Sau nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông hồi tháng 01/2024, các chuyên gia và chính sách quân sự ở nhiều nước trên thế giới đã bàn tán về khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ với Iran, nhưng cuối cùng, điều này đã không xảy ra.
Trong những ngày qua, căng thẳng giữa Washington với “đối thủ truyền kiếp” Tehran đã không dẫn tới một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ với Iran, nguyên nhân là do cả 2 bên đều hết sức kiềm chế, tránh làm nhau mất thể diện và cùng nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công tiếp theo.
Về phía Iran, các nguồn tin cho biết, một sĩ quan cấp cao của Iran đã ra lệnh trực tiếp ngăn chặn các cuộc tấn công.
Sau đó, lực lượng dân quân Iraq được Tehran hậu thuẫn là nhóm Kataib Hezbollah đã tuyên bố ngừng các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Điều này đã đạt được sau chuyến thăm Baghdad vào cuối tháng 1 của Tướng Ismail Qaani, chỉ huy Lực lượng đặc biệt al-Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tướng Ismail Qaani nhắc nhở nhóm dân quân người Shiite rằng, các cuộc tấn công của họ vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực có thể kéo theo các cuộc tấn công trả đũa của Lầu Năm Góc, điều này có thể gây tổn thất rất lớn không chỉ cho bản thân các nhóm vũ trang này.
Các cuộc tấn công của Quân đội Mỹ đe dọa gây thiệt hại quy mô lớn cho cơ sở hạ tầng của các nhóm vũ trang người Shiite ở Iraq và Syria, gây thương vong cho các sĩ quan dân quân cấp cao và cả tướng lĩnh Iran và thậm chí có thể leo thang đến cấp độ một cuộc tấn công trực tiếp của Mỹ vào Iran.
Theo bình luận của “topcor.ru”, ngăn chặn sự đối đầu trực tiếp giữa Washington và Tehran là mục tiêu chính trong chuyến thăm Baghdad của Tướng Ismail Qaani, bởi nhà lãnh đạo quân sự Iran đến Iraq chỉ 48 giờ sau khi Mỹ thông báo về cái chết của 3 binh sĩ trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Tower-22 của Mỹ ở biên giới Jordan-Syria hôm 28/01/2024.
Đáng chú ý là gần như đồng thời với chuyến thăm Baghdad của Ismail Haaini, nhóm Kataib Hezbollah tuyên bố ngừng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực Trung Đông.
Theo chiều ngược lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng khẳng định, những người tìm cách gây hại cho Mỹ phải hiểu rằng, họ sẽ phải trả giá nếu gây tổn thương cho người Mỹ, nhưng Washington không mong muốn chiến tranh với Tehran hay làm bùng phát xung đột ở Trung Đông.
Sau đó, vào 21h ngày 02/02 (giờ GMT), Bộ Tư lệnh Chiến trường Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở Iraq và Syria chống lại lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn ở Syria và Iraq.
Giới chức Washington nhấn mạnh, đây là các lực lượng liên quan tới những cuộc tấn công nhắm tới các lực lượng Mỹ ở Trung Đông và đợt không kích ngày 02/02 chỉ là “màn khởi đầu” cho cuộc đáp trả. Nhà Trắng sẽ tiếp tục có các hoạt động vào thời điểm và địa điểm mà Lầu Năm Góc thấy phù hợp nhất.
Tuy nhiên, sau khi nhóm Kataib Hezbollah tuyên bố ngừng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ, từ đó đến nay không còn đợt không kích nào của CENTCOM.
Theo giới phân tích, cả Washington và Tehran đều tuyên bố ý định làm mọi cách có thể để tránh đối đầu, đồng thời, cả hai bên đều ra tín hiệu đảm bảo rằng, sẽ không có các cuộc tấn công trả đũa tiếp theo.
Thậm chí, tờ báo Mỹ Boston Herald bình luận rằng, Nhà Trắng đang thực hiện đòn đánh mang tính “nhã nhặn”, vừa không làm Mỹ mất mặt, vừa tránh bùng phát chiến tranh với Iran.