Xuân kết nối yêu thương

GD&TĐ - Đã thành thông lệ, trước khi HS nghỉ học đón Tết Nguyên đán, trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) đều chọn ra mỗi lớp hai học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc mồ côi để tặng quà Tết.

Ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm nay, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo 88 suất quà gồm đường, hạt dưa, chai nước mắm, dầu ăn. Quà không trao trong giờ chào cờ hay sinh hoạt lớp mà được trao riêng tại hội trường của trường. HS nào nhận quà sẽ được cô giáo chủ nhiệm chuyển giấy mời để đến hội trường, có đại diện BGH trao quà cho các em với lời nhắn gửi tình cảm: “Nhà trường gửi các em món quà nhỏ để góp Tết cùng gia đình”.

Trước đó, trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng đã tặng áo quần và gạo cho 300 HS gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Đặng Nhứt cho biết: “Từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, chúng tôi huy động được gần 35 triệu đồng để các em HS vừa có quần áo mới mặc tết, cũng là góp một phần nhỏ vào việc sắm Tết của gia đình các em”.

Từ nguồn tiền tiết kiệm của phong trào nuôi heo đất, 21 HS thuộc diện gia đình khó khăn của trường Tiểu học Bạch Đằng cũng đã nhận được quà Tết gồm một số nhu yếu phẩm trước khi nghỉ Tết, như là một cách chia sớt một phần khó khăn, góp thêm niềm vui Xuân cùng với gia đình học sinh.

Ngoài ra, cũng dịp này, trường Tiểu học Bạch Đằng cũng đã tặng 4 thẻ bảo hiểm y tế với thời hạn 6 tháng cho 4 học sinh không thuộc diện miễn giảm nhưng gia đình không có khả năng mua bảo hiểm y tế cho con.

Trước đó, từ nguồn đóng góp của học sinh, giáo viên cùng một số nhà hảo tâm, nhà trường đã trao một thẻ tiết kiệm trị giá 45 triệu đồng cho em Nguyễn Hà Phương, nguyên là học sinh cũ của trường để hỗ trợ gia đình chi phí chữa bệnh cột sống cho em.

Từ nhiều nguồn đóng góp, hỗ trợ, mới đây, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức trao quà Tết Bính Thân cho 210 học sinh và 169 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khó khăn đột xuất, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.

Ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động hướng đến cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khó khăn đột xuất để chung tay xoa dịu, chia sẻ những nỗi đau, những mất mát để các thầy cô và các em học sinh cùng gia đình đón Xuân vui tươi, đầm ấm như phong trào Nuôi heo đất vì bạn nghèo, Tết vì bạn nghèo, Vòng tay bè bạn… 210 học sinh nhận quà Tết là 201 hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những em đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về bệnh tật, khó khăn về vật chất và tinh thần. Điều đáng quý là các em có ý chí, nghị lực, khát khao được học tập và biết ước mơ về một tương lai tươi đẹp của mình”.

Có một điều đặc biệt trong cách trao quà tết của các trường học, như là một bài học quý cho học sinh về cách “cho” và “nhận”. Ban giám hiệu các trường đều không tổ chức trao quà Tết cho các em tại buổi sinh hoạt chung của toàn trường, “bởi vì chúng tôi nghĩ, thực sự không một học sinh khó khăn nào muốn phơi bày hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình mình cho các bạn biết cả”. Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong buổi trao quà Tết cho học sinh, còn có cả chương trình văn nghệ do chính học sinh và thầy cô giáo biểu diễn, như là nguồn động viên tinh thần giúp các em vững tin hơn trong cuộc sống.

Những món quà tuy nhỏ nhưng đã có tác dụng rất lớn trong việc cổ vũ phong trào học tập của nhà trường bởi nó mang một giá trị tinh thần rất lớn. Nhận được sự hỗ trợ, những quan tâm, chăm sóc của cả thầy cô và bạn bè, các em càng có ý thức hơn trong học tập. Những việc làm này đã dần hình thành cho HS các trường học tinh thần tương thân tương ái, trợ giúp đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn hiểm nghèo.

Tết Nguyên đán đối với những HS gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì thế, ấm áp hơn bởi những chia sẻ, dù là rất nhỏ của thầy cô và bè bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.