Vừa qua, Chuyên đề ANTG nhận được đơn tố cáo vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Bảy, Vũ Văn Thông đã cố ý giả mạo chữ ký trong một thương vụ mua bán cà phê, dẫn tới việc chủ nợ bỗng dưng biến thành con nợ!
Từ một vụ mua bán...
Theo lời trình bày của bà Nguyễn Thị Hoa, người đứng đơn tố cáo thì giữa vợ chồng bà và vợ chồng ông bà Vũ Văn Thông, Nguyễn Thị Bảy - đều cùng cư trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk - là bạn quen biết làm ăn đã lâu. Ngày 21/1/2008, sau khi trao đổi, bà Bảy đồng ý bán cho bà Hoa 25.000 kg cà phê nhân xô - là loại cà phê hạt to, hạt nhỏ, chín hoặc chưa chín hẳn, lẫn lộn nhau. Vào thời điểm đó, giá 1kg cà phê nhân xô là 30 nghìn đồng nên hai bên thỏa thuận chốt giá tổng cộng 750 triệu đồng.
Bà Hoa cho biết: "Chồng tôi - là ông Trần Văn Thảo - đã đưa cho bà Bảy 750 triệu đồng, và bà Bảy đã viết giấy xác nhận nợ, có ký tên, hẹn ngày 18/2/2008, sẽ giao đủ 25.000 kg cà phê nhân xô".
Đến ngày 4/3/2008, nghĩa là đã quá hạn gần một tháng mà bà Bảy vẫn không giao một hạt cà phê nào mặc dù ông Thảo nhiều lần nhắc nhở. Thời điểm này, giá cà phê nhân xô lên đến 40 nghìn đồng/kg nên ông Thảo tìm gặp bà Bảy để yêu cầu bà phải thực hiện đúng như hai bên đã thỏa thuận...
Bà Hoa nói: "Sau khi phân trần về lý do chậm trễ, không có cà phê để giao rồi nay hứa mai hẹn, mãi đến ngày 13/12/2009, bà Bảy mới tự tay viết giấy nhận nợ, cam kết đúng ngày 30/2/2010, sẽ hoàn trả cho vợ chồng tôi 1 tỉ đồng - căn cứ vào giá cà phê ngày 4/3/2008, là 40 nghìn đồng/kg". Tuy nhiên, đến thời hạn này thì bà Bảy lại viện đủ lý do để khất. Bà Hoa nói tiếp: "Gần một năm sau - ngày 1/1/2011, bà Hoa mới trả cho tôi 100 triệu đồng rồi đến ngày 25/3/2011, bà trả thêm cho tôi 275 triệu, tổng cộng 375 triệu. Số tiền còn lại (625 triệu), bà không trả nữa".
Giấy xác nhận nợ mà bà Hoa cho rằng tất cả nội dung đã được đánh thêm vào |
... đến việc giả mạo chứng từ
Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Trần Văn Thảo tiến hành nộp đơn khởi kiện bà Nguyễn Thị Bảy tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Krông Pắk, yêu cầu bà Bảy phải thanh toán số tiền 625 triệu đồng còn lại. Thế nhưng, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 23/5/2012, bà Nguyễn Thị Bảy đột ngột lật ngược vấn đề bằng cách trưng ra 22 chứng từ, rồi khẳng định rằng bà đã thanh toán cho bà Hoa tổng số tiền là 1.502.000.000 - nghĩa là thanh toán thừa 502 triệu - và yêu cầu bà Hoa phải trả lại cho bà số tiền thừa (?!).
Theo lời bà Hoa thì: "Sở dĩ có 22 chứng từ ấy là vì khi tiến hành mua bán 25.000 kg cà phê nhân xô, trong khoảng thời gian từ 18/2/2008 đến 19/1/2009, tôi và bà Bảy có vay mượn lẫn nhau, và 20 trong số 22 chứng từ này được lập vào thời gian đó, nó hoàn toàn không liên quan đến việc trả nợ 1 tỉ đồng - là tiền bà Bảy không giao 25.000 kg cà phê cho tôi như đã cam kết".
Qua xem xét 22 chứng từ, Hội đồng xét xử sơ thẩm - TAND huyện Krông Pắk nhận thấy chỉ có chứng từ viết ngày 1/1/2011 và chứng từ viết ngày 25/3/2011 là trùng khớp và phù hợp với thời gian bà Bảy trả cho vợ chồng ông Thảo, bà Hoa 100 triệu và 275 triệu đồng. Với 20 chứng từ còn lại, không hề liên quan đến nghĩa vụ trả nợ trong việc mua bán 25.000 kg cà phê nhân xô giữa các bên. Vì vậy, Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Nguyễn Thị Bảy phải thanh toán cho ông Trần Văn Thảo và bà Nguyễn Thị Hoa số tiền 866.565.625 đồng - là nợ gốc và tiền lãi phát sinh. Bác bỏ yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Bảy về việc ông Trần Văn Thảo và bà Nguyễn Thị Hoa phải trả lại cho bà Bảy số tiền 502 triệu đồng.
