Xuyên Việt bằng xe máy - người nghệ sỹ U70 làm nên điều kỳ diệu

GD&TĐ - Từng thực hiện thành công hành trình xuyên Việt bằng xe máy để xin “đất thiêng” tạc hình Tổ quốc, nhưng niềm đam mê “phượt”, hay nói chính xác hơn là tình yêu đất nước, biển đảo đã thôi thúc ông Đỗ Lập - người nghệ sỹ già vượt qua cả tuổi tác tiếp tục thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt lần thứ 2 bằng xe máy trong sự khâm phục, kính nể của mọi người.

Xuyên Việt bằng xe máy - người nghệ sỹ U70 làm nên điều kỳ diệu

Đi “phượt” vì tình yêu Tổ quốc

Đó là nhạc sĩ Đỗ Lập tên thật là Đỗ Thành Lập - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang, sinh năm 1946, quê ở xã Vị Đông (Vị Thủy, Hậu Giang) mà mới đây chúng tôi tình cờ gặp ông đang thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt lần thứ 2 bằng chiếc xe máy và đang có buổi dừng chân tại Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội.

Dẫu đã nghe nói nhiều về ông, nhưng khi gặp ông, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ, bởi khác những gì đã tưởng tượng về một người nghệ sỹ miền Tây sông nước. 

Đó là một người đàn ông có dáng vẻ gầy gò, đen đúa, tóc dài ngang vai, răng rụng mất mấy chiếc, hành trang không nhiều và đi trên chiếc xe gắn máy cũ có gắn lá cờ Tổ quốc được trang trí công phu và cẩn thận. 

Ông cho biết đang thực hiện chuyến đi xuyên Việt thứ hai bằng xe máy của mình, không phải vì sự nổi tiếng, hay vì một động cơ cá nhân nào, mà đó là ân nặng với quê hương, ân tình với các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, nên quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt bằng nguồn kinh phí của mình mà không nhận bất cứ một sự tài trợ của các cơ quan, đoàn thể nào.

Vừa đưa cho chúng tôi xem những đoạn băng hình, những cuốn sổ có chữ ký, lưu bút của người dân khắp mọi miền của đất nước mà ông thực hiện đi xin chữ ký, để in sang, đóng tập gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa được ông “đặt tên” là “Chung sức một lòng hướng về Biển Đông”, ông vừa hào hứng kể lại câu chuyện về chuyến đi xuyên Việt cũng chính bằng xe máy cách đây 5 năm. 

Khi ấy ông vừa tròn 65 tuổi, nhân dịp cả nước hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã lặng lẽ thực hiện thành công ước nguyện chuyến đi xuyên Việt mà ông ấp ủ từ trước đó rất lâu. Đấy là chuyến đi mang rất nhiều ý nghĩa đối với ông. 

Bởi lúc đầu đem ý tưởng xuyên Việt bằng “ngựa sắt” ra chia sẻ cùng vài người bạn, hầu như tất cả đều cho là điều không tưởng. Nhiều người cho rằng đó là “giấc mơ hão huyền”, thậm chí có người còn cho ông là “chập”, là “khùng”! 

Ở cái tuổi 65, người đã ốm nhom, ốm nhách lại luôn đối mặt với những cơn sốt rét rừng mắc phải từ thời kỳ còn là lính Trường Sơn, thì lấy sức đâu để vượt từng ấy cây số đường trường từ Nam ra Bắc? 

Ấy là chưa nói đến chuyện gần như lúc nào ông cũng sống trong cảnh “viêm màng túi”, những thất bát từ việc làm ăn, buôn bán… Vậy thì tiền làm lộ phí đi đường lấy đâu ra?

Nghe những lời không tán thành, ông chẳng nhụt chí mà ngược lại, đã nghĩ là làm, đã quyết thì không gì ngăn cản nổi. Mặc cho mọi người gièm pha, ngăn cản, ông âm thầm lao vào làm công tác chuẩn bị. 

Hằng ngày, bằng chiếc xe gắn máy cà rịch, cà tàng mà người chị đã cho trước đó, ông vừa đi dạy môn nhạc hợp đồng cho trường THCS thuộc phường 7 (TP Vị Thanh), ông vừa chạy xe ôm để kiếm thêm tiền thực hiện cho chuyến hành trình của mình. 

