Xuất nhập khẩu 2022 dự kiến lập đỉnh mới

GD&TĐ - Bộ Công Thương dự kiến vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, Bộ Công Thương dự kiến vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD. Con số này sẽ xác lập một mốc mới sau kết quả của năm 2021 (668,5 tỷ USD).

Báo Chính phủ dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, giảm 4,4% so với tháng trước. Dù sụt giảm trong tháng 11, nhưng tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cả nước vẫn duy trì tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 28,28 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Hết tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 331,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 10,7 tỷ USD.

Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, Bộ Công Thương dự kiến vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD. Mặc dù đạt con số ấn tượng, nhưng Bộ Công Thương vẫn nhìn nhận, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ 2 thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó.

Khó khăn đáng kể nhất mà hoạt động xuất khẩu đang gặp phải chính là thị trường bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ta sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.

Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong đó, tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2615/QĐ-BCT phê duyệt danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021. Trên cơ sở đề xuất của 54 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp (tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng).

Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…

Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.