Trong khái niệm/phạm trù văn hóa vốn được hiểu rất rộng (có hàng trăm định nghĩa), thì ba thành tố sau là then chốt, căn cơ và chân tủy: Giá trị - bản sắc - ứng xử.
Một cách hiểu văn hóa giản dị nhất, thực tiễn nhất: Văn hóa chính là “cách sống cùng nhau”. Ví dụ như câu tục ngữ điển hình “Chị ngã, em nâng”. Theo lẽ thông thường thì “Em ngã, chị nâng” (người trên nâng đỡ người dưới). Một người nào đó ngã là đang gặp tai nạn, cần cứu hộ, chữa trị thuốc thang và chăm sóc.
Nhưng trước khi gặp thầy thuốc thì hành động ứng xử (nâng) của người thân (lại là người dưới) được coi là văn hóa, hay gọi là “Y đức”, “Y đạo”. Khi người gặp nạn hay bị bệnh đến gặp được thầy thuốc giỏi, thì người cứu chữa người gặp nạn có “Y thuật”.
Giáo lý Phật có câu “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”. Khi bàn về văn hóa trong nghĩa rộng của từ này, chúng ta thường xác tín “Tột cùng văn hóa là con người”, nó giống như một định đề (tiên đề) trong toán học. Ngày nay, hành khách đi trên các phương tiện giao thông thường đọc thấy câu khẩu hiệu “Tính mạng con người là quan trọng nhất”.
Truyền thống “Y đức - Y đạo - Y thuật” trong quá khứ đã được đúc kết trong lý thuyết và thực hành của vị Đại danh y, vị Thánh y, ông tổ Đông y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791).
Trong tác phẩm “Y Tông tâm lĩnh”, vị Đại danh y Việt Nam đã viết: “Về cơ bản, y học là một phương tiện để thực hiện đức nhân. Y học tìm cách cứu sống, chia sẻ vui buồn của người khác.
Nhiệm vụ của y học là cứu người không vì lợi, vì danh. (...). Đối với đồng nghiệp, ta nên khiêm nhường học nhã, giữ gìn thái độ không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi thì kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt họ”.
Trong nền y học hiện đại Việt Nam, bác sĩ Đặng Văn Ngữ ( (1910 - 1967) là một tấm gương điển hình của “Y đức - Y đạo - Y thuật”. Ông là Giáo sư đầu ngành về Ký sinh trùng học.
Vì những cống hiến to lớn vào nền Y học dân tộc thời đại cách mạng và chiến tranh, nhà khoa học đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ. Công trình sản xuất “Nước lọc Penicillin” của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Nhờ đặc phẩm tối ưu này nên tám mươi phần trăm thương binh nặng có thể trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu mà không bị cưa chân tay. Đồng thời, ông là một trong số ít người thời đó có ý tưởng sản xuất vắc-xin phòng chống sốt rét; cùng đồng nghiệp miệt mài và dày công nghiên cứu, tìm ra muỗi An.sinensis - thủ phạm chính gây bệnh sốt rét và triển khai các phương pháp phòng, diệt, phục vụ đắc lực và hiệu quả quân và dân trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ là một tấm gương về tinh thần “dĩ công vi thượng”, một người lao động chân chính, một nhân cách tựa “lòng sông gương sáng bụi không mờ”. Tinh thần tận tụy vì khoa học, vì sức khỏe của đồng bào, đồng chí của Giáo sư Đặng Văn Ngữ biểu đạt phẩm tính của một nhân cách văn hóa.
Tên của Giáo sư được đặt cho một đường phố ở Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác trong cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh, Huế). Đó là sự vinh danh một con người tài năng, một người anh hùng trong nghĩa rộng, đã xả thân vì nghĩa lớn - vì sức khỏe, vì sinh mệnh và hạnh phúc của nhân dân. Giáo sư Đặng Văn Ngữ là biểu trưng của một nhân cách văn hóa.
