Xung đột Trung-Ấn phủ bóng đen lên Hội nghị Thượng đỉnh BRICS

GD&TĐ - Đồng ý đến Trung Quốc để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS với điều kiện Bắc Kinh phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp Doklam (Himalaya), Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã cứu hội nghị trước nguy cơ đổ vỡ.

Xung đột Trung-Ấn phủ bóng đen lên Hội nghị Thượng đỉnh BRICS

Tuy nhiên, xung đột địa chính trị giữa hai cường quốc châu Á vẫn còn đó. Chính vì vậy, New Delhi đã ngăn cản đề xuất mở rộng BRICS của Bắc Kinh tại hội nghị này.

“Bóng đen” mang tên Doklam

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra từ ngày 3-5/ 9 ở Hạ Môn, Trung Quốc. Sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi trong thành phố, nơi ghi nhận một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình là để chứng minh vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Có điều, hội nghị diễn ra giữa lúc mâu thuẫn của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tranh chấp biên giới ở cao nguyên Doklam trên dãy Himalaya kéo dài hơn hai tháng và có nguy cơ biến thành xung đột quân sự.

Chính vì vậy, ý tưởng của BRICS như một nhóm các nước lớn đang phát triển với cam kết chấm dứt sự thống trị của phương Tây trong nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại một cách nghiêm trọng.

Nhưng may mắn thay, điều này đã không xảy ra. Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý gác lại tranh chấp và Narenda Modi có thể đến dự hội nghị. Tuy nhiên, theo AP, sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc thì vẫn còn đó. Một câu hỏi đặt ra là: Trong bối cảnh ấy, liệu các nền kinh tế mới nổi-thành viên của BRICS có thể hợp tác chặt chẽ với nhau?

Tương lai nào cho BRICS?

"Quân đội của hai nước (Trung Quốc và Ấn Độ-ND) đang làm căng thẳng không gian dọc theo biên giới đất liền của họ, cũng như ở Ấn Độ Dương và phía tây của Thái Bình Dương. Thậm chí, ngay cả bên ngoài khu vực như ở châu Phi và châu Mỹ Latinh họ cũng ra sức bảo vệ vai trò thủ lĩnh của mình trong thế giới đang phát triển "- Sriram Chawla, chủ nhiệm khoa của Trường Quan hệ Quốc tế tại thành phố Sonipat (Ấn Độ) cho biết.

Cũng theo lời Sriram Chawla, dù việc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ có được thừa nhận hay không thì sự thật vẫn còn đó. Cả hai quốc gia đều đang phấn đấu để trở thành siêu cường của châu Á.

Delhi và Bắc Kinh đưa ra các phiên bản khác nhau của việc dàn xếp biên giới. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng những người lính rời khỏi nơi xung đột. Nhưng phía Trung Quốc đã không đề cập đến sự lùi bước của Trung Quốc hoặc về việc các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tuần tra trong khu vực.

Vào đêm trước của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn, Trung Quốc đã cố gắng mở rộng số lượng các thành viên câu lạc bộ bằng cách tạo ra một tổ chức gọi là BRICS Plus. Ý tưởng của Trung Quốc là một số nước đang phát triển sẽ gia nhập vào nhóm 5 thành viên của BRICS. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế. Tuy nhiên, như tờ báo Times of India nhận định, Ấn Độ và các nước thành viên khác của khối BRICS cảm thấy không có ý nghĩa.

Trong một cuộc đối thoại với “Nezavisimaya Gazeta”, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Larin cho rằng: "Trung Quốc chắc chắn sẽ đạt được những nhiệm vụ mà họ đã vạch ra. Nếu họ chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào thì đó là rất nhỏ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng nhất là trấn an Ấn Độ về việc mở một hành lang kinh tế trên Ấn Độ Dương. Hành lang đi qua Pakistan, bao gồm cả phần của Kashmir nằm dưới sự kiểm soát của Pakistan. Nhưng Ấn Độ coi tất cả Kashmir là đất của họ".

Alexander Larin tin rằng, Trung Quốc sẽ mở hành lang này bất chấp tất cả. "Bắc Kinh đã có kinh nghiệm. Mọi người đều chấp nhận điều này. Chuyện với các hòn đảo ở Biển Đông là một ví dụ. Trung Quốc sẽ cố gắng giảm bớt sự phản đối của Ấn Độ bằng cách đề xuất những hợp đồng có lợi cho Ấn Độ”- Alexander Larin nhận định.

Hành lang kinh tế này là một phần của kế hoạch khổng lồ của Trung Quốc- "Một vành đai, Một con đường". Điều quan trọng đối với Trung Quốc là cung cấp hàng hoá cho Pakistan nói riêng và từ quan điểm chiến lược nói chung. Tại Pakistan, cảng Gwadar đang được xây dựng với sự tham gia của Trung Quốc. Đây sẽ là nơi đồn trú của Trung Quốc trên đường tới châu Phi và châu Âu. Trung Quốc sẽ cố gắng để đạt được ít nhất một thái độ trung lập của Ấn Độ- Alexander Larin kết luận.

Tuy nhiên, tương lai của BRICS phức tạp không chỉ là cuộc xung đột Trung-Ấn. Mỗi thành viên của khối đều có các ưu tiên của riêng mình về chính sách kinh tế và đối ngoại. Không giống như các tổ chức quốc tế khác - ASEAN hoặc Liên minh châu Âu, như tờ South China Morning Post nhấn mạnh, các thành viên của BRICS không có di sản lịch sử và văn hóa chung và mức độ hội nhập kinh tế của họ còn thấp. Các thành viên BRICS chỉ đoàn kết với nhau trong việc chống lại sự áp đặt của phương Tây lên nền kinh tế thế giới mà thôi.

Khó khăn chính của BRICS kể từ khi thành lập khối này là sự khác biệt trong lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Trong khi Nga duy trì một mối quan hệ ổn định và thân thiện với Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và Nam Phi, các quốc gia còn lại thường không thể tìm ra một tiếng nói chung. Quan hệ Trung-Ấn đã thế, vào đầu năm 2010, Brazil đã cấm các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là không cho các doanh nghiệp Trung Quốc mua lượng đất canh tác lớn.

Nói như thế để thấy đi tìm một tương lai sáng sủa của BRICS là đầy rẫy những khó khăn.

"Rõ ràng là Trung Quốc muốn miêu tả chính họ mới là người chiến thắng trong một cuộc xung đột mà Ấn Độ đã bắt đầu và đang buộc phải rút lui dưới áp lực từ Trung Quốc" - Shripana Pathak, trợ lý giáo sư tại Đại học ở bang Assam, Ấn Độ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.