Y án ông, bà "trùm" đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua mạng internet

Thương đã lập ra trang web rồi câu kết với Phương, Lan, Quỳ để dụ dỗ nhưng người lỡ mang thai nhưng không muốn nuôi bán lại kiếm tiền tiêu xài.

Y án ông, bà "trùm" đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua mạng internet
Theo tin tức trên báo Công an Nhân dân, ngày 21/4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên phạt Ngô Thị Lan (SN 1970, ngụ TP Hồ Chí Minh) 16 năm tù, Tưởng Đình Thương (SN 1979, ngụ TP Hải Phòng) 14 năm tù cùng về tội " Mua bán trẻ em ".
Cùng tội danh, trước đó ngày 24/12 án sơ thẩm còn tuyên phạt các bị cáo Trần Ngọc Quỳ (SN 1970, ngụ quận TP Hồ Chí Minh) và Phạm Tuấn Phương (SN 1962, ngụ Đắk Nông), mỗi bị cáo 12 năm tù; Nguyễn Văn Viễn (SN 1970, ngụ Quảng Ngãi) 6 năm tù.

Y án ông, bà

Hai bị cáo tại phiên xử phúc thẩm.
Điều đáng nói là, đằng sau đó còn nhiều chuyện “động trời” khác chưa được tiết lộ về đường dây này: Có sự tiếp tay của một số nhà hộ sinh “lo” thủ tục giấy tờ để hợp thức hóa cho những bé sơ sinh vừa chào đời hay “dịch vụ” mua bán tinh trùng, trứng, mang thai hộ, đẻ thuê với giá từ hàng trăm triệu đồng…
Tưởng Đình Thương (tự Thưởng, Hói, SN 1979) có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng. Năm 2004, Thương bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt 15 tháng tù giam về hành vi trộm cắp tài sản. Mãn hạn vào năm 2006, Thương bỏ quê vào quận 10, TPHCM sinh sống.
Qua tìm hiểu, Thương biết nhiều người có nhu cầu tìm con nuôi, bán trứng hoặc tinh trùng nên tự lập trang web “Mầm sống Việt.com” để môi giới hưởng hoa hồng từ tháng 6/2013. Đánh trúng thị hiếu một số người hiếm muộn, Thương nhận được đơn “đặt hàng” xin con nuôi từ nhiều khách hàng ở TPHCM, Quảng Bình và Tây Ninh.
Để có trẻ sơ sinh cung cấp cho đối tác, Thương cấu kết với Ngô Thị Lan (tự Hồng, SN 1970, ngụ quận 1), Trần Ngọc Quỳ (tự Phấn, Phánh, SN 1970, ngụ Q.Tân Phú) và Phạm Tuấn Phương (SN 1962, quê Đắk Nông, ngụ Q.Tân Phú) thành một tổ chức chuyên hoạt động mua bán trẻ em.
Quỳ từng có một tiền án hai năm tù về hành vi mua bán trái phép chất ma túy vào năm 2002. Mãn hạn tù, Quỳ lấy nghề cắt móng tay dạo làm kế sinh nhai. Với công việc trên, Quỳ thường xuất hiện tại Bệnh viện Từ Dũ và dễ dàng lân la làm quen, tiếp cận với những phụ nữ đơn thân hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể nuôi con, để môi giới bán “núm ruột” vừa sinh thành. Khi tìm được mối, Quỳ sẽ liên lạc để Lan đến mua lại dưới vỏ bọc “xin con nuôi”, rồi thanh toán tiền viện phí và gửi ít tiền giúp mẹ đứa trẻ bồi dưỡng.
Hành nghề chạy xe ôm trước khu vực Bệnh viện Từ Dũ đã nhiều năm, nên Phương có điều kiện tiếp xúc với nhiều cảnh đời khác nhau, trong đó có không ít bà mẹ trẻ sinh con do lỡ dại.
Khi đã có kinh nghiệm, Phương chỉ cần quan sát thái độ của các bà bầu khi đi khám thai là biết ngay người mẹ này sẽ nuôi con hay có ý định cho đi đứa trẻ vừa sinh thành. Từ đó Phương tìm cách làm quen và giới thiệu những người muốn cho con với Quỳ và Lan để hưởng tiền môi giới. Ngoài ra Phương còn trực tiếp điều khiển xe máy chở Lan đi thực hiện một số giao dịch mua bán trẻ sơ sinh.
Liên kết chặt chẽ, có hệ thống chân rết săn lùng thai nhi ngay tại bệnh viện, nên tổ chức mua bán trẻ em do Tưởng Đình Thương - Ngô Thị Lan hoạt động khá hiệu quả.
Thân phận hẩm hiu
Gia cảnh quá khó khăn nên sau khi nhập viện sinh nở vào ngày 10/2/2014, L.T.N (SN 1983, ngụ quận 4) không đủ tiền đóng viện phí, nuôi con. Biết chuyện, Quỳ lân la làm quen, viện cớ có cô em gái gia đình rất khá giả đang khao khát xin một đứa bé trai về làm con nuôi, nếu N. đồng ý cho con thì không chỉ số phận đứa trẻ được thay đổi sung sướng hơn mà N. Còn nhận được khoản tiền bồi dưỡng là 10 triệu đồng.
Nghe bùi tai, N. quyết định cho đi núm ruột mới sinh thành. Ngày mẹ con N. xuất viện, Quỳ có mặt với tư cách người thân trang trải viện phí (khoảng 2 triệu đồng) rồi cùng đón taxi đến quận 8. Khi N. xuống xe, Quỳ đưa thêm 8 triệu đồng để bồi dưỡng, còn thị ẵm theo đứa trẻ.
Cũng như N., sau khi sinh con gái vào ngày 23/1/2014, Nguyễn Thị T.Tr. (ngụ quận 12) không đủ điều kiện nuôi con nên khá lo lắng. Biết tâm trạng của người mẹ trẻ, Lan và Quỳ đợi ngày Tr. xuất viện liền tiếp cận, hứa hẹn sẽ giới thiệu để đứa trẻ được về nhà khá giả làm con nuôi. Nghe bùi tai, Tr. cho hai “mẹ mìn” số điện thoại để liên lạc khi cần thiết...
Lập gia đình đã lâu nhưng không có con, nên chị N.T.T (ngụ quận Phú Nhuận) có ý định xin con nuôi và đã đi xin nhiều nơi nhưng chưa có “duyên” nhận con. Đầu tháng 2/2014, trong một lần lên mạng, chị T. tìm được trang web chuyên môi giới cho, nhận con nuôi có tên “Mầm sống Việt.com”.
Liên hệ với số điện thoại để lại trên trang web, chị T. gặp Thương và được hứa hẹn chỉ trong thời gian ngắn sẽ toại nguyện. Sáng 15/2/2014, Thương điện thoại báo tin cho chị T. biết là đã tìm được người cho con, nhưng đòi chi phí bồi dưỡng và viện phí là 25 triệu đồng. Chị T. chấp nhận điều kiện trên, được Thương cho số điện thoại của Phương nhờ dẫn đi gặp người cho con.
Trưa cùng ngày, chị T. nhờ một người bạn chở đến trước cổng bệnh viện Từ Dũ gặp Phương, rồi cùng đến một quán cà phê tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Tại đây, Lan giới thiệu Quỳ là dì ruột của mẹ đứa trẻ. Chị T. yêu cầu được gặp mẹ bé trai thì Quỳ cho biết mẹ bé vừa sinh xong rất yếu nên không thể ra ngoài, vì hoàn cảnh nhà nghèo, đông con mới phải cho đi núm ruột. Sau đó chị T. điện thoại cám ơn Thương thì được hướng dẫn nếu muốn làm giấy chứng sinh cho bé thì liên hệ với Châu. Với mong muốn sớm có được đứa trẻ, chị T. đã đưa cho Châu 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh cho con.
Sáng 16/2/2014 khi gặp chị T. để giao giấy chứng sinh, Châu hé lộ có người muốn cho một đứa bé gái, nếu muốn nhận nuôi chị T. phải bồi dưỡng 23 triệu đồng. Cùng một công nuôi, hơn nữa có trai, có gái vẫn hay hơn nên chị T. đồng ý nhận nuôi luôn đứa bé gái. Qua dẫn mối của Châu, chiều cùng ngày chị T. tìm đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Quá.
Cùng thời gian này, Tr. cũng nhận được điện thoại của Lan và Quỳ nên ẵm con đến điểm hẹn. Tại đây, Lan - Quỳ gửi tiền bồi dưỡng công sinh nở cho Tr. là 9 triệu đồng. Khi chị T. có mặt, Lan trực tiếp đứng ra thương thảo rồi cùng Châu đi nhận 23 triệu đồng của chị T. Sau đó Châu tiếp tục nhận thêm 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh cho bé gái làm con chị T.
Nhiều lần để ý thấy bà mẹ trẻ N.T.Th (SN 1994, ngụ Đồng Nai) đi khám thai với tâm trạng u buồn, nên Phạm Tuấn Phương biết thế nào sau khi sinh đứa trẻ này cũng sớm phải dời vòng tay mẹ. Vì thế Phương lân la làm quen, hứa giúp “gỡ rối”. Nhận được cái gật đầu của người mẹ trẻ, Phương điện thoại cho Lan - Quỳ và trực tiếp chở Th. đến gặp hai “mẹ mìn” trao đổi. Để trấn an người mẹ trẻ tội nghiệp, Lan - Quỳ cũng vẽ ra kịch bản có cô em gái giàu có nhưng hiếm muộn, đang rất cần xin con nuôi cho vui cửa, vui nhà. Thấy con mình sẽ được ấm thân nếu về với hai phụ nữ này, nên Th. đồng ý cho.
Ngày Th. sinh nở, Lan thuê một bà vú đến nuôi ở bệnh viện và bồi dưỡng cho người mẹ trẻ 6 triệu đồng. Có đứa bé trai trong tay, Lan điện thoại cho Thương nhờ tìm người bán.
Do Thương đang về Bắc nên cho Lan số điện thoại của một người xin con ở Tây Ninh để trực tiếp thương lượng. Trao đổi qua điện thoại xong, Lan và Quỳ đón taxi cùng bà vú ẵm theo đứa trẻ lên Gò Dầu, Tây Ninh giao dịch. Bé trai này Lan bán được 35 triệu đồng.
Nguyễn Văn Viễn (SN 1970, quê Quảng Ngãi, tạm trú Gò Vấp) và V.K.T (SN 1988, quê Quảng Ngãi) sống với nhau như vợ chồng, nhưng cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định. Khi mang bầu được 6 tháng, sợ gia đình biết chuyện nên có ý định cho con. Viễn hứa sẽ tạo mọi điều kiện nuôi đến ngày sinh nở, rồi tìm người cho núm ruột.

Y án ông, bà

Các ông, bà "trùm" đường dây mua bán trẻ em.
Biết được ý định của Viễn và T., Trần Thiện Nhân đã giới thiệu để Viễn gặp Quỳ. Ngày 24/2/2014, T. vào Bệnh viện Từ Dũ sinh được một bé gái nặng hơn 3 ký. Nhận được điện thoại của Viễn, Quỳ vào xem mặt và báo tin cho Lan đồng ý mua với giá 7 triệu đồng. Sau đó Lan chào giá 12 triệu đồng, nhờ Thương tìm mối bán. Thương liên lạc với một người ở Quảng Bình và chốt giá bán lại đứa trẻ 20 triệu đồng.
Chiều 27/2/2014, khi Lan, Quỳ và Viễn đang thực hiện cuộc mua bán thì bị trinh sát Đội Phòng chống tệ nạn xã hội Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội và CAQ7 phối hợp bắt quả tang.
Qua đấu tranh, Lan khai nhận thêm trước đó đã lấy tên là Hồng mua bán hai đứa trẻ cho Nguyễn Thanh Hằng đem ra Quảng Ninh giao cho người khác. Hằng và đồng bọn đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt xử lý về hành vi mua bán trẻ sơ sinh, trước khi Lan sa lưới.
Kiên trì truy xét, Cơ quan Công an TPHCM xác định được nhân thân lai lịch cùng chỗ ở của ba đứa trẻ đã được nhóm của Lan xem như món hàng đem đi mua bán và giải cứu đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội quận Gò Vấp nuôi dưỡng.
Với hành vi tội lỗi, Ngô Thị Lan, Tưởng Đình Thương, Trần Ngọc Quỳ, Phạm Tuấn Phương và Nguyễn Văn Viễn sẽ phải nhận những bản án thích đáng.
Vụ án đã khép lại nhưng nhiều người vẫn thấy day dứt khi các bà mẹ trẻ đã hành xử vô trách nhiệm với núm ruột của chính mình...

Những bà mẹ khai rằng, vì không có điều kiện nuôi dưỡng, hoàn cảnh nghèo khó nên đã cho con đi, chứ họ không bán con và cũng không biết đường dây của Tưởng Đình Thương nhận con của họ để mua bán, do vậy cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm hình sự. Các bà mẹ cũng cho biết, họ cho con với hy vọng các cháu sẽ được đến những gia đình khá giả hơn, có điều kiện tốt hơn… Trường hợp bà T và một số người khác nhận con nuôi để chăm sóc, chứ không mua bán, nên cũng không xử lý hình sự.

Trong các vụ mua bán trẻ sơ sinh của đường dây do Tưởng Đình Thương cầm đầu, công an đã tìm lại được 3 cháu bé đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội ở quận Gò Vấp, TPHCM nuôi dưỡng. Riêng cháu bé con chị Nguyễn Hạ Thiên vẫn chưa tìm được, vì vợ chồng ở Gò Dầy, tỉnh Tây Ninh mua cháu bé này đã sử dụng giấy tờ, số điện thoại giả mạo để giao dịch với đường dây của Thương.

Theo ĐSPL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