Không đồng ý với bản án này, bà Bảy kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Bảy vẫn tiếp tục trưng ra những chứng từ, nhằm khẳng định bà đã trả cho vợ chồng ông Thảo, bà Hoa số tiền 1.502.000.000 đồng. Điều đáng nói là lần này, phía bà Bảy đã cung cấp cho tòa 1 giấy xác nhận nợ đánh máy vi tính, có chữ ký của bà Nguyễn Thị Hoa. Ông Thảo cho biết: "Nhận thấy đây là chữ ký giả mạo, tôi đã đề nghị trưng cầu giám định".
Tại Bản kết luận giám định số 481/PC54, do Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk ký ngày 8/9/2012, đã nói rõ: "Chữ ký dưới mục người xác nhận trong giấy xác nhận nợ đề ngày 28/2/2008 trên tài liệu cần giám định - ký hiệu A1 - với chữ ký đứng tên Nguyễn Thị Hoa trên các tài liệu mẫu so sánh - ký hiệu M1, M2, M3, M4, M5, M6, M7 là không phải do cùng một người ký ra".
Và một phán quyết khó hiểu!
Sự việc tưởng như đến đó là xong, và bà Bảy phải trả cho vợ chồng ông Thảo, bà Hoa 625 triệu đồng còn lại. Nhưng không, đến ngày 14/9/2012, khi Tòa phúc thẩm tái xét xử vụ án, thay vì phải làm rõ ai là người thực hiện hành vi giả mạo chứng cứ, chữ ký của bà Hoa, cũng như xem xét việc giả mạo này liên quan thế nào đến vụ kiện, có dấu hiệu hình sự hay không để đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc, thì Tòa phúc thẩm lại chấp thuận cho phía bà Bảy trưng ra một chứng cứ nữa: Đó là giấy xác nhận nợ in vi tính, do bà Nguyễn Thị Hoa ký ngày 21/1/2012, nội dung: "Tôi là Nguyễn Thị Hoa xác nhận ngày 21/1/2008, chị Bảy Thông đã trả đủ 1.195.000.000 đồng", và lần này thì chữ ký ấy là… chữ ký thật!.
Bà Hoa bức xúc: "Trong suốt quá trình làm ăn với bà Bảy, mọi chứng từ vay mượn tôi đều viết tay. Nhà tôi không có máy vi tính, hai vợ chồng tôi cũng không biết sử dụng máy tính nhưng tờ xác nhận nợ này lại đánh máy vi tính". Khi chúng tôi hỏi tại sao tờ xác nhận nợ ấy lại có chữ ký của bà, bà Hoa đáp: "Tôi nhớ là trong thời gian bà Bảy kháng án, Tòa có mời tôi lên để bổ túc lời khai, chứng cứ. Khi đó, một thư ký của Tòa đã đưa cho tôi một tờ giấy trắng, bảo tôi ký tên và viết họ, tên vào để đối chiếu với những chữ ký lưu trong hồ sơ. Tôi đã thực hiện đúng như yêu cầu".
Vậy thì tờ giấy mà bà Hoa ký khống, có phải đã được dùng để đánh thêm vào những dòng chữ nhằm biến bà Hoa từ chủ nợ thành con nợ hay không? Vấn đề này sẽ được Cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk làm rõ nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, chỉ bằng tờ giấy xác nhận nợ ấy, Tòa phúc thẩm xác định bà Bảy đã trả dư cho bà Hoa 502 triệu đồng.
Theo Bản án số 127/2012 PTDS ngày 28/9/2012, thì "bác đơn khởi kiện của ông Trần Văn Thảo về việc buộc vợ chồng bà Nguyễn Thị Bảy trả cho ông Thảo số tiền 625 triệu đồng và lãi suất phát sinh. Chấp nhận đơn kiện phản tố của bà Nguyễn Thị Bảy, buộc vợ chồng ông Thảo, bà Hoa phải trả cho vợ chồng bà Bảy 502 triệu đồng mà bà Bảy đã trả vượt quá số tiền 1 tỉ đồng từ việc mua 25.000 kg cà phê…".
Như vậy, từ chủ nợ, bà Hoa bỗng dưng biến thành con nợ. Bà nói: "Trước sự thay đổi lạ lùng ấy, một mặt tôi đã gửi đơn đến Công an tỉnh Đắk Lắk, tố cáo hành vi cố ý giả mạo chữ ký, cung cấp chứng cứ giả, xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Mặt khác, tôi làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ việc này".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang chờ đợi kết quả xác minh của Công an tỉnh Đắk Lắk về việc có hay không nội dung xác nhận nợ được đánh thêm vào sau khi bà Hoa đã ký tên, để tiến hành kháng nghị bản án phúc thẩm.
Theo Cand.com