Xung quanh việc di dời các trường đại học, cao đẳng: Vì sao ách tắc?

Xung quanh việc di dời các trường đại học, cao đẳng: Vì sao ách tắc?

(GD&TĐ) - Chủ trương di dời một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có diện tích quá chật hẹp, từ nội thành ra ngoại thành ở TP.HCM và TP. Hà Nội đã có khoảng 15 năm nay. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2007, Bộ GD&ĐT và các cơ quan có thẩm quyền mới thực sự vào cuộc, quyết liệt triển khai chủ trương này. Hơn 6 năm đã qua, đa số các đề án di dời vẫn “dẫm chân tại chỗ”, cho dù Chính phủ cũng đã vào cuộc.

Đã có quy hoạch cấp đất… nhưng ở trên giấy

Cơ sở chính quá chật hẹp của ĐH Kinh tế TP.HCM ở quận 3
Cơ sở chính quá chật hẹp của ĐH Kinh tế TP.HCM ở quận 3
 

Rõ nhất là tình trạng khá bi đát của trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao (SP TDTT) TP.HCM – cơ sở chính tại 639 Nguyễn Trãi, quận 5. Chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập trường, nhưng diện tích sân chơi, khu tập luyện TDTT của trường chỉ tương đương 1 khoa. Toàn bộ lối đi nội bộ trong cơ sở chính của ĐH SP TDTT TP.HCM phải dành cho sân tập điền kinh. Tính ra nhà trường chỉ đạt hơn 4m2 đất/1 sinh viên (SV), trong khi đó theo quy định của Bộ GD & ĐT thấp nhất phải đạt 20m2/1SV.

PGS.TS Huỳnh Trọng Khải – Hiệu trưởng trường ĐHSP TDTT TP.HCM than thở: 14 năm trước, trường đã lập đề án di dời trường. Địa điểm đầu tiên chúng tôi chọn ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, không được chấp thuận. Hai địa điểm tiếp theo ở Long Phước - quận 9 và Tây Bắc huyện Củ Chi cũng không thành. Phải đến năm 2005, UBND TP.HCM mới duyệt cấp đất cho trường di dời là 41ha ở lô 12, khu đô thị mới Nam Sài Gòn (thuộc phường 7, quận 8 và xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Đây mới là phê duyệt quy hoạch tổng thể. Phải chờ đến hơn 7 năm sau, tháng 12.2012, trên 41ha đất đã duyệt cấp cho trường chúng tôi mới có bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000. Khả năng phải mất thêm vài năm nữa mới hoàn tất khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mới. Tính ra đã trải qua 3 nhiệm kỳ phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách xây dựng, tôi cũng sắp hết 2 nhiệm kỳ hiệu trưởng, mà đề án di dời trường vẫn còn dang dở…

Trả lời câu hỏi: “Để di dời trường, cần bao nhiêu kinh phí?”. Hiệu trưởng Huỳnh Trọng Khải cho biết: “Còn tùy vào việc chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng hết bao nhiêu tiền? Năm 2005 chúng tôi dự kiến xây mới hoàn toàn cơ sở vật chất (CSVC) hết độ 700 tỷ đồng, nay có lẽ phải tăng lên 1.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng khi trường chúng tôi di dời, UBND TP.HCM sẽ thu hồi toàn bộ CSVC của trường chúng tôi hiện tại ở 639 Nguyễn Trãi, quận 5. Mới đây, qua việc bán đấu giá thành công lô đất 8.000m2 tại 100 Hùng Vương quận 5 được 1.020 tỷ đồng, UBND TP.HCM sẽ hoàn trả cho trường chúng tôi kinh phí cần thiết để di dời theo đề án đã phê duyệt…

Cùng số phận hẩm hiu là trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cơ sở chính tại 59C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Trường có tất cả 6 cơ sở đào tạo, 3 ký túc xá (đã xuống cấp trầm trọng), nhưng tổng diện tích đất chỉ có hơn 1,6ha. Với quy mô đào tạo hàng năm trên 45.000SV – học viên các hệ, ĐH Kinh tế TP.HCM là trường có quy mô lớn thứ nhì TP.HCM (chỉ sau ĐH Công nghiệp) nhưng “đội sổ” TP.HCM vì chỉ đạt 0,54m2/ 1SV!

