(GD&TĐ)- Những ngày xuân Quý Tỵ 2013 này, người dân đón tết vui xuân ngập tràn trên các ngả đường. Với học trò và các thầy, cô giáo ngành giáo dục còn có thêm nhiều niềm vui hơn nữa đó là được học trong các phòng học mới, ở trong các ngôi nhà công vụ mới khang trang.
Nhiều trường học được thay áo mới
Xuân về trên ngôi trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La biểu hiện trên những vẻ mặt rạng rỡ, tươi vui của học sinh các dân tộc nơi đây. Nắng xuân ngập tràn sân trường, tô điểm thêm cho những bức tường vàng rực rỡ trên các công trình nhà lớp học, nhà công vụ cho giáo viên mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm học này.
Trường THPT Chu Văn Thịnh khang trang trong nắng xuân. Ảnh, gdtd.vn |
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Xuân Tuy phấn khởi chia sẻ với phóng viên: những năm học trước đây, học sinh, giáo viên nhà trường phải dạy và học trong hơn 20 phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm tre nứa, vách đất. Năm 2009 nhà trường được hưởng lợi 2 hạng mục công trình từ Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 (Đề án KCH) của Chính phủ.
Cuối năm 2010 khu nhà công vụ 20 phòng với tổng mức đồng tư 2,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ được khởi công xây dựng và hoàn thành. Công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng đã tạo chỗ ở thuận lợi tại trường cho 40 giáo viên có nhu cầu ở nội trú. Năm 2011 khu nhà lớp học 3 tầng 12 phòng được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 6,7 tỷ đồng từ Đề án vừa được hoàn thành đã thay thế hoàn toàn những phòng học xuống cấp trước đây.
Năm 2007 trên toàn mạng lưới trường học các cấp của Sơn La có tới 5.859 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp và trên 1.700 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên bức thiết phải đầu tư xây dựng. Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra hàng năm, ngân sách tỉnh Sơn La khó có thể đảm đương nổi số vốn đầu tư cải tạo và xây mới số lượng công trình này.
Đề án KCH được chính phủ phê duyệt và triển khai trong thời gian qua đã giúp cho tỉnh cơ bản xóa được phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp, tạo chỗ ở cho hàng ngàn giáo viên các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Tại trường Mầm non xã Yên Mông, TP.Hòa Bình tỉnh Hòa Bình đang chỉnh trang lại những hạng mục phụ trợ cuối cùng để đón nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia trong năm nay. Trưởng phòng GD-ĐT T.P Hòa Bình Bùi Thị Chung cho biết, được hưởng lợi 4 phòng học xây mới rộng rãi, khang trang từ Đề án KCH, trường MN Yên Mông đã giải quyết được bài toán thiếu phòng học, nhất là cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Năm 2012, Hòa Bình được công nhận đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Kết quả này có đóng góp không nhỏ của nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ của Đề án KCH. Hàng trăm phòng học được xây mới cho bậc học MN tại tỉnh Hòa Bình đã thay thế cho các nhà lớp học cũ nát, không đảm bảo các điều kiện nuôi dạy trẻ.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, qua 5 năm thực hiện Đề án KCH, có 1.995 phòng học được kiên cố hóa, 776 phòng công vụ cho giáo viên được xây mới đã tạo điều kiện cho các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện mạng lưới trường học ở các địa phương trong toàn tỉnh. Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn đầu tư lồng ghép khác về cơ bản được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng thất thoát vốn.
Ổn định đời sống cho giáo viên
Trẻ 5 tuổi được học trong nhà lớp học mới xây dựng sach đẹp, sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ thuộc Đề án của trường MG Hòn Đất, TT Hòn Đất, Kiên Giang. Ảnh, gdtd.vn |
Cũng với tâm trạng phấn khởi, tươi vui, Cô Lương Thị Út giáo viên trường Tiểu học Đắk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: nhà cô ở cách trường 20 km, trong khi đó đường đi rất vất vả, vào mùa mưa, đường rất lầy lội nên không thể đi về trong ngày nên phải ở lại trường. Đặc biệt tháng 9/2009, cơn bão số 9 đã cuốn trôi cây cầu sắt Đăk Tờ Kan, chia cắt hai vùng Đông và Tây của huyện. Các xã trong vùng như sống trên ốc đảo rất thiếu thốn. 12 giáo viên phải bám trường và sinh hoạt trong các phòng nhà công vụ được dựng bằng tre, nứa.
Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mọi bề, điện nước không có. Có giáo viên phải xin tá túc lại trong nhà người dân quanh trường. Nay các giáo viên ở đây vô cùng phấn khởi khi được ở trong khu nhà công vụ 4 phòng được xây mới với đầy đủ điện nước, bếp đun nấu. Cô Út xúc động nói: “Tôi rất biết ơn Đảng, Chính phủ đã tạo điều kiện xây nhà ở cho giáo viên ở tại trường, rất thuận tiện cho việc dạy và học. Các giáo viên ở đây đều là những người nhà ở xa, có được chỗ ở nên rất yên tâm công tác, bám trường, bám lớp”.
Thầy Trần Văn Thanh hiệu trưởng nhà trường cho biết: là trường của một huyện khó khăn nên cơ sở vật chất của trường mấy năm trước cũ nát lắm. Năm 2005 trường có 8 phòng học thì không có phòng nào được xây dựng bằng gạch, vữa. Tất cả các phòng học đều được dựng tạm bằng tre, nứa, lợp lá. Tu Mơ Rông và các huyện quanh vùng là nơi có điều kiện khắc nghiệt. Mưa to gió lớn vào mùa mưa, rét vào mùa đông nên điều kiện học tập của học sinh rất khó khăn, vất vả.
Đến năm 2008, trường được hưởng lợi từ Đề án KCH 8 phòng học thay thế những phòng học tạm với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ đồng. Từ khi đưa vào sử dụng, nhà lớp học mới rộng rãi, khang trang đã tạo điều kiện cho cô và trò nhà trường ổn định và dần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục từ đó đến nay.
Nhu cầu cải tạo trường, lớp học còn rất lớn
Khu nhà ở công vụ của cô Lương Thị Út và các giáo viên khác trong trường Tiểu học Đắk Tờ Kan. Ảnh, gdtd.vn |
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TƯ Đề án KCH các tỉnh miền núi phía Bắc (gồm Tây Bắc, một phần Đông Bắc Bộ) Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông cửu Long là những nơi cơ sở vật chất trường, lớp học còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng ở đây có xuất phát điểm thấp nên tỉ lệ phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm cần đầu tư thay thế là rất lớn.
Tại hội nghị bàn về giải pháp phát triển GD-ĐT, dạy nghề vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2012-2020 được Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ GD-ĐT tổ chức hổi đầu năm các tỉnh đã tập trung phản ánh tình trạng yếu kém của cơ sở vật chất trường, lớp học.
Trong giai đoạn 2008-2012 vừa qua, Đề án KCH đã cơ bản xóa được xóa được tình trạng phòng học 3 ca, phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm. Tuy nhiên số lượng phòng xuống cấp, phòng tạm nằm trong danh mục đầu tư của Đề án KCH chưa được đầu tư xây dựng do hết vốn còn rất nhiều. Bên cạnh đó còn số lượng lớn phòng học phát sinh do thiên tai bão lũ, phòng học tiếp tục xuống cấp chưa được kiểm đếm.
Khi Đề án KCH kết thúc giai đoạn đầu tư, ngân sách các tỉnh này không đủ năng lực để đầu tư xây dựng cải tạo, thay thế số lượng phòng học này. Bên cạnh đó là nhu cầu bức thiết của các giáo viên dạy tại các trường vùng sâu, xa có nhu cầu ở nhà công vụ mà chưa có nhà để ở. Do vậy, đại diện các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc đã đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư Đề án KCH trong thời gian tới để các địa phương có nguồn lực tài chính cải tạo hệ thống phòng học đã xuống cấp, cũ nát, tạo chỗ ở để giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp ở vùng những vùng khó khăn.
Bá Hải