Thầy thuốc như mẹ hiền
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: ITN |
“Thầy thuốc như mẹ hiền” (là một bài tập đọc trong SGK Tiếng Việt, Lớp 5), kể câu chuyện về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông chữa bệnh cho người nghèo. Nhưng không may người bị bệnh không qua khỏi do người nhà đã tự ý thay thầy, đổi thuốc.
Vì thế, Hải Thượng Lãn Ông ân hận, tự dằn vặt mình và nhận trách nhiệm về mình nên đã cảm thán viết câu thơ: “Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương”. Ứng xử của vị Đại danh y Việt Nam biểu thị phẩm tính văn hóa của một người biết thực hành “cách sống cùng nhau”.
“Lương y phải như từ mẫu” là phẩm chất cao quý của thầy thuốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cách đây 68 năm (27/2/1955), trong Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế, Bác Hồ đã căn dặn những người làm công tác y tế phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Muốn vậy cần thiết thực sự thực hành “Lương y phải như từ mẫu”. Lời căn dặn của Bác Hồ được những người làm công tác y tế đinh ninh: Quá trình khám chữa bệnh cho nhân dân phải quan tâm đến cả chữa “bệnh lý” và cả “tâm bệnh”.
Nghĩa là nhờ người làm công tác y tế tận tụy và tận tâm mà người bệnh có được tâm thế, tâm lý cân bằng, tự tin, để sức mạnh tinh thần biến thành sức mạnh thể chất, chiến thắng bệnh tật, sớm trở về đoàn tụ với gia đình người thân.
Kể cả với những bệnh nhân nặng (K), sự sống trở nên mong manh, thì người làm công tác y tế cũng phải bằng mọi cách truyền cảm hứng cho họ “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”.
Hiện có tình trạng xung đột đáng tiếc xảy ra ở nhiều bệnh viện giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế, suy cho cùng đều có căn rễ từ hai phía. Nhưng công bằng mà nói, nếu nhân viên y tế có tâm hơn, bình tĩnh hơn thì những hậu quả đáng tiếc như đã nói ở trên không thể xảy ra, hoặc rất hiếm khi xảy ra.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cũng như thời bao cấp gian khổ và thiếu thốn cực hạn, rất hiếm khi xảy ra xung đột giữa những người đều đáng quan tâm vì không khí, tâm thế xã hội đã tích cực điều chỉnh các độ “vênh”, đôi khi do hiểu lầm hoặc thiếu cảm thông đôi bên.
Tâm lý nóng giận, thiếu kiềm chế, thiếu kiểm soát hành vi là một “căn tính mới” của đám đông hiện nay như các nhà tâm lý học đã chỉ ra. Nhưng suy cho cùng đó là hậu quả của tình trạng không, hoặc ít khả năng thực hành “cách sống cùng nhau” của một bộ phận không nhỏ trong chúng ta.
Nhiều khi chỉ vì một câu nói vô tình (hay cố ý), một cử chỉ thiếu thân thiện và tôn trọng nhau sẽ như là mồi lửa châm bùng lên đám cháy của những người đang cùng ở trong một không gian và không khí nhiều căng thẳng và ức chế như bệnh viện. Nếu nói “văn hóa là từ khóa” hiện thời thì nó “phủ sóng”, chi phối tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có văn hóa y tế, gắn với Y đức - Y đạo - Y thuật.
Trong tình hình mới, nhân tố (tiêu chuẩn) an toàn đang được quan tâm khi đâu đó vang lên tiếng kêu cảnh báo “Nghề y là nghề nguy hiểm” (?!). Nhưng thực ra thì nghề nào cũng là nghề nguy hiểm khi pháp luật chưa được thực thi nghiêm minh, văn hóa chưa được thấm nhuần vào chân tơ kẽ tóc của đời sống xã hội, truyền thống nhân văn chưa được đề cao, thấu suốt.
