Giữ trọn y đức

GD&TĐ - Dù trong thời chiến hay thời bình, nhiều thầy thuốc luôn đề cao y đức, hết mình vì người bệnh. Những tâm sự của “O du kích nhỏ” hay một nữ điều dưỡng tận tâm sẽ phần nào cho chúng ta hiểu được tấm lòng của các y, bác sĩ.

Bà Nguyễn Thị Kim Lai (trái) và ThS Hoàng Minh Hoàn
Bà Nguyễn Thị Kim Lai (trái) và ThS Hoàng Minh Hoàn

Thanh xuân của chúng tôi là thế

Tuổi trẻ là quãng thời gian tuyệt vời nhất của mỗi con người. Những ước mơ, khát vọng được làm việc, được cống hiến cho cuộc đời đã được các thế hệ trao truyền và gìn giữ. “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai, một trong những nhân vật xuất hiện trong bộ phim “Cuộc hội ngộ 30 năm”, đã chia sẻ về những năm tháng chiến tranh cũng như công việc y tá của mình.

Là con út trong gia đình có 4 anh em ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), năm 1965 khi học hết lớp 7, giữa chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, cô gái Nguyễn Thị Kim Lai tham gia vào đội dân quân tự vệ của xã. Vừa trực chiến trên trận địa, vừa tham gia đào hầm, nữ dân quân luôn phơi phới tình yêu Tổ quốc. Hà Tĩnh thời điểm đó máy bay Mỹ gầm rú suốt ngày đêm, nhiều tuyến đường huyết mạch qua đây bị chia cắt, làng mạc bỗng chốc tiêu điều. Sự sống chỉ là gang tấc, vậy mà con người luôn cưu mang, san sẻ đầy ân tình.

“Tuổi thanh xuân của chúng tôi có lẽ ai cũng như vậy. Ngày ấy, tôi và bạn bè đồng trang lứa hồ hởi tham gia công tác của xã từ rất sớm. Nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu Tổ quốc đã thôi thúc tôi luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ”, o Lai chia sẻ. Không lâu sau sự kiện bắt sống giặc lái Mỹ mà bạn bè năm châu biết đến, o được cử đi học lớp y tá, rồi xung phong vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị.

“Trong quân ngũ cũng như sau này, tôi luôn yêu quý và trân trọng nghề mà mình đã chọn. Mặc dù đảm nhiệm vị trí công việc ở bộ phận cận lâm sàng, nhưng tôi luôn tự nguyện tham gia phục vụ những bệnh nhân nặng. Ngày đêm chăm sóc người bệnh như chính người thân yêu của mình. Ngày đó, chiến tranh thiếu thốn lắm, để bệnh nhân bị bỏng do bom napan vơi đi nỗi đau, hàng ngày tôi lặn lội đi tìm lá chuối non về rải cho người bệnh nằm. Việc chăm sóc từng miếng ăn, ngụm nước cũng do những y tá và hộ lý đảm nhiệm. Câu nói của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu…” luôn được tôi khắc cốt ghi tâm”, bà Nguyễn Thị Kim Lai xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm ngày ấy.

Yêu thương người bệnh như ruột thịt

Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai từ lâu nổi tiếng là cơ sở điều trị chất lượng cao, một địa chỉ đáng tin cậy đối với người bệnh. Sống trong môi trường đầy áp lực, các “chiến sĩ áo trắng” luôn vững vàng bản lĩnh với ước muốn giành giật lại sự sống cho người bệnh. Giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, những người thầy thuốc ở đây đã mang lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Mỗi ngày, nhiều bệnh nhân nằm ở khoa A9 phải đối mặt với ranh giới của sự sống và cái chết. Thế nên, các điều dưỡng viên ở đây đều luôn trong tình trạng chạy đua với thời gian. Ca cấp cứu căng thẳng này qua đi, không kịp nghỉ ngơi, họ lại túc trực theo dõi cho hàng chục bệnh nhân nguy kịch khác…

Thạc sĩ Hoàng Minh Hoàn, điều dưỡng trưởng đã gắn bó hơn 20 năm tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai có những phút trải lòng về nghề: Chỉ có tình yêu thương, lòng say mê công việc mới có thể giúp chúng tôi vượt qua thách thức của nghề. Làm điều dưỡng ở Khoa Hồi sức không chỉ bị áp lực công việc, mà còn có những áp lực khác. Do tâm lý bất ổn của bệnh nhân, cũng như những tình huống bất ngờ trong quá trình giao tiếp, chăm sóc người bệnh, các y sĩ và điều dưỡng chúng tôi đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi.

Song với tinh thần thân thiện, tận tâm, chu đáo, điều dưỡng Hoàng Minh Hoàn và các đồng nghiệp đã không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tích cực rèn luyện y đức để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chị là một điều dưỡng gương mẫu được các đồng nghiệp trong khoa noi theo, học hỏi. Chị cho biết: Khoa chúng tôi không có người nhà bên cạnh nên mọi sự chăm sóc cũng như nhu cầu của người bệnh chúng tôi đều phải đáp ứng. Những điều đó không có ai bắt buộc cả. Bằng tấm lòng yêu nghề nên chúng tôi không thể lơ là trước mỗi bệnh nhân với mong muốn làm sao để có thể phục vụ một cách tốt nhất, tận tình nhất.

Chị chia sẻ: Khi được xem những thước phim về cuộc hội ngộ của “O du kích nhỏ” và viên phi công Mỹ trong tấm ảnh năm xưa, được gặp trực tiếp và nghe những câu chuyện đời mà o Lai kể, tôi thực sự xúc động. Chúng tôi, những người thuộc thế hệ sau này, vô cùng ngưỡng mộ và tự hào về thế hệ các cô, các bác, những người đã lớn lên và cống hiến sức mình cho cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Sự dũng cảm của người nữ du kích cũng như y đức với nghề của bà sẽ được các thế hệ sau này như chúng tôi noi theo.

“Các cô, các bác những thế hệ đi trước đã gánh vác những giai đoạn khó khăn trong chiến tranh để thế hệ sau này của chúng cháu có cuộc sống yên bình. Chúng cháu vô cùng may mắn và hạnh phúc vì được sinh ra trong thời bình khi mà cuộc chiến đã đi qua. Với niềm tự hào về những phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ cha anh, chúng cháu nguyện sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ được giao. Chúng cháu học được rất nhiều điều từ tấm lòng vị tha, lòng yêu nước để có thể làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Yêu thương bệnh nhân như người ruột thịt; coi nỗi đau đớn của họ như chính nỗi đau của bản thân để tìm cách vượt qua”, nữ điều dưỡng Hoàng Minh Hoàn tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.