Ngành Giáo dục Bắc Giang tri ân gia đình nhà giáo là thương binh - liệt sĩ

GD&TĐ - Đến thăm và tặng quà gia đình nhà giáo thương binh - liệt sĩ là hoạt động có ý nghĩa to lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa và lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ...

Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT (ngoài cùng bên trái) thay mặt ngành Giáo dục tặng quà cho đại diện gia đình các liệt sĩ (Ảnh Minh Thu).
Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT (ngoài cùng bên trái) thay mặt ngành Giáo dục tặng quà cho đại diện gia đình các liệt sĩ (Ảnh Minh Thu).

Sáng 21/7, Văn phòng Sở GD&ĐT Bắc Giang thông tin, Sở vừa cùng Công đoàn Giáo dục tỉnh, Ban liên lạc Đại đội và Hội Cựu chiến binh cơ quan Sở đến thăm, tặng quà 4 gia đình nhà giáo là thương binh - liệt sĩ thuộc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự.

Cụ thể, ngành Giáo dục đã thăm, tặng quà thương binh Giáp Văn Mạo (SN: 1949) ở Khu 34 Song Mai, thành phố Bắc Giang; thăm thương binh nhiễm chất độc da cam Nguyễn Hồng Thanh (SN: 1948) ở Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang.

Đoàn đến thăm gia đình liệt sĩ Vũ Đình Mai ở xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên) và gia đình liệt sĩ Nguyễn Tố Uyên ở xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang, cùng hy sinh năm 1968 tại Huế.

Tại buổi thăm hỏi, ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang đã ân cần thăm hỏi, động viên các thương binh và gia đình, chia sẻ những khó khăn hiện tại. Đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn của ngành Giáo dục với các thế hệ nhà giáo Bắc Giang nói chung, các nhà giáo - chiến sĩ thuộc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự nói riêng đã hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT (thứ ba từ phải sang), Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh cùng Ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự tặng quà cho gia đình liệt sĩ Vũ Đình Mai tại Nghĩa Trung (Việt Yên).

Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT (thứ ba từ phải sang), Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh cùng Ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự tặng quà cho gia đìnhliệt sĩ Vũ Đình Mai tại Nghĩa Trung (Việt Yên).

Ông Nguyễn Văn Thêm bày tỏ mong muốn, các nhà giáo - chiến sĩ tiếp tục giữ vững phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, đóng góp công sức trong xây dựng quê hương hôm nay, duy trì hoạt động của Ban liên lạc để hằng năm tổ chức các hoạt động tri ân có ý nghĩa này.

Còn tại buổi gặp mặt Ban liên lạc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự, ông Nguyễn Văn Thêm đã gửi đến các nhà giáo - chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự và thân nhân các liệt sĩ thuộc Đại đội những tình cảm chân thành, lòng biết ơn và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT ghi nhận, đánh giá công lao của các nhà giáo - chiến sĩ với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, khẳng định những chiến công lẫy lừng của các nhà giáo khó mà kể hết, sự hy sinh mất mát của các nhà giáo không gì sánh nổi, hình ảnh của các chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự mãi là những bài học oai hùng để các thế hệ nhà giáo và con cháu noi theo. Tại đây, ngành Giáo dục tặng quà cho đại diện 10 gia đình nhà giáo - liệt sĩ thuộc Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự.

Công đoàn Giáo dục tỉnh Bắc Giang và Ban liên lạc thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Tố Uyên tại Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang).

Công đoàn Giáo dục tỉnh Bắc Giang và Ban liên lạc thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Tố Uyên tại Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những nhà giáo, giáo sinh của ngành Giáo dục Bắc Giang đã tạm biệt mái trường, tình nguyện tòng quân, lên đường đánh Mỹ, trở thành những thầy giáo - chiến sỹ, chiến đấu trên nhiều chiến trường, góp công sức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh đó, Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự được thành lập ngày 20/7/1967 tại thôn Đạm Phong, xã Cương Lập, huyện Tân Yên - nơi Ty Giáo dục Hà Bắc sơ tán. Đại đội thành lập theo sáng kiến của cố Trưởng ty Giáo dục Ngô Trí Nhạ khi đó.

Đã có gần 70 nhà giáo hi sinh, nằm lại chiến trường, cống hiến xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều thầy giáo - chiến sĩ lại trở về với bục giảng tiếp tục nghề dạy học. Cùng với đó, có người ở lại quân ngũ hoặc chuyển ngành, hoặc trở về tham gia lao động sản xuất ở địa phương.

Nhưng dù ở cương vị nào, những thầy giáo - chiến sĩ của Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc ngày ấy cũng luôn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.