Xúc động Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và Tuyên dương người có công

GD&TĐ - Hôm nay (24/7), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ và Tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại con số hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, đổ xương máu trong suốt lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Ông gửi lời chào mừng, tri ân tới 450 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng cả nước tham dự lễ tưởng niệm, tuyên dương năm nay.

"Người dân Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ, mãi mãi tự hào về ý chí quật cường của thế hệ cha ông viết lên những bản hùng ca "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", mang lại nền độc lập hoà bình ngày hôm nay" - Chủ tịch nước khẳng định.

Đọc diễn văn tưởng niệm, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc lại Chỉ thị từ năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn một ngày trong năm làm ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ đó, ngày 27/7 được chọn là ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Ông thông tin, 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu năm nay được lựa chọn từ cơ sở, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa. Đó là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ. Họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang, là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó.

Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường, những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.

Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor, Giẻ-Triêng, H’rê, Khmer, Raglai.

Hội nghị vui mừng được chào đón 3 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng khác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà cho người có công và các thương bệnh binh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà cho người có công và các thương bệnh binh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự trân trọng và cảm phục khi được tiếp đón mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm, là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay mẹ đã tròn 107 tuổi. Bên cạnh đó có 5 đại biểu tham dự đến nay đã trên 90 tuổi.

Hội nghị cũng vô cùng xúc động được đón tiếp Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, là thương binh 4/4 (thương tật 35%), người đã lần lượt mất cả chồng và con trai vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng, ngay cả khi nước nhà thống nhất, mẹ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội với nhiều cương vị khác nhau, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hội nghị vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ những thành tích trong chiến đấu của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, 84 tuổi, là thương binh thương tật 47%, hiện cư trú tại thành phố Hà Nội. Nhập ngũ năm 1960, trong thời kỳ kháng chiến, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ làm quân địch khiếp sợ. Khi về hưu ông là người sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 9/1973.

Đại biểu Ngô Thị Cẩm Tiên, sinh năm 1943, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm trong nội thành Sài Gòn, Chợ Lớn và bị địch bắt giam nhiều lần và hãm hại bằng rất nhiều hình thức tra tấn đau đớn tột cùng như dùi cui, quay điện, tra nước rải vôi bột…làm bà mất đi thiên chức làm mẹ. Giữ vững phẩm chất người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đến nay dù tuổi cao, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.

Một tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống khác là thương binh Vũ Gia Nhưng. Đây là người thương binh đã khắc phục khó khăn để làm kinh tế giỏi, doanh nghiệp do ông thành lập và điều hành tại tỉnh Phú Thọ giải quyết việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động với mức thu nhập cao, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm từ 2 - 3 tỷ đồng.

Đồng thời ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm công tác từ thiện như đóng góp xây nhà tình nghĩa, nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vui mừng với những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong công tác chăm sóc người có công; xúc động và cảm phục với những tấm gương tiêu biểu của hàng triệu người có công với cách mạng, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực này như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: "Các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