Thị trường gạo nóng lên từng ngày

GD&TĐ - Sau một thời gian dài sụt giảm mạnh, tăng trưởng xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam mấy tháng nay đã tăng trưởng mạnh trở lại, gạo nội địa liên tục tăng giá, nhưng nguồn cung hạn hẹp khiến giá gạo thời điểm này tăng lên từng ngày.

Thị trường gạo nóng lên từng ngày

Nguyên nhân khiến giá lúa gạo mấy tháng gần đây liên tục tăng được các chuyên ra chỉ ra là do giá lúa trên thị trường nội địa tăng, trong khi nguồn cung vụ Hè Thu và Thu Đông lại rất hạn chế...

Gạo trong nước liên tục tăng

Qua khảo sát giá tại một số đại lý gạo trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện đang tăng từ 15.000 – 20.000 đồng/yến so với thời điểm cuối tháng 9/2017. Chẳng hạn, gạo tám thơm Hải Hậu có giá 180.000 – 190.000 đồng/yến, tăng 20.000 đồng so với thời điểm cuối tháng 9. Gạo tám Thái Lan có giá 300.000 đồng/yến, tăng 15.000 đồng...

Nhiều đại lý cho biết, giá gạo đã tăng rất cao kể từ đầu tháng 10 đến nay. Dự báo từ nay đến cuối năm giá gạo sẽ còn tăng cao hơn nữa do ảnh hưởng của tình hình mưa bão. Chị Nguyễn Thị Thanh - một đại lý bán bán gạo trên phố Hoàng Ngọc Phách (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cuối tuần vừa rồi thương lái thông báo đợt nhập gạo tới giá gạo sẽ tăng lên 2 đến 3 giá do tình hình giá lúa đang tăng cao.

Lũ lụt thời gian qua càng khiến thị trường gạo “nóng” thêm, nhiều vùng trồng lúa lớn bị mất trắng do mưa lớn kéo dài khiến người tiêu dùng ở vùng lũ cũng gia tăng mua gạo dự trữ. Chưa kể, mưa lũ cũng khiến cho chi phí phơi sấy và vận chuyển tăng lên khiến giá gạo trong nước cũng bị tăng theo.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới đây cho thấy, hiện nay giá lúa gạo tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng tăng mạnh. Tính đến giữa tháng 10, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động trong khoảng 5.600 – 5.700 đ/kg, lúa dài khoảng 5.900 – 6.000 đ/kg. So với đầu tháng 10, giá lúa khô loại thường tăng 300 đ/kg, lúa hạt dài tăng 500 đ/kg.

Tương tự, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.350 – 7.450đ/kg tuỳ từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.200 – 7.300đ/kg tuỳ chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.500 – 8.600 đ/kg tuỳ chất lượng và địa phương...

Như vây, so với đầu tháng 10, tính trung bình giá gạo tăng 300 – 500 đồng/kg. Phân tích về tình hình lúa gạo tăng mạnh thời gian gần đâu, các chuyên gia cho rằng, cơ bản vụ lúa Hè Thu ở khu vực ĐBSCL đã thu hoạch xong, chỉ còn một vài nơi chưa thu hoạch nhưng phải chạy lũ sớm.

Trong khi đó, vụ Thu Đông đến 2 tháng nữa mới có thể bắt đầu thu hoạch. Với điều kiện sản xuất như vậy, sản lượng lúa Hè Thu sẽ giảm và chất lượng không cao nên giá lúa thời điểm này sẽ tăng nhưng không nhiều.

Gạo xuất khẩu cũng tăng giá

Nhận định về tình hình giá gạo từ nay đến cuối năm, đại diện VFA cho rằng, vụ Đông Xuân 2017 – 2018 tới có khả năng sẽ xuống giống trễ hơn vụ Đông Xuân trước do lũ lớn và thời tiết mưa bão phức tạp, làm nước lũ rút chậm nên nông dân sẽ để dành lúa ăn nhiều hơn, cộng với lượng lúa để giống nên lượng lúa Thu Đông còn dư để bán không nhiều; do đó, nguồn cung càng thêm hạn hẹp.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo xuất hiện những điểm sáng từ thị trường Philippines và Bangladesh với nhu cầu mua tăng cao trong những tháng qua và dự báo họ sẽ mua thêm với số lượng lớn vào những tháng cuối năm, trong khi nguồn cung trong nước lại hạn hẹp khiến giá gạo bị đẩy lên khoảng 5% tấn của Việt Nam tăng thêm 5 -10USD/tấn so với đầu tháng 10, lên mức 400 USD/tấn.

Được biết, mới đây, một đối tác của Iran cũng đã qua làm việc trực tiếp với một doanh nghiệp gạo ở Cần Thơ và hai bên đã có thỏa thuận từ nay đến cuối năm sẽ xuất khẩu sang Iran khoảng 100.000 tấn gạo. Trước đây, Cần Thơ chưa từng có hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường Iran.

Theo dự báo của các chuyên gia, hiện nhu cầu mua gạo của các nước nhập khẩu ở cả ba khu vực châu Á, châu Phi và châu Âu tương đối khả quan. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nguồn cung trong nước khá hạn hẹp khiến giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh.

Như vậy, với xu hướng đang diễn ra, xuất khẩu gạo tiếp tục lội ngược dòng vào những tháng cuối năm. Chưa kể, nhiều nhà xuất khẩu đang chờ thông tin tốt từ Bangladesh khi quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu khoảng 500.000 tấn gạo trong thời gian tới. Nếu Việt Nam trúng thầu, gạo xuất khẩu cuối năm sẽ thuận lợi và ổn định hơn.

Ngoài Bangladesh, Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Theo đó, lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái Lan).

Trung Quốc cũng được dự kiến là sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm với các loại gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm, tấm... để phục vụ cho nhu cầu những tháng cuối năm.

Với tình hình thị trường và lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo tăng kỷ lục trong những tháng qua và sự chuyển biến mạnh của thị trường hiện nay, VFA đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì mục tiêu 5,2 triệu tấn trước đó đề ra. Đến nay, ngành lúa gạo đã đạt được gần 82% kế hoạch.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo. Đồng thời, sẽ chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam; điều chỉnh cơ cấu thị trường phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...