Y đức là văn hóa
Tiểu thuyết 'Bác sĩ trưởng khoa' của nhà văn Vũ Oanh, là tác phẩm viết trực diện về ngành y, hiếm có trong văn chương Việt Nam hiện đại. Ảnh: ITN |
“Bác sĩ trưởng khoa” (2013, giải Ba Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư, 2012 - 2014, Hội Nhà văn Việt Nam) của nhà văn Vũ Oanh, là tác phẩm viết trực diện về ngành y, hiếm có trong văn chương Việt Nam hiện đại.
Nhân vật chính là bác sĩ Trần Tử Khang, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghề thuốc (ông nội là thầy lang); bố là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi tốt nhiệp Trường Đại học Y Hà Nội, anh được điều động vào chiến trường phục vụ trong quân đội.
Những năm tháng ở chiến trường, anh được gọi là “bàn tay vàng”, cứu sống nhiều người. Nhưng sau này trở về đời thường, trong vai một bác sĩ dân y, làm việc trong một bệnh viện, anh lại bị bó chân bó tay vì sự đời nhiễu nhương.
Nếu trước đây “ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”, thì nay giữa hòa bình, bên đồng nhiệp anh lại cảm thấy không bình yên, khó khăn trong ứng xử và hành nghề vì thói đời chưa hết sự đố kỵ, ganh đua, thị phi.
Anh là người tốt nhưng thiếu không gian văn hóa nhân văn nên cuộc sống đôi khi trở nên khó nhọc, chật hẹp, “thiếu chân trời” để bay. Nhưng dù trong cảnh ngộ nào thì bác sĩ Trần Tử Khang vẫn cố gắng hết sức mình để “giấy rách thì giữ lấy lề”.
“Những hiệp sĩ áo trắng” là cách gọi thân thiện của nhân dân dành cho những nhân viên y tế trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” - Covid-19. Trong vòng gần hai năm trời, hàng nghìn nhân viên y tế đã lăn lưng trong một bối cảnh “chống dịch như chống giặc”.
Những người trong trang phục blouse trắng (hay xanh) đều đã tận tâm, tận lực phòng chống dịch, chữa bệnh cứu người cho đồng bào mình. Kẻ thù vô hình đã khiến hơn 11 triệu người nhiễm bệnh và hơn 40 nghìn người thiệt mạng. Đó là những con số biết nói, nhắc nhở nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp nổi khi tính mạng con người bị cướp đoạt.
Đã có người ngã xuống như những chiến binh anh dũng trên chiến trường không có tiếng súng (hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh, 2 nhân viên điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi). Đó là tấm gương xả thân vì nghĩa lớn, những nhân cách văn hóa ngời sáng.
Giấc mơ “Y học cá thể hóa” (Personalised Medicine) sẽ trở thành hiện thực trên phạm vi toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Nhưng đó là một hành trình, cuộc “vượt vũ môn” dài lâu, khó khăn nhưng sẽ ngoạn mục khi cán đích.
Chương trình quốc tế này dựa trên ngành khoa học về di truyền (“gen”). Đó là mô hình y tế đề xuất phương pháp chăm sóc sức khỏe tùy biến được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân dựa trên thông tin di truyền của từng người. Giáo dục hiện đại cũng đi theo hướng cá thể hóa.
Đó thực sự là những cuộc cách mạng mang ý nhĩa văn hóa - xã hội - nhân văn cao cả. Nếu nói “Văn học là nhân học” thì lẽ nào văn học không nỗ lực tối đa hướng tới “cá thể hóa” (“con người này lạ mà quen”) một cách ráo riết, tỉ mỉ vì mỗi người là một “tiểu vũ rụ”.
Y tế - văn hóa - giáo dục - văn học, thiết nghĩ, không phải là những lĩnh vực riêng biệt, khép kín. Trái lại mỗi ngành khoa học đều có tính mở, tương liên, tương hỗ, hợp lực cùng hướng tới “CON NGƯỜI - Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào!” (M. Go-rki).