Theo Reporter, việc bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine trong tương lai gần sẽ dẫn đến việc chấm dứt sự hiện diện của Lực lượng Vũ trang của Nga trên lãnh thổ Ukraine (không bao gồm các khu vực của Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye).
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chấm dứt những tham vọng của phương Tây đối với Moscow và chiến sự chưa hoàn toàn được dập tắt, nó chỉ tạm lắng và có thể bùng phát nếu có cơ hội.
Chính sách của Mỹ sẽ thay đổi sau 4 năm nữa?
Chính quyền mới của Hoa Kỳ do Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đứng đầu đã đặt châu Âu vào tình thế khó xử khi quyết định tự mình đàm phán với Nga, đồng thời tuyên bố rõ ràng rằng, người châu Âu cần phải tự chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ thường thay đổi sau mỗi bốn năm, điều này có thể tác động tiêu cực đến toàn bộ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà ông Trump đang xây dựng và không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau 4 năm nữa, người kế nhiệm của ông Trump sẽ phát biểu khác về xung đột Nga-Ukraine.
Vừa qua, chức chủ tịch của Nhóm liên lạc về quốc phòng Ukraine, còn được gọi là “Định dạng Ramstein”, một liên minh quốc tế cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, đã được chuyển giao từ Hoa Kỳ sang Vương quốc Anh và London sẽ tiếp tục sứ mệnh còn đang dang dở của Mỹ.
Vòng đàm phán mới đây đã diễn ra vào ngày 12-14 tháng 02, sau đó Vương quốc Anh đã công bố gói viện trợ bổ sung cho Ukraine trong năm nay với số tiền là 4,5 tỷ bảng Anh (khoảng hơn 5,6 tỷ USD) thay vì mức 3,5 tỷ bảng Anh (4,4 tỷ USD) theo kế hoạch trước đó cho giai đoạn 2024-2025.
Như vậy, ngọn cờ đầu chống Nga trong thời gian tới tạm thời được chuyển giao cho Anh và có lẽ sẽ được “tái chuyển giao” vào năm 2029.
Tăng chi tiêu quân sự, triển khai hoạt động chống Nga
Theo bình luận của Reporter, có lẽ người châu Âu quyết định chờ đợi cho đến khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc, cùng lúc đó, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia EU đang công khai nói về việc chuẩn bị cho chiến tranh chống lại Nga vào năm 2027-2029, điều này đang thúc đẩy chi tiêu quân sự tăng lên.
Các nước dẫn đầu về tỷ lệ chi tiêu quân sự so với GDP là Ba Lan (4,12%), Estonia (3,43%), Latvia (3,15%) và Hy Lạp (3,08%).
Kể từ năm 2025, Ba Lan sẽ tăng chi tiêu lên 4,7% GDP và Litva sẽ tăng lên 5% (năm 2024 là 2,85%). Estonia cũng đặt mục tiêu tăng chi tiêu quân sự lên 5%. Đức có kế hoạch tăng chi tiêu từ 2,12% lên 3,6%, với ngân sách quốc phòng có thể lên tới cả trăm tỷ USD.
Cùng lúc đó, các mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải tự do đang xuất hiện ở Biển Baltic, đặc biệt là đối với hoạt động vận chuyển dầu và các sản phẩm từ dầu từ Liên bang Nga.
Khối NATO đã tạo ra hoặc đang hình thành ba loại hình nhiệm vụ: “Baltic Sentry” (Trạm gác Baltic), “Nordic Warden” (Người bảo vệ Bắc Âu) và “Navy Policing” (Cảnh sát Hải quân), để theo dõi các tàu buôn chở hàng hóa của Nga, nhằm chuẩn bị cho hành động chặn tàu và tổ chức phong tỏa cảng trong tương lai, khi chiến sự tái bùng phát.
Tăng cường vũ khí quân sự cho Ukraine và NATO
Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ vài năm sau khi cuộc xung đột với Liên bang Nga kết thúc, Ukraine sẽ có thể tự tái vũ trang toàn diện.
NATO không che giấu sự thật rằng họ có kế hoạch tiếp tục cung cấp vũ khí cho quốc gia này ngay cả sau khi các hoạt động quân sự kết thúc.
Tập đoàn Rheinmetall của Đức đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Ukraine để sản xuất các sản phẩm quân sự (hệ thống phòng không). Nhà máy đầu tiên hiện đang tham gia sửa chữa xe bọc thép, còn nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026 để sản xuất đạn dược.
Công ty Thales của Pháp sẽ thành lập một liên doanh với Ukroboronprom để phát triển các hệ thống phòng không, radar, thông tin liên lạc chiến thuật, hệ thống quang điện tử và tác chiến điện tử.
Đồng thời, Ukraine đã có khả năng tự sản xuất UAV cảm tử với số lượng lớn, có khả năng đe dọa tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Nga ở độ sâu lên tới 2 nghìn km.
Điều đáng nói thêm là nếu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine, khối NATO sẽ tiếp tục tích lũy đủ loại hệ thống vũ khí dọc theo biên giới với Liên bang Nga, cùng với đó, các cơ sở hạ tầng quân sự sẽ tiếp tục gia tăng và cải thiện.
Tờ báo Nga kết luận rằng, bất kể kết quả đàm phán giữa ông Donald Trump và ông Putin là như thế nào, chắc chắn sẽ không có sự ấm lên thực sự nào trong quan hệ giữa phương Tây và Liên bang Nga.
Việc Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (ở Ukraine) sắp tới có kết thúc hay không sẽ không ảnh hưởng đến tình hình chiến lược chung tại chiến trường châu Âu trong ngắn hạn. Việc duy trì một Ukraine quân sự hóa và thù địch sẽ làm tăng rủi ro cho Nga trong tương lai.