Y học hạt nhân có thể coi là một trong những phương pháp đột phá trong điều trị ung thư. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS.BS Lê Ngọc Hà - Chủ nhiệm Khoa Y học Hạt nhân (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Hiện nay ở Việt Nam, y học hạt nhân đã được ứng dụng để chẩn đoán và điều trị những bệnh nào – thưa PGS?
- Hiện nay y học hạt nhân đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị rất nhiều các bệnh lý ở các chuyên khoa khác nhau.
Trước kia nói đến y học hạt nhân người ta cũng chỉ nghĩ đến chẩn đoán trong ung thư tuyến giáp hoặc là chẩn đoán về đánh giá chức năng thận, hay là gần đây người ta nói về vai trò của y học hạt nhân trong ung thư.
Tuy nhiên trong thực tế ở Khoa y học hạt nhân Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, y học hạt nhân được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau như:
Tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết và bệnh lý xương khớp, ung thư và kể cả trong nhi khoa chúng tôi cũng đang ứng dụng trong rất nhiều chuẩn đoán ở bệnh nhân. Có thể nói y học hạt nhân đã được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực trong y học.
Ngay cả trong điều trị, y học hạt nhân cũng đã được ứng dụng phóng xạ i - ốt 131 để điều trị những bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa sau khi phẫu thuật, điều trị bệnh bazơđô, điều trị giảm đau di căn do ung thư xương, đặc biệt gần đây y học hạt nhân có những ứng dụng mới trong điều trị tắc mạch bằng vi cầu có gắn phóng xạ và đã đạt kết quả rất đáng khích lệ.
Thực tế cho thấy, khi nhắc đến điều trị bệnh bằng y học hạt nhân nhiều người nghĩ ngay đến sự nguy hiểm và những tác dụng phụ cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Vậy PGS có thể cho biết thực hư câu chuyện này là như thế nào?
- Đúng là trong thực tế, đã có những lo lắng của dư luận, của các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về liệu pháp điều trị này có ảnh hưởng gì đến môi trường, bản thân bệnh nhân và những người xung quanh không?
Phải khẳng định như thế này, bất kỳ một bác sĩ nào kể cả đang làm việc trong lĩnh vực hạt nhân và các lĩnh vực khác luôn luôn phải cân đối giữa việc điều trị hoặc chẩn đoán để lại những lợi ích nhiều hơn là những rủi ro mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Tất cả những kỹ thuật y học hạt nhân nếu được sử dụng đúng thì không gây ra những mối nguy hiểm hay những tác dụng biến chứng nguy hiểm nào; thậm chí có những nghiên cứu trên thế giới cho thấy:
Phản ứng dị ứng ở những thuốc liên quan đến phóng xạ còn thấp hơn những thuốc thông thường. Vì vậy khi còn băn khoăn thì mọi người có thể đến gặp bác sĩ y học hạt nhân để được tư vấn cũng như biết đến phương pháp sử dụng y học hạt nhân trong điều trị.
Điều trị bằng y học hạt nhân chống chỉ định với những đối tượng nào – thưa PGS?
- Trong y học hạt nhân thông thường chống chỉ định sử dụng các chất phóng xạ cho những người phụ nữ mang thai hoặc những người phụ nữ đang cho con bú.
Bởi vì có thể nồng độ phóng xạ các chất phóng xạ đào thải qua sữa hoặc qua các đường khác ảnh hưởng đến những cháu bé, còn lại thì cũng không có những chống chỉ định gì.
Đối với bệnh nhân điều trị i-ốt 131 ung thư tuyến giáp thì sau khi sử dụng liều khá cao thì khuyến cáo là sau khi điều trị ít nhất là 12 tháng mới nên có thai.
Sau thời gian này nếu có thai sẽ không ảnh hưởng gì đến những biến đổi về mặt di truyền cũng như gây ra những tác dụng phụ thai phụ và em bé.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc và sau khi sử dụng thì chúng tôi luôn luôn tư vấn cho bệnh nhân và với những trường hợp đã đang mang thai mà các mẹ chót sử dụng dược chất phóng xạ rồi thì tùy theo từng loại dược chất phóng xạ khác thì sẽ có ảnh hưởng khác nhau.
Lúc này bắt buộc các bạn phải đến gặp bác sĩ y học hạt nhân để được tư vấn. Và trước khi điều trị thì bao giờ chúng tôi cũng phải làm test thử thai để đảm có những tư vấn và phương sử dụng phóng xạ hợp lý.
Vậy theo PGS, Y học hạt nhân có thực sự là bước đột phá trong ung thư hay không?
- Như tôi đã nói ung thư là một lĩnh vực được ứng dụng y học hạt nhân rất nhiều và cũng cần nói thêm rằng, y học hạt nhân có thể ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực y học khác như: Tim mạch, tiêu hóa, tâm thần, xương khớp, thậm chí ở những bệnh nhân trẻ như: Trẻ em trong lĩnh vực y khoa.
Tuy nhiên, khi nhắc đến y học hạt nhân dường như người ta chỉ biết rằng nó có liên quan đến bệnh ung thư. Trong ngành y học hạt nhân thì nó có một chương 1 phần y học hạt nhân trong chẩn đoán điều trị ung thư.
Trong những năm gần đây, có những công nghệ mới giúp cho việc chẩn đoán ung thư đạt chất lượng cao hơn trước và đánh giá được giai đoạn theo dõi điều trị. Đồng thời quán xuyến được kết quả từ khi chẩn đoán ban đầu đến trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đem lại hiệu quả rất tốt.
Bên cạnh đó, y học hạt nhân cũng sử dụng các đồng vị phóng xạ để điều trị các bệnh ung thư khác nhau nhưng ở trung tâm chúng tôi cũng như một số trung tâm khác ở Việt Nam, ứng dụng y học hạt nhân i-ốt 131 điều trị tuyến giáp có thể đem lại kết quả rất cao, tỷ lệ sống thêm sau 10 năm của bệnh nhân khoảng từ 90 đến 95%.
Hoặc gần đây chúng tôi ứng dụng những hạt vi cầu cũng đem lại những hiệu quả nhất định, giúp kéo dài thêm thời gian sống của bệnh nhân ung thư gan.
Xin cảm ơn PGS!