Năm 2000, để lập đề án di dời, trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có tờ trình đề nghị UBND TP.HCM cấp hơn 60 ha đất ở phường Long Phước - quận 9. Do quy hoạch chi tiết làm quá chậm, đến nay sau 13 năm, dự kiến số tiền cần có để giải tỏa, đền bù lô đất hơn 60 ha nói trên, đã tăng từ 250 tỷ lên khoảng 700 tỷ đồng. Theo GS-TS Nguyễn Đông Phong – hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Chưa biết đến khi nào trường mới được cấp đất để di dời? Và “Tiền đâu để đền bù, giải phóng mặt bằng?” cũng là câu hỏi chưa có đáp án…

Bó tay vì kinh phí quá lớn!?

Giảng đường... quá tải!
Giảng đường... quá tải!
 

So với năm 1975, đến cuối năm 2012, diện tích đất TP.HCM tăng 1,38 lần, trong khi các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM tăng gần 8 lần, số lượng SV – học viên tăng khoảng 20 lần. Bộ GD&ĐT dự kiến có khoảng 65 trường ĐH, CĐ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ di dời từ nội thành ra ngoại thành. Tổng số SV sẽ di dời khoảng 180.000/550.000 SV hiện nay ở TP.HCM; con số SV tương ứng tại TP. Hà Nội là 290.000/490.000 SV toàn TP…

Để có nguồn vốn di dời, theo hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ: Chủ yếu vẫn phải trông chờ ngân sách trung ương (có thể dùng vốn trái phiếu, Chính phủ bảo lãnh). Nguồn vốn thứ 2 là ngân sách 2 TP lớn (Hà Nội, TP.HCM). Nguồn vốn thứ 3 là vốn tự có của các trường ĐH, CĐ sẽ di dời. Nguồn vốn cuối cùng là huy động từ xã hội hóa GD, vận động tài trợ…

Ngày 15.10.2012, ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM cho biết: UBND TP.HCM và các quận – huyện đã xây dựng xong tiêu chí di dời, kế hoạch di dời và phê duyệt cấp 2000 ha đất cho các trường ĐH, CĐ từ nội thành ra: quận 9; khu đô thị mới Nam Sài Gòn (quận 7 và huyện Bình Chánh); khu đô thị Tây Bắc huyện Củ Chi. Ách tắc lớn nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Kinh phí lấy ở đâu, vì vốn ngân sách khá hạn hẹp, đang là bài toán hết sức nan giải…

Tại TP. Hà Nội, từ 2011 – 2020 sẽ di dời khoảng 20 trường ĐH, CĐ với diện tích đất cần có 3.500 ha, dự kiến số kinh phí chi cho việc này khoảng 1,2 tỷ USD (tương đương 24.000 tỷ VNĐ).

TP.HCM từ nay đến năm 2020, sẽ có 17 trường ĐH, CĐ di dời toàn bộ; 13 trường sẽ di dời một phần trên tổng số 71 trường ĐH, CĐ toàn TP. Theo đó số diện tích đất cần có cho việc di dời này khoảng 2.500 ha. Ước tính tổng kinh phí chi cho đền bù, giải tỏa, lập các đề án di dời ở TP.HCM trên 18.000 tỷ đồng.

Hiện nay, TP.HCM đang thí điểm di dời 3 trường: ĐH Kỹ thuật Công nghệ (Quận Bình Thạnh); ĐH Ngoại ngữ – Tin học (quận 10) và trung cấp Điều dưỡng – Kỹ thuật Y tế Hồng Đức (Gò Vấp) ra khu đô thị ĐH lớn nhất TP.HCM với hơn 6.000 ha đất ở Tây Bắc Củ Chi. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Các trường tình nguyện thí điểm di dời sớm sẽ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ, làm động lực thúc đẩy các trường khác di dời. Các trường sẽ di dời toàn bộ thì không được thuê lại, hoặc không được giữ lại CSVC cũ của trường. Phần đất cũ phải bàn giao cho cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Khoảng 40% số trường ĐH, CĐ tại nội thành TP. Hà Nội, bình quân chỉ có dưới 5m2 diện tích đất/1 SV. Con số bình quân các trường ĐH, CĐ ở nội thành TP.HCM là 1 SV chỉ đạt dưới 10m2 (trong khi quy định của Bộ GD & ĐT tối thiểu phải đạt 20m2 / 1 SV đất học tập – nghiên cứu khoa học; 10m2/ ký túc xá / 1 SV; đất phục vụ TDTT 10m2 / 1 SV và đất công cộng 5 – 10m2/ 1SV quy đổi).

Đinh Lê Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.