Tùy tiện danh xưng
Cụ thể sự việc, vào tối 15/8, ca sĩ Ngọc Sơn cùng hai em trai tổ chức đêm nhạc mừng thọ mẹ tại một phòng trà ở TPHCM. Giữa chương trình, anh bất ngờ quỳ tặng mẹ tấm bằng khen do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng vì những hoạt động xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn văn hoá Việt Nam. Tấm bằng ghi rõ người nhận là: “Giáo sư âm nhạc, ca sĩ Phạm Ngọc Sơn”.
Ai cũng biết rằng Giáo sư (GS) là học hàm, do Nhà nước xét duyệt và phong tặng, dành cho những nhà khoa học có những công trình nghiên cứu, có đóng góp vào học thuật nước nhà, tùy từng lĩnh vực hoạt động.
Chỉ duy nhất Nhà nước được quyền ra quyết định công nhận ai sẽ được phong GS, việc lập danh sách và đề xuất được ủy quyền cho Hội đồng chức danh GS Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Hằng năm, Hội đồng sẽ họp, xem xét phong GS cho những nhà khoa học xứng đáng và có hồ sơ đề cử từ cơ sở. Không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào được thay thế Hội đồng này làm việc đó.
Có ý kiến lại cho rằng, ngược thời gian về lại trước năm 1975, trong hệ thống giáo dục miền Nam dưới chế độ cũ, giáo viên thường được gọi là GS, theo tiếng Hán chỉ đơn thuần là thầy giáo.
Chuyện đó có thực, nhưng đó là cách gọi của một thời, ngày nay không ai sử dụng danh xưng ấy để gọi các thầy cô giáo nữa, nếu họ chưa được phong hàm GS, bởi lẽ đấy là một học hàm, chứ không phải danh xưng. Có chăng, chỉ là sự lập lờ đánh lận con đen…
Chiêu trò đánh bóng tên tuổi?
Trước ý kiến cho rằng Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã thực hiện sai chức năng khi “phong”… GS cho ca sĩ Ngọc Sơn, ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL – cho rằng cần phân biệt rạch ròi sự việc. Ở đây, theo ông Vũ Xuân Thành, có hai vấn đề cần tách biệt:
Thứ nhất, việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao Bằng khen cho Ngọc Sơn là đúng chức năng. Với thẩm quyền nghề nghiệp, Chủ tịch Hội có quyền tặng Bằng khen cho hội viên của mình nếu thấy họ đáng được khen (ở đây là ca sĩ Ngọc Sơn).
Vấn đề thứ hai, cái sai là ở Bằng khen lại ghi “GS âm nhạc”, thay vì chỉ đơn thuần là “ca sĩ Ngọc Sơn”. Dẫu vậy, ông Vũ Xuân Thành cũng cho rằng cái sai này chưa hẳn từ phía Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, mà có thể là do ca sĩ Ngọc Sơn tự phong danh.
“Việc Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu tặng Bằng khen cho ca sĩ Ngọc Sơn khi anh ấy đã trở thành hội viên là đúng. Ông ấy có đủ thẩm quyền nghề nghiệp để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, việc đề chức danh GS cho ca sĩ Ngọc Sơn cần phải nhìn nhận lại. Việc đề chức danh “GS âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn không có nghĩa là ông Lê Ngọc Dũng đang phong danh “GS” cho ca sĩ Ngọc Sơn. Vì điều này lại nằm ngoài quyền hạn của ông ấy” - ông Vũ Xuân Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Xuân Thành, thông tin ban đầu ông tự tìm hiểu cho thấy ngay trong hồ sơ (để nhận Bằng khen) của ca sĩ Ngọc Sơn gửi cho Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã ghi vào mục tên tuổi, chức danh nghề nghiệp là “GS âm nhạc, ca sĩ Phạm Ngọc Sơn”.
Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thành cũng lưu ý nguồn gốc thật sự của sự việc cần phải để những người có trách nhiệm Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam lên tiếng; còn chức năng của Thanh tra không tham gia tìm hiểu những sự việc như vậy.
Đáng tiếc là cho đến thời điểm bài báo này lên khuôn, đại diện Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, mà trực tiếp là Chủ tịch Lê Ngọc Dũng - người ký Bằng khen cho “GS âm nhạc, ca sĩ Phạm Ngọc Sơn” - vẫn chưa có phản hồi báo chí về sự việc.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay trong đơn xin gia nhập Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, ở mục nghề nghiệp chuyên môn, ca sĩ Ngọc Sơn đã tự viết: “Danh ca, Nhạc sĩ, GS Âm nhạc”.