Xuống núi đi học cùng con

GD&TĐ -Gần hết thời gian của kỳ nghỉ hè, bà Hồ Thị Diễm (nóc Loan Mu, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đi một vòng nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị cho con em xuống trường.

Phụ huynh đại diện cho các thôn, nóc ở lại trường cùng hỗ trợ phục vụ ăn uống cho học sinh nội trú.
Phụ huynh đại diện cho các thôn, nóc ở lại trường cùng hỗ trợ phục vụ ăn uống cho học sinh nội trú.

Bà Diễm sẽ cùng ở nội trú, phụ giúp thầy cô chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu rồi cuối tuần đưa con em về.

Xóa lều tạm quanh trường học

Từ năm học 2020 – 2021, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam chuyển toàn bộ học sinh lớp 1 - 2 ở 4 điểm lẻ tại các thôn về học tập trung tại điểm trường chính.

Bà con các thôn đều đồng thuận khi con em được “Nhà nước nuôi” lại được học trong môi trường học tập khang trang. Thế nhưng, cái khó là học sinh nhỏ tuổi lại phải đi bộ một quãng đường xa mất nửa ngày đường mới tới trường.

Để đảm bảo an toàn cho gần 190 em ở độ tuổi tiểu học, nhà trường vận động phụ huynh của mỗi thôn sẽ cắt cử nhau để đưa, đón toàn bộ học sinh của thôn mình vào đầu và cuối tuần.

Bà Diễm kể: “Từ nóc Loan Mu, xuống đến trường phải gần 20km. Các cháu lớp lớn đi nhanh thì khoảng 4 tiếng là đến nơi. Nhưng mình chân yếu rồi, mấy cháu nhỏ đi cũng chậm. Cứ đi rồi tới thôi, nửa ngày là tới à. Cháu vào trường học thì mình ở lại chòi gần đó để thứ Sáu đưa con cháu về lại làng. Mình già rồi, ở nhà cũng không đi rẫy nên ở lại xã thôi”.

Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam - cho biết, thời điểm năm 2020, quanh khu vực trường có khoảng 5 chòi tạm tự phát của bà con.

“Việc này vừa làm mất mỹ quan nhưng quan trọng nhất là tâm lý của học sinh bị ảnh hưởng, nhà trường khó quản lý giờ giấc sinh hoạt nội trú của các em do có người thân sống ngay cạnh khu vực trường. Vì vậy, hội đồng sư phạm nhà trường thống nhất dẹp bỏ các lều tạm, đưa phụ huynh vào trường cùng ăn ở, sinh hoạt tại khu nội trú với học sinh” – thầy Chín kể.

Mỗi phòng nội trú được kê thêm giường xen kẽ để phụ huynh ngủ cùng các em học sinh. Trà Nam đón học sinh từ 7 thôn, nóc về học nên mỗi tuần có khoảng mười phụ huynh cùng ở lại. Các bác cùng ăn chung với học sinh.

“Những người này nếu ở nhà họ cũng không còn đi nương rẫy nữa. Nên việc của họ hiện giờ là đưa trẻ đến trường thay bà con mỗi tuần, cùng phụ giúp công việc nhà bếp, vệ sinh khu nội trú. Nhưng vì là người lớn tuổi nên chúng tôi luôn nhắc nhở y tế nhà trường chuẩn bị thêm một số thuốc cho các bệnh thông thường như cảm cúm, đau bụng, hạ sốt…” – thầy Chín chia sẻ.

Để có kinh phí ăn ở cho phụ huynh, nhà trường phải cân đối, tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên, vận động các nhà hảo tâm, thầy cô cùng ủng hộ thêm vào. Thầy Chín cho biết, các nóc đều cử những người lớn tuổi, chưa tới mức già yếu hẳn nhưng vẫn đủ sức đi bộ để dẫn trẻ vượt núi băng suối tới trường an toàn.

Mô hình hỗ trợ học tập đặc biệt

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam có 5 suất cấp dưỡng, lo mỗi ngày 3 bữa ăn cho gần 330 học sinh ở 2 bậc học. Thầy Chín cho biết, với sự hỗ trợ thêm của phụ huynh, áp lực công việc của cấp dưỡng được giảm xuống, bữa ăn của các em đúng giờ và nóng sốt hơn.

Nhưng hơn hết cả, theo thầy Chín, mô hình hỗ trợ học tập đặc biệt này đã giúp nhà trường duy trì sĩ số học sinh rất tốt. “Có phụ huynh theo sát các em trên đường đến trường, các thầy, cô giáo cũng yên tâm hơn mỗi lúc thời tiết thay đổi đột ngột như mưa giông hay sạt lở núi, lũ dâng cao ngập suối…” – thầy Chín nhận xét.

Bà Hồ Thị Bốn, có 2 đứa cháu năm tới sẽ lên lớp 3 và 4 kể: “Mình vừa chăm được cháu nhưng cũng động viên được những cháu nhỏ cùng thôn, nhất là những cháu nhỏ lớp Một lần đầu xa nhà, nhớ bố nhớ mẹ. Có người quen cùng thôn, các cháu cũng đỡ sợ vì chưa quen ở nội trú”.

Từ những hướng dẫn của thầy, cô giáo làm công tác quản sinh, những phụ huynh như bà Bốn, bà Diễm biết cách chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cho những cháu nhỏ trong những ngày ở lại trường. Chị Lê Thị Yến thì kể, các cô giáo còn hướng dẫn cho chị cách vệ sinh nhà cửa, chi tiêu hợp lý, cách chăm sóc con nhỏ khi ốm đau.

Tháng 10/2021, khi dịch Covid-19 “quét” qua Nam Trà My, những phụ huynh xuống núi đi học cùng con đã hỗ trợ rất đắc lực cho nhà trường trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

“Với những em đã có kết quả dương tính khi test nhanh, nhà trường quyết định không giữ lại trường chăm sóc. Học sinh của thôn nào thì sẽ do phụ huynh đại diện của thôn dẫn về nhà. Y tế gửi các loại thuốc hỗ trợ điều trị như hạ sốt, kẽm, vitamin C liều cao, que test nhanh… và hướng dẫn cách chăm sóc” – thầy Chín nhớ lại.

Vì thế mà số học sinh nhiễm Covid-19 của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam không đáng kể do không bị lây lan trong điều kiện học sinh cùng sinh hoạt tập thể. Những em bị Covid-19 khi trở về thôn bản chỉ khoảng 3 - 4 ngày sau là đã trở lại trường để tham gia học cùng các bạn.

Sau khoảng thời gian “3 cùng” với thầy cô để hỗ trợ chăm sóc học sinh nội trú, chị Yến kể mình đã biết nhắc nhở con học bài vào các dịp lễ, Tết, khi con rời trường về nhà.

Từ “3 cùng”, chị Yến có thêm “3 biết”: Biết tình hình học tập; biết tính tình của con như thế nào khi chơi cùng bạn để cùng phối hợp với thầy cô nhắc nhở, điều chỉnh; biết tình hình hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ.

Ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My - cho biết, mô hình nuôi ăn ở cho phụ huynh như cách làm của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam phù hợp với một huyện có địa hình giao thông đi lại cách trở.

Cách làm này vừa góp phần nâng dần chất lượng giáo dục ở miền núi, đồng thời cũng hướng dẫn thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống, cách phòng bệnh… cho phụ huynh học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.