Xúc động những câu chuyện về Bác từ một Hội thi

GD&TĐ - Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” được lan toả trong các nhà trường với ý nghĩa to lớn...

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: T.L
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: T.L

Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” nhằm đưa phong trào kể chuyện và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ trở thành hoạt động thường xuyên, hiệu quả trong mỗi nhà trường.

Thể hiện sâu sắc niềm kính yêu Bác Hồ

Nhằm tạo phong trào thi đua sôi nổi, tích cực rèn luyện, tu dưỡng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Bắc Hà (Lào Cai) tổ chức hội thi kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh năm học 2022 - 2023”.

Theo thể lệ của hội thi, các thí sinh phải tham gia kể một câu chuyện về Bác Hồ trong bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”; trả lời câu hỏi liên quan đến câu chuyện vừa kể, câu hỏi của Ban giám khảo về tấm gương đạo đức, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

Với câu chuyện “Chú nên hỏi ông Ké, bà Bủ” thí sinh Sùng Thị Tam, học sinh lớp 11A đã cuốn hút người xem bằng lối kể chuyện truyền cảm, sâu lắng, kết hợp hài hòa với phần phụ họa sinh động. Câu chuyện ca ngợi, tôn vinh nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả, tình thương yêu bao la của Bác Hồ cho tất cả đồng bào, người nghèo, người lao động.

“Hội thi kể chuyện Bác Hồ” của học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Hà.

“Hội thi kể chuyện Bác Hồ” của học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Hà.

Trong khi đó, câu chuyện “Con đường đi lên phía trước” của học sinh lớp 9A cũng để lại cho hội thi khá nhiều cảm xúc. Thông điệp của câu chuyện là tinh thần lạc quan sẽ giúp chúng ta sống vui vẻ, biết làm chủ cuộc sống, vượt qua khó khăn, biết động viên, khích lệ, giúp đỡ những người xung quanh sống tốt đẹp hơn.

Theo thầy Phạm Huy Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, các tiết mục dự thi đã tạo được hiệu ứng tích cực, gây xúc động mạnh bằng lối kể chuyện chân thực, truyền cảm kết hợp hài hòa với phần diễn xuất phụ họa rất khéo léo, tinh tế... thể hiện sâu sắc niềm kính yêu, lòng biết ơn Bác.

Còn tại Yên Bái, hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” là hoạt động thường niên của ngành Giáo dục huyện Trấn Yên với mục đích tuyên truyền sâu rộng đến Đội viên, Thiếu niên, Nhi đồng các nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó giúp các em rèn luyện đạo đức, lối sống, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Qua nhiều năm tổ chức, hội thi nhận được sự hưởng ứng của tất cả thầy cô giáo, học sinh trong huyện. Những câu chuyện về Bác Hồ được các đội thi thể hiện xúc động, xoay quanh chủ đề về đạo đức và lối sống giản dị, lòng yêu nước và đức tính thanh cao, giản dị của Người.

Tại hội thi năm nay, với chất giọng truyền cảm, sâu lắng, thể hiện tình yêu thương, kính trọng Bác, em Nguyễn Tùng Lâm, học sinh Trường Tiểu học & THCS xã Minh Quân đã chiếm trọn tình cảm của khán giả khi kể câu chuyện “Bác Hồ thăm người nghèo đêm giao thừa” và xuất sắc giành giải thưởng thí sinh có giọng kể truyền cảm nhất.

Học sinh Trường Tiểu học Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) tại Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”.

Học sinh Trường Tiểu học Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) tại Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”.

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh

Với kinh nghiệm từ cơ sở, cô Nguyễn Thị Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Những câu chuyện kể về Bác vừa dễ hiểu, vừa chứa đựng những bài học có giá trị thực tiễn vô cùng bổ ích; không chỉ có ích với trong hiện tại mà còn là bài học quý khi các em trưởng thành và trở thành công dân tốt.

Sáng kiến xây dựng mô hình “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” vào giờ chào cờ đầu tuần đã tạo được không khí thi đua sôi nổi giữa các lớp; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường trong việc góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua và hoàn thành các chỉ tiêu của nghị quyết Chi bộ, kế hoạch hằng năm của trường.

Theo kế hoạch, hội thi được tổ chức đều đặn mỗi tháng một lần. Bên cạnh đó, hoạt động Đội trong nhà trường được chia thành năm đợt thi đua nhưng mỗi tháng lại có chủ đề riêng. Để tạo ra sự phong phú trong nội dung kể chuyện, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi gắn với chủ điểm thi đua và sự kiện trong tháng.

Để đảm bảo chất lượng của cuộc thi và thời gian thực hiện (chỉ có 45 phút trong tiết chào cờ đầu tuần), nhà trường đã phân công hai chi đội cùng chuẩn bị một câu chuyện dự thi. Mỗi buổi thi, hai chi đội phải dàn dựng kịch bản gồm câu chuyện dự thi có phụ họa sân khấu hóa, các tiết mục văn nghệ xen kẽ và câu hỏi hoặc các hình thức giao lưu với khán giả liên quan tới nội dung cuộc thi.

Qua việc triển khai mô hình “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, hiệu quả giáo dục tại nhà trường được nâng cao rõ rệt. Học sinh biết yêu quý thầy cô giáo, bạn bè, trường lớp, biết chăm sóc và tự bảo vệ bản thân. Các em không thuộc 5 điều Bác Hồ dạy một cách máy móc mà biến thành những việc làm, hành động cụ thể.

Cô Cao Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” là hoạt động thiết thực, sáng tạo trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, ý thức đoàn kết, biết yêu thương và sẻ chia cho học sinh.

Hội thi được tổ chức với nhiều nét mới nhằm thu hút, giúp các em hiểu rõ hơn về Bác Hồ kính yêu, về cuộc đời thân thế sự nghiệp của Bác. Qua đó, các em học tập được nhiều bài học giá trị về phong cách đạo đức, lối sống của Bác; tạo môi trường cho Đội viên, Thiếu niên Nhi đồng học tập, rèn luyện về đạo đức, lối sống, giúp các em phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Em Nguyễn Tùng Lâm, học sinh Trường Tiểu học & THCS xã Minh Quân cho biết, hội thi là dịp để em hiểu hơn về đạo đức, lối sống, phong cách sống của Bác. Từ câu chuyện, điều em muốn truyền đạt tới hội thi và các thế hệ học sinh của huyện Trấn Yên là trong cuộc sống nên biết chia sẻ với người nghèo, có tấm lòng nhân ái, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...