Tuy nhiên, dù được đánh giá có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia, gạo Việt vẫn còn không ít nỗi lo do tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường...
Tăng mạnh so với cùng kỳ
Theo số liệu mới nhất vừa được Bộ NN&PTNT công bố, tính hết quý I/2018, lượng gạo XK của cả nước tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,49 triệu tấn và kim ngạch tăng 31,8%, đạt 744,96 triệu USD. Giá XK gạo trung bình trong quý I tăng 14,2% so với quý I/2017, đạt mức 501 USD/tấn.
Hầu hết gạo XK sang các thị trường đều được giá cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK sang thị trường Trung Quốc, đạt 411.605 tấn, trị giá 216,55 triệu USD trong quý I/2018, chiếm 27,7% trong tổng lượng gạo và chiếm 29% trong tổng kim ngạch XK gạo của cả nước, giảm 22% về lượng và giảm 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Indonesia là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 2 của nước ta. XK sang thị trường này 3 tháng đầu năm nay tăng đột biến gấp 520 lần về lượng và tăng gấp 378 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 234.099 tấn, tương đương 110,62 triệu USD. Tuy nhiên, giá XK lại giảm trên 27%, chỉ đạt 472,5 USD/tấn.
Trong số các thị trường XK gạo chủ yếu của Việt Nam quý I năm nay, thì có 10 thị trường tăng cả về lượng và kim ngạch, còn lại các thị trường khác sụt giảm. Trong đó, XK gạo tăng rất mạnh ở các thị trường như: Chile đạt mức cao nhất 834,5 USD/tấn, tăng 114%.
Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang thị trường này lại sụt giảm rất mạnh 95% và kim ngạch giảm 90% so với cùng kỳ; Bangladesh tăng gấp 89 lần về lượng và tăng gấp 59 lần về kim ngạch, Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 16 lần về lượng và tăng gấp 23 lần về kim ngạch, Iraq tăng gấp 11 lần về lượng và tăng gấp 16 lần về kim ngạch, Malaysia tăng 207,7% về lượng và tăng 232,5% về kim ngạch, Pháp tăng 151% về lượng và tăng 84,7% về kim ngạch...
Mừng nhưng vẫn... lo
Đánh giá về tình hình XK gạo khởi sắc trong những tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho rằng, gạo là 1 trong 3 mặt hàng thuộc nhóm nông sản có tăng trưởng XK cao ngay trong tháng 2 (thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài). Đây là tín hiệu khởi sắc của lĩnh vực XK gạo.
Đáng mừng hơn cả là cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp giảm, phân khúc chất lượng cao tăng theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của cả nước tăng mạnh và đang ở mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, từ 50 - 100 USD/tấn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển dịch cơ cấu XK gạo từ phân khúc chất lượng thấp và trung bình sang phân khúc chất lượng cao là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng trên thế giới. Và khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động này. Bởi Hiệp định CPTPP có nhiều nội dung, trong đó ngành lương thực, lúa gạo Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc xử lý các rào cản kỹ thuật đối với các quốc gia là đối tác trong liên kết này. Cũng từ Hiệp định này chúng ta từng bước XK vào thị trường các nước tham gia Hiệp định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn mà ngành lúa gạo cần khắc phục, đó là hiện nhu cầu gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất lớn, trong khi những năm qua Việt Nam bán toàn loại gạo cấp trung bình. Gạo chất lượng cao và gạo thơm chúng ta tuy có xuất nhưng thiếu sự ổn định nên rất khó để tiếp cận được những thị trường đòi hỏi chất cao...