Xung đột dạy con trong gia đình “Tứ đại đồng đường”

GD&TĐ - Nếu thời xưa một gia đình sẽ rất hãnh diện khi có bốn thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà, “tứ đại đồng đường”. Thế hệ này qua các thế hệ khác truyền cho nhau những tập tục không chỉ của nền văn hóa dân tộc, mà còn cả quan niệm về cuộc sống của dòng họ.

Xung đột dạy con trong gia đình  “Tứ đại đồng đường”

Thế nhưng những biến cố của xã hội và đất nước trong vòng một trăm năm đã làm thay đổi tận gốc nhiều giá trị. Đó là chia sẻ của TS Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam.

Sự khác biệt giữa hai thế hệ

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ câu chuyện của bạn mình. Đó là mâu thuẫn của anh bạn với con dâu về vấn đề nuôi dạy cháu nội. “Vốn sinh ra trong một gia đình có tôn giáo cũng như tôn trọng truyền thống gia đình và dòng họ, anh nghĩ rằng việc dạy con cháu theo lối của anh chắc chắn cũng đã rất nghiêm khắc, nhưng đến khi thấy con dâu của anh dạy cháu, anh mới thật xót xa cho đứa cháu đầu của mình.

Ngoài việc không cho thằng nhỏ xem tivi thường xuyên, con dâu anh bắt nó học chữ từ rất sớm và thưởng phạt nghiêm khắc. Khi anh than phiền, con dâu anh chỉ nói: “Ba cứ để con dạy con của con, con dạy nó theo lối Nhật”.

Anh ta than thở với tôi, tại sao mình là người Việt Nam lại phải dạy con theo lối Nhật. Anh nghĩ những hư hỏng hay chậm lụt của một số thanh niên hiện nay còn do nhiều nguyên nhân xã hội khác nhau chứ đâu phải là lỗi do nền văn hóa Việt Nam có nhiều tệ hại và kém thích ứng với sự hội nhập hiện đại.

Chắc chắn thế hệ đang có con ở tuổi nhà trẻ đến trung học hiện nay tại Việt Nam đã có sự khác biệt sâu sắc về thói quen và cách sống, quan niệm về nghề nghiệp, đó là chưa nói đến chính trị, tôn giáo và lý tưởng. Những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến tiêu chuẩn và việc chăm sóc gia đình, từ đó giá trị và cách dạy con cũng ảnh hưởng theo.

Ông bà đóng vai “thiện”, cha mẹ đóng vai “ác”

TS Lê Nguyên Phương cho biết, tại Việt Nam, những khác biệt giữa hai thế hệ về việc dạy con đang xảy ra tuy biểu hiện qua những điều nhỏ nhặt thường ngày nhưng chúng đã gây ra khổ sở cho nhiều gia đình về gốc rễ, chúng vốn phản ánh các quan niệm rất khác nhau về nhân sinh quan, thế giới quan.

Những vấn đề nhỏ nhặt nhưng gây tranh cãi hiện nay nhất lại là những chuyện thường ngày. Ông bà thường muốn và ép cháu ăn thật nhiều, thật ngon, kể cả đồ ăn vặt dù cháu đã có triệu chứng béo phì. Quan niệm của cha mẹ hiện nay là trẻ cần tự lập càng sớm càng tốt nên việc dạy ăn và dạy mặc cũng là chuyện gây mâu thuẫn khi ông bà lại chạy theo đút cơm, đút cháo, mặc quần mặc áo cho cháu khi chúng đã lớn.

Nếu ông bà quá chiều cháu, làm ngựa cho cháu cưỡi hay mua sắm đồ chơi, thức ăn vặt thì cha mẹ lại muốn con có thể chừng mực, ngại “con muốn gì được nấy” sẽ hư hỏng và kém tự lập khi lớn lên.

Khi cha mẹ chỉ nói về tương lai của con thì ông bà lại kể cho cháu nghe những thói hư tật xấu của cha mẹ chúng nó lúc còn nhỏ. Xung đột có lẽ lớn nhất là vấn đề kỷ luật thưởng phạt con cháu. Ông bà thường đóng vai “ông thiện” và đẩy cha mẹ về phía “ông ác” mặc dù thời xưa chính ông bà cũng đã đòn roi quát tháo những đứa con của mình.

Thậm chí đến nay vẫn chưa nhận thấy đó là sai lầm trong khi con của mình mới bắt đầu “úp mặt vào tường” hay “không cho xem tivi và sử dụng iPad” thì ông bà đã mủi lòng và hoảng hốt.

Cần tìm sự đồng thuận

TS Lê Nguyên Phương cho rằng, nếu không phải là vấn đề tranh giành quyền lực, bênh vực phe phái hay khẳng định tri thức, xung đột giữa các thế hệ trong việc dạy con không phải là quá khó để giải quyết. Ngay từ khi con còn trong bụng, các cặp vợ chồng hiện nay đang sống cùng với bố mẹ nên thảo luận trong tinh thần tương kính với ông bà tương lai này về lối dạy con.

Việc thảo luận không phải là cơ hội để dè bỉu hay miệt thị quan điểm hay tập quán của bên nào. Nếu có điều kiện, đặc biệt là ông bà cũng thích đọc sách báo và còn năng động, việc chia sẻ những tài liệu hay cùng đi dự các buổi tập huấn làm cha mẹ để sau đó cùng bàn bạc là điều nên làm. Nhiều khi sự khác biệt là do thiếu kiến thức và điều đó có thể xảy ra không chỉ giữa hai thế hệ, mà còn giữa vợ và chồng. Nếu có tranh luận và giận hờn, hãy để chúng xảy ra sớm trước khi đứa cháu ra đời để còn thời gian hòa giải, còn hơn để những chuyện này xảy ra trước mặt con cháu.

Đối thoại không chỉ về dạy con mà còn có việc khác về nhân sinh quan, thế giới quan để tìm ra sự đồng thuận, việc cần làm thường xuyên khi ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.

“Những thiếu thốn về mặt tình cảm, những lo sợ vì mong muốn chiếm hữu, nỗi cô độc của tuổi già hay niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ… đều là nhân hay duyên đưa đến mâu thuẫn và xung đột giữa hai thế hệ trong việc nuôi dạy con và cháu. Muốn giải quyết tận gốc rễ không gì bằng tự xét lại chính mình…” - TS Lê Nguyên Phương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.