bé gái sau khi được các bác sĩ tái phục hồi, nối liền.
Bàn tay đứt rời của bé gái sau khi được các bác sĩ tái phục hồi, nối liền.

Hồi sinh sự sống cho bộ phận đã... chết

Bé gái 31 tháng tuổi sinh sống tại Hà Giang trong lúc chơi đùa không may bị máy cắt cỏ cắt đứt rời bàn tay trái. Bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, cầm máu vết thương, bảo quản bàn tay đứt rời trong đá lạnh và chuyển bệnh nhi về bệnh viện tuyến cuối.

Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108,  nhận định giờ “vàng” để nối lại bộ phận bị đứt rời không còn nhiều, các bác sĩ khoa Phẫu thuật bàn tay và vi phẫu bắt tay ngay vào công việc. Sau gần 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã trồng lại bàn tay bị đứt rời cho bé gái cho dù trước đó cả ê kíp đều nhận định đây là trường hợp khó.

Khó do yếu tố chủ quan bởi bệnh nhân còn bé nên mạch máu rất nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kinh nghiệm của các kỹ thuật viên. Hơn nữa, thời gian bàn tay bị đứt rời khá lâu nên khả năng sống lại không cao trong khi bệnh nhi có thể gặp nhiều  biến chứng ngay từ khâu gây mê đến phẫu thuật và hậu phẫu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, bàn tay bệnh nhi đã sống lại và dần hồi phục nhờ phục hồi chức năng.

Hồi phục kỳ diệu cũng là nhận định của bệnh nhân không may bị đứt vành tai sau khi được các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) phẫu thuật.

Sự ra đời của kỹ thuật vi phẫu kết hợp bàn tay tài hoa của bác sĩ đã đem lại niềm vui, đôi khi là điều kỳ diệu cho nhiều người. Ngày nay, kỹ thuật vi phẫu tham gia vào hầu hết ca phẫu thuật, từ tạo hình thẩm mỹ đến điều trị các dị tật bẩm sinh ở tai và nhiều bộ phận khác của người lớn và trẻ nhỏ.  

Bệnh nhân 27 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng vành tai trái bị cắn đứt cùng nhiều vết xước gây chảy máu ở vùng mặt. Theo kết luận của bác sĩ  qua thăm khám, bệnh nhân bị mất toàn bộ vùng gờ luân và một phần dái tai và lộ sụn vành tai. Những tổn thương trên có khả năng gây nhiễm trùng, mất thẩm mỹ, hạn chế khả năng nghe của bệnh nhân.

Phẫu thuật để giảm tổn thương là yêu cầu cấp thiết nhưng vành tai bị đứt rời không được tìm thấy đẩy bác sĩ vào tình thế khó. Nhưng y lệnh được đưa ra, các bác sĩ tiến hành làm sạch vết thương, cắt lọc phần nham nhở, cầm máu, dùng kháng sinh, chống viêm trước khi phẫu thuật tái tạo lại vành tai nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như phục hồi chức năng hứng sóng âm của vành tai.

Theo ThS, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật  tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), do không tìm thấy phần tai bị đứt rời nên ê kíp quyết định sử dụng phần vạt da sau tai để tái tạo vành tai cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tai là bộ phận cấu tạo phức tạp nên ca phẫu thuật diễn ra 2 lần. Lần 1, bác sĩ dùng trụ da sau tai để che phủ tổn thương. Lần 2, bác sĩ cắt cuống vạt trụ da và tạo hình vành theo không gian 3 chiều để đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm. Hai ca phẫu thuật cách nhau hơn 20 ngày. Trong thời gian này, cả bác sĩ và bệnh nhân đều nín thở bởi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại là tai nạn hi hữu, đòi hỏi kỹ thuật vi phẫu cao. Không phụ lòng mong đợi, điều kỳ diệu đã đến, vành tai của bệnh nhân sau phẫu thuật gần như hoàn chỉnh. Vui hơn nữa là khả năng nghe của người bệnh được phục hồi gần như hoàn toàn.

Bàn tay “phù thủy làm nên điều kỳ diệu

Bàn tay đứt rời của bé gái nay linh hoạt trở lại. Vành tai của bệnh nhân được tái tạo như cũ... là thành tựu của kỹ thuật vi phẫu mang lại. Cùng với đó là sự tài hoa của bàn tay bác sĩ. Những bàn tay được người bệnh ví như của “phù thủy” bởi khả năng biến không thành có, biến bộ phận tưởng như đã chết nay sống lại, hoạt động như bình thường. Điều mà trước đây, kỹ thuật kinh điển phải lắc đầu chịu thua.

ThS, bác sĩ Nguyễn Đình Minh cho biết: Kỹ thuật vi phẫu ra đời đã khắc phục được điểm yếu của phẫu thuật kinh điển.  Với sự hỗ trợ của kính hiển vi phóng đại tới 20 lần, bác sĩ và kỹ thuật viên có thể nhìn rõ hơn tổn thương, từ đó đánh giá chính xác tình trạng bệnh cũng như xử lý tổn thương nhỏ nhất. Trong nhiều năm qua, vi phẫu đã góp phần làm nên thành công của y học nước nhà, đem lại niềm vui cho người bệnh. Đó là người không may bị đứt lìa các bộ phận cơ thể hay người bệnh trải qua phẫu thuật ghép gan, thận cần nối những mạch máu li ti mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Kỹ thuật hiện đại là một phần. Phần quan trọng tạo nên thành công của ca vi phẫu là khả năng chẩn đoán, tiên lượng bệnh và bàn tay khéo léo của bác sĩ. Theo ThS, bác sĩ Minh,  phẫu thuật tái tạo vành tai là dạng phẫu thuật phức tạp và khó thực hiện. Bởi vành tai có cấu trúc đặc biệt bao gồm lớp sụn mỏng ở giữa có hình dáng lồi lõm, bao phủ hai mặt sụn là lớp da mỏng… Hơn nữa, phẫu thuật này đòi hỏi tính thẩm mỹ cao nên những người thực hiện có kinh nghiệm và gu thẩm mỹ tinh tế để vừa trả lại hình dáng, chức năng cho tai nhưng cũng khéo léo giấu  các vết sẹo do phẫu thuật để lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.