Và rồi cái cơ duyên ấy đã đến, khi đất nước tổ chức nhiều hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 1/3/2010, ông bắt đầu chuyến hành trình xuyên Việt, khởi điểm từ Bảo tàng TPHCM - Bến cảng Nhà Rồng. 

Tại đây, trước giờ xuất phát, ông đã xin Ban quản lý di tích này để được hốt một nắm đất bỏ vào ba lô, rồi ròng rã hơn 2 tháng trời, qua 63 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi nơi, ông đều chọn một địa điểm “thiêng liêng nhất” hoặc “có tính biểu tượng nhất” của địa phương rồi xin một nắm đất mang đi.

Kết thúc chuyến “phượt” đặc biệt đó, ông mang về 63 nắm đất, được đánh số cẩn thận. Toàn bộ số đất này được ông dùng để đắp thành một sa bàn Tổ quốc Việt Nam; đất được lấy ở tỉnh nào thì được dùng để đắp thành hình bản đồ hành chính của tỉnh ấy. 

Sa bàn có kích thước 40 x 90 cm, có tên là “Đất Việt”, được lồng trong khung kính, đặt trên một chiếc giá gỗ hình trống đồng được chế tác từ lõi cây mít do gia đình ông trồng từ năm 1978. 

Và đúng vào dịp đất nước long trọng tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã cung tiến tác phẩm “Đất Việt” độc đáo này và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Tuổi thất thập vẫn “trên từng cây số” để kết nối tình yêu biển

Khác với chuyến đi trước, chuyến đi này ông nói vui, là: “Đi chính tắc, vì được Hội Văn học Nghệ thuật Hậu Giang cấp giấy giới thiệu hẳn hoi; được cả 4 đứa con đồng tình và chu cấp lộ phí”. Ông cho biết: Chuyến đi xuyên Việt này của ông được chuẩn bị từ tháng 11/2014, đến tháng 12 thì bắt đầu khởi hành.

Mục đích chuyến đi của ông là xin chữ ký của người dân khắp mọi miền của Tổ quốc để in sang, đóng tập gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và được ông “đặt tên” là “Chung sức một lòng hướng về Biển Đông”.

Hơn 10 tháng qua, ông đã đi qua 57 tỉnh, thành phố trên suốt chiều dài đất nước. Mỗi tỉnh, thành phố ông dừng chân vài ngày, có chỗ nửa tháng để hoàn thành đúng mục đích chuyến đi của mình, rồi mới đi tiếp. Ông dự định đến khoảng tháng 12/2015 sẽ hoàn thành chuyến đi của mình qua toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Ông cho biết tính đến thời điểm này, đã thu thập được lên tới hơn 25.000 ghi chép, lưu bút, chữ ký của nhân dân cả nước… Những nơi ông đến không chỉ là những địa điểm dễ đi, mà đó còn là những điểm xa xôi nhất của địa đầu Tổ quốc, như: Tại khu vực biên giới A-pa-chải tỉnh Điện Biên, cho đến Lũng Cú tỉnh Hà Giang hay Vũng Rô – cực Đông và Cà Mau – cực Nam Tổ quốc… 

Có không ít những đoạn đường, cung đường nhìn xuống lạnh xương sống bởi một bên là núi, một bên là vực sâu thẳng đứng ngay cả những người trẻ tuổi giỏi “phượt” cũng phải “lạnh ớn người” và phải khó khăn vất vả mới vượt được qua.

Vậy mà ở cái độ tuổi ngấp nghé “cổ lai hy”, nhưng ông vẫn làm nên điều kỳ diệu, chẳng chùn bước một đoạn, hay một cung đường nào, mà cứ đằng đẵng hàng tháng trời, đi trong niềm mong ước ấp ủ, gom góp bút tích từ đồng bào cả nước, gửi đến những chiến sĩ nơi biên cương để kết nối tình yêu biển đảo quê hương - một công việc đúng là không phải ai cũng làm được, nó như có sức mạnh kỳ diệu đang tỏa óng ánh của ngọc trong người nghệ sĩ tài hoa miền Tây sông nước